Văn minh hàng không

Khoảnh khắc kỳ diệu: Tiếp viên dùng ống hút cứu bé sơ sinh

{Hà Khanh} 20/07/2025 07:21

Không chỉ cung cấp dịch vụ trên máy bay, các tiếp viên hàng không còn là lực lượng tuyến đầu đảm bảo an toàn cho hành khách.

Nhiều tiếp viên hàng không vì vậy đã đi vào lịch sử nhờ hành động nhanh trí, chuyên nghiệp trong những tình huống ngặt nghèo khi tính mạng hành khách bị đe dọa.

Đỡ đẻ ở độ cao 9.000 mét

Năm 2007, Carol Miller, khi đó 47 tuổi, là một tiếp viên hàng không đến từ Calderstones (Merseyside), Vương quốc Anh.

Cô đã được trao danh hiệu danh giá "Pride of Britain" (Niềm tự hào nước Anh) vì đã dũng cảm cứu sống một bé sơ sinh nặng chỉ 453g khi sinh non trên chuyến bay từ Crete về Manchester.

Trên chuyến bay tháng 4/2007, hành khách Nicola Delemere, 31 tuổi, đến từ Scunthorpe, đi cùng chồng là Dominic, 28 tuổi. Cô bất ngờ chuyển dạ khi đang ở tháng thứ sáu của thai kỳ.

Nhận thấy tình trạng khẩn cấp, Carol Miller – tiếp viên của hãng First Choice – ngay lập tức hành động.

_44165297_carolmiller203.jpg
Carol Miller. (Ảnh: BBC)

Sau khi đề nghị cơ trưởng liên hệ với đội ngũ y tế mặt đất, cô được hướng dẫn các bước sơ cứu qua bộ đàm.

Trong lúc căng thẳng đó, Carol phát hiện đầu em bé đã lộ ra. Cô giúp Delemere và chỉ trong chốc lát, bé Alfie chào đời ở độ cao 30.000 feet (hơn 9.000 mét).

“Dù có phần sợ hãi, nhưng khoảnh khắc ấy thực sự kỳ diệu. Khi bạn thấy một sinh linh bé nhỏ vừa chào đời, bản năng khiến bạn muốn làm mọi thứ để cứu sống em bé, dù có được đào tạo hay không”, Carol chia sẻ.

Không chút do dự, cô đã dùng ống hút để thổi hơi vào phổi giúp em bé thở, sau đó cắt dây rốn và thực hiện hồi sức tim phổi (CPR) suốt 40 phút – cho đến khi máy bay hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Gatwick, nơi bé Alfie được đưa ngay vào phòng chăm sóc đặc biệt.

Sau nhiều tháng điều trị tích cực, bé Alfie đã hoàn toàn khỏe mạnh và được về nhà vào tháng 8 cùng năm.

Gia đình Delemere không giấu được sự xúc động. Anh Dominic chia sẻ sau đó: “Chúng tôi không biết nói gì để diễn tả hết lòng biết ơn dành cho Carol – người đã cứu sống con trai chúng tôi".

_44165205_babyalfie203.jpg
Em bé sinh non và gia đình. (Ảnh: BBC)

Đào tạo xử lý khẩn cấp

Vào năm 2007, ngành hàng không dân dụng đang chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ, kéo theo yêu cầu cao hơn đối với đội ngũ tiếp viên hàng không không chỉ ở mặt dịch vụ mà còn về kỹ năng ứng phó tình huống khẩn cấp.

Trái với hình ảnh đơn thuần là những người phục vụ đồ ăn, nước uống, tiếp viên hàng không trở thành lực lượng tuyến đầu trong việc đảm bảo an toàn tính mạng cho hành khách trên mỗi chuyến bay.

Tại thời điểm đó, các hãng hàng không tại Anh như First Choice Airways (nơi Carol Miller công tác) yêu cầu tiếp viên trải qua một chương trình đào tạo nghiêm ngặt trước khi chính thức được phục vụ trên khoang.

Khóa huấn luyện này kéo dài nhiều tuần, tập trung vào các nội dung như: Sơ cấp cứu y tế trên máy bay, bao gồm hô hấp nhân tạo (CPR), xử lý dị vật đường thở, cầm máu và hỗ trợ sản phụ khi chuyển dạ bất ngờ; sử dụng thiết bị y tế khẩn cấp, như bộ sơ cứu, bình oxy và dụng cụ thông khí đơn giản; di tản hành khách khi có cháy, hạ cánh khẩn cấp, hoặc mất áp suất cabin; kỹ năng giao tiếp và tâm lý học ứng phó khủng hoảng, nhằm trấn an hành khách trong những tình huống hoảng loạn.

Tuy nhiên, một ca sinh non ở độ cao 9.000 mét, trong điều kiện thiếu oxy và thiết bị y tế chuyên dụng, là tình huống nằm ngoài mọi giáo trình huấn luyện thông thường.

Vai trò quyết định của tiếp viên hàng không

Trong trường hợp của Carol Miller, dù không phải là bác sĩ, cô đã vận dụng toàn bộ kỹ năng y tế cơ bản được học trong quá trình đào tạo để xử lý một tình huống nguy hiểm đến tính mạng – không chỉ của đứa trẻ sinh non mà còn của người mẹ.

Các tiếp viên hàng không như Carol chính là người: Phát hiện và đánh giá sơ bộ tình trạng y tế của hành khách; điều phối nguồn lực có sẵn trên khoang (như vật dụng thay thế y cụ, sự trợ giúp từ hành khách khác); liên lạc với bác sĩ mặt đất thông qua phi công để nhận hướng dẫn chuyên môn theo thời gian thực; giữ vững tinh thần cho cả nạn nhân và những hành khách xung quanh.

Ở thời điểm đó, không có công nghệ như gọi video, không có đội ngũ bác sĩ bay cùng, càng không có thiết bị y tế cao cấp. Chính vì thế, kỹ năng, bản lĩnh và sự chủ động của tiếp viên hàng không đóng vai trò then chốt trong các tình huống sống còn.

{Hà Khanh}