"Mọi thứ diễn ra quá nhanh": Nạn nhân 10 tuổi sống sót rớt nước mắt kể lại
Nạn nhân 10 tuổi - nhân chứng sống trong vụ việc đã không khỏi bàng hoàng khi kể lại sự việc lật thuyền ở Hạ Long.
Giữa cuộc đua tìm kiếm những người mất tích tại hiện trường vụ lật thuyền ở Hạ Long, một câu chuyện kỳ diệu đã xảy ra.
Lúc khoảng 18h, lực lượng cứu hộ bất ngờ phát hiện một bé trai còn sống trong thân tàu du lịch bị lật úp nơi trước đó được cho là hoàn toàn bị nước nhấn chìm.

Bé trai khoảng 10 tuổi, sau đó được xác định là Hoàng Nhật M. (sinh năm 2015, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội), được đưa ra khỏi khoang tàu trong tình trạng sức khỏe tạm ổn, nhưng hoảng loạn tinh thần.
Câu chuyện của cháu M. khiến nhiều người tại hiện trường nghẹn ngào. Trong khoảnh khắc tàu lật, cháu đi cùng gia đình trên hành trình du lịch.
Khi con tàu chao đảo rồi úp xuống, cháu may mắn rơi vào một khoang tàu còn không khí.
Trong bóng tối và nước lạnh, cháu cố gắng giữ bình tĩnh, kiên nhẫn chờ đợi. "Khoảnh khắc diễn ra quá nhanh, cháu không cảm nhận được gì. Cháu cố gắng thoát ra được ngoài, một lúc sau có các chú bộ đội cứu vớt", cháu M. cho biết.

Ngay sau khi được đưa lên tàu cứu hộ, cháu được quấn khăn ấm, kiểm tra sức khỏe sơ bộ rồi nhanh chóng chuyển đến Bệnh viện Bãi Cháy.
Đại diện lực lượng y tế xác nhận cháu không bị thương nghiêm trọng, đã qua cơn nguy hiểm. Tuy vậy, tung tích của bố mẹ cháu đến nay vẫn chưa được xác định, khiến công tác tìm kiếm trở nên khẩn trương hơn bao giờ hết.
Ông Bùi Công Hoan, Chi hội phó Chi hội Tàu Du lịch Hạ Long, cho biết sau khi nhận được thông tin về vụ việc, ông cùng một số thành viên trong chi hội đi xuồng cao tốc ra hiện trường nơi tàu Vịnh Xanh bị đắm.
“Thời gian đi xuồng cao tốc từ đất liền ra tới nơi tàu gặp nạn khoảng 20 phút. Khi chúng tôi ra đến nơi là hơn 17h, gió đã nhỏ hơn và chỉ còn mưa lác đác”, ông Hoan kể lại.
Người đàn ông nhớ lại khi đó, một đội cứu hộ cảnh sát phòng cháy chữa cháy đã lặn xuống bên dưới khu vực tàu gặp nạn và phát hiện một cậu bé 14 tuổi còn sống trong khoang khách. Lực lượng cứu nạn ngay lập tức đập kính để tìm cách cứu nạn nhân.
“Theo kinh nghiệm phán đoán của tôi, tàu khi đó chìm một góc khoảng 45-50%. Nền ở khoang phòng khách của tàu lúc tôi ở đó chênh mực nước biển khoảng 50-60cm, tức là trong khoang khách vẫn còn khoảng trống không bị ngậo nước.
Cậu bé sống sót được là nhờ ở bên trong khoang khách vẫn còn một khoảng trống quý giá ấy”, ông Hoan kể, và nhìn nhận việc nạn nhân 14 tuổi được đưa ra ngoài là một sự việc may mắn, thần kỳ.
Ông cho biết khi đưa ra, cậu bé không mặc áo phao, bị rét và hoảng sợ, ai hỏi cũng không nói gì, song sức khỏe của nạn nhân bình thường.
Theo danh sách du khách vụ tàu du lịch vịnh Hạ Long, có hơn 20 trẻ em, bé nhỏ nhất mới 2 tuổi, đa số đều ở Hà Nội.
Hiện tại, trên mạng xã hội đang chia sẻ rất nhiều câu chuyện về các nạn nhân. Đơn cử như câu chuyện 1 gia đình 4 người ở Hà Nội đi tiếp Hạ Long sau chuyến du lịch cùng công ty, hiện người vợ đã được cứu, còn chồng và 2 con thì chưa có thông tin.
Tuy nhiên cũng có 1 số người cho rằng việc đi thuyền ra Vịnh khi có thông tin bão số 3 là việc khá nguy hiểm. Hàng loạt các cuộc tranh cãi trên mạng xã hội cũng nổ ra. 1 trang facebook có tên là V.T.M có viết rằng:
"Đây là cơn giông lốc bất chợt do sự đối lưu không khí sau những ngày nắng nóng kéo dài, còn bão Wipha hiện vẫn đang trên biển Đông đến 21-22 mới vào đến đất liền.
Từ sáng đến 13h30 chiều nay Hạ Long vẫn nắng chói chang , vậy mà chỉ 30 phút sau đã gió to sóng lớn, tầm 14h05 thì tàu bị lật.

Cơn giông lốc bất chợt ập đến, mọi người đều không thể lường được, dù là chủ tàu hay khách đi tàu. Tất cả các dự báo đều cho thấy 3 ngày nữa mới bão, và khi các tàu xuất phát trời còn đang nắng rất đẹp, và không có bất cứ dự báo nào về cơn lốc này.

Các ý kiến trên mạng cho rằng “biết bão mà vẫn đi hay bão về mà tàu vẫn chạy, tiếc tiền mà vẫn cố đi” có thể hơi phiến diện.
Sự việc xảy ra một phần do con tàu đi vào đúng lúc có giông, và đi vào đúng luồng gió lốc, dù gần bờ nhưng xung quanh không có núi che chắn nên mới bị lật đáng tiếc như vậy.
Hiện tỉnh Quảng Ninh đã chỉ đạo các bệnh viện tích cực điều trị cho những người bị nạn và xử lý các vấn đề phát sinh. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh kết nối với những người liên quan; liên hệ khách sạn, nhà hàng bố trí chỗ ăn nghỉ cho thân nhân người bị nạn.
Tối 19/7, ngay sau khi nhận được thông tin tàu du lịch bị đắm tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp đến chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn.

Sau khi nghe Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh Vũ Đại Thắng và lãnh đạo Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh báo cáo về diễn biến vụ việc, lãnh đạo Chính phủ chia sẻ với những mất mát đau thương của gia đình các nạn nhân.
Phó Thủ tướng lưu ý nếu trong tối nay thực hiện cứu hộ phải tính toán phương án, khả năng an toàn của đội tìm kiếm cũng phải đặt lên trên hàng đầu.

Ông nhận định tốt nhất là cố gắng làm được trong tối nay, không để đến ngày mai vì mọi điều kiện sẽ trở nên phức tạp hơn.
Đặc biệt, Phó Thủ tướng yêu cầu với phương tiện, điều kiện kỹ thuật như ánh sáng, đèn, trang thiết bị tàu thuyền… phải đảm bảo để an toàn của lực lượng cứu hộ được đảm bảo tuyệt đối.

Bước đầu tỉnh Quảng Ninh hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người.
Tỉnh bố trí nơi ở và hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn nghỉ cho gia đình các nạn nhân khi ở Quảng Ninh.
