Tin tức

Bão số 3 Wipha giật cấp 12 vào Biển Đông, ảnh hưởng đến điều hành bay

K.Linh 19/07/2025 17:46

Bão số 3 Wipha giật cấp 12 đã đi vào khu vực Bắc Biển Đông và có thể ảnh hưởng đến phía đông các phân khu 1, 2, 3 thuộc điều hành bay của ACC Hà Nội.

Diễn biến của bão số 3

Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, hồi 13 giờ, ngày 19/7, vị trí tâm bão ở vào khoảng 20,5 độ Vĩ Bắc; 119,0 độ Kinh Đông, trên vùng biển phía Đông Bắc khu vực Bắc Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9 - 10 (41-55kt), giật cấp 12 (64-71kt); di chuyển theo hướng Tây Bắc với tốc độ khoảng 20km/h.

bao-so-3.jpg
Bản đồ dự báo quỹ đạo bão Wipha. Ảnh minh họa

- Trong 24 giờ tới: bão di chuyển hướng Tây Tây Bắc, khoảng 20-25 km/h và có khả năng mạnh thêm, trên vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông; cách bán đảo Lôi Châu (Trung Quốc) khoảng 370 km về phía Đông, mạnh cấp 11-12 (56-71kt), giật cấp 15 (90-99kt).

- Trong 24 - 48 giờ tới: bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, khoảng 15-20km/h, trên ven biển phía Tây bán đảo Lôi Châu, mạnh cấp 10-11 (48-63kt), giật cấp 13 (72-80kt). - Từ 48 đến 72 giờ tiếp theo, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, 10 - 15km/h và suy yếu dần, trên đất liền đồng bằng Bắc Bộ và Thanh Hoá, mạnh cấp 8 (34-40kt), giật cấp 10 (48-55kt).

- Từ 72 đến 96 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Tây Nam, mỗi giờ đi được 5-10km và tiếp tục suy yếu thêm.

Dự báo, khoảng từ sáng ngày 21/7, hoàn lưu phía tây của bão có khả năng ảnh hưởng đến phía đông các phân khu 1, 2, 3 thuộc điều hành bay của ACC Hà Nội, có mây TCU/CB diện rải rác đến nhiều nơi, đỉnh mây CB cao tới FL460/540 gây dông và các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác đi kèm; khoảng 21 đến 24 giờ (Hà Nội) ngày 21/7, tâm bão có khả năng chạm FIR Hà Nội (ranh giới giữa phân khu 1 và 2 FIR Hà Nội); khoảng sáng ngày 22/7 tâm bão có khả năng đi vào đất liền, khu vực từ Quảng Ninh - Thanh Hóa, mạnh cấp 8-9(34-47kt), giật cấp 10-11 (48 – 63kt).

bao-so-3-trung-tam-khi-tuong-hang-khong.jpg
Kíp trực bão tại Trung tâm Cảnh báo thời tiết – Trung tâm Khí tượng hàng không. Ảnh minh họa

Đảm bao an toàn cho các hoạt động bay

Trước diễn biến phức tạp của cơn bão số 3 (Wipha), Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam đã tổ chức cuộc họp khẩn để triển khai các phương án ứng phó toàn diện, nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho các hoạt động bay trong mọi tình huống thời tiết xấu.

Theo đó, các đơn vị tại khu vực dự báo bị ảnh hưởng nhanh chóng kích hoạt phương án ứng phó tại chỗ, phân công nhiệm vụ rõ ràng, triển khai theo nguyên tắc “4 tại chỗ” nhằm chủ động xử lý hiệu quả các tình huống khẩn cấp.

Các đơn vị kỹ thuật đảm bảo hệ thống thông tin, dẫn đường, giám sát (CNS) hoạt động ổn định 100%; kiểm tra, chằng néo các công trình, đài trạm theo phương án đã được phê duyệt; bố trí lực lượng kỹ thuật trực 24/24, sẵn sàng khắc phục mọi sự cố.

Các cơ sở điều hành bay tăng cường công tác chỉ huy bay, xây dựng phương án ứng phó với tình huống thời tiết xấu như bay chờ, bay tránh bão, đổi đường bay, tăng cường phân cách, lựa chọn đường cất hạ cánh linh hoạt để bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hoạt động bay.

Trung tâm Khí tượng hàng không theo dõi chặt chẽ diễn biến bão, cung cấp kịp thời các bản tin dự báo, cảnh báo chính xác cho cơ sở điều hành bay và người sử dụng dịch vụ, phục vụ hiệu quả công tác ra quyết định điều hành bay.

Trung tâm Thông báo tin tức hàng không (AIS) chủ động chuẩn bị và phát hành các bản tin NOTAM liên quan đến tình hình thời tiết, trạng thái hoạt động sân bay, các thay đổi trong dịch vụ không lưu, bảo đảm cung cấp thông tin nhanh chóng, đầy đủ và chính xác.

Các Ban Quản lý dự án và nhà thầu thi công chủ động đánh giá thời điểm tạm dừng thi công, triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn cho người, thiết bị, máy móc và hạng mục công trình; đồng thời chuẩn bị đầy đủ phương tiện, vật tư để sẵn sàng khắc phục nếu xảy ra sự cố.

Trung tâm Quản lý luồng không lưu xây dựng và triển khai các phương án điều tiết luồng không lưu, giãn cách, chuyển hướng hoặc thay đổi mực bay khi cần thiết; phối hợp chặt chẽ với Cảng vụ hàng không và Cảng hàng không trong việc điều chỉnh kế hoạch bay theo diễn biến thời tiết.

Các đơn vị cần chuẩn bị kỹ các phương án theo đúng quy trình đã ban hành, tuyệt đối không chủ quan, bảo đảm an toàn cho người, thiết bị và duy trì hoạt động bay thông suốt.

K.Linh