Hành khách bối rối khi bay liên danh, liên tục nhầm T1 với T3 tại Tân Sơn Nhất
Từ khi nhà ga T3, Tân Sơn Nhất đưa vào sử dụng đến nay, rất nhiều hành khách đi nhầm giữa ga T1 và T3, đặc biệt là hành khách mua vé của Vietnam Airlines nhưng do Pacific khai thác.

Trong khi đó, các chuyến bay của Pacific Airlines vẫn được mở bán trên website của hãng hàng không quốc gia theo hình thức codeshare khiến nhiều hành khách đối mặt những tình huống “không ngờ tới”.
Hai lần nhầm T1 và T3, khách đặt vé nội địa của Vietnam Airlines suýt trễ chuyến
Anh Nguyễn Xuân Trung, Founder Snapcut AI, chia sẻ, ngày 18/7, anh đặt vé của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines đi từ TP.HCM đến Huế. Trên vé ghi nhà ga khởi hành là T1, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất. Do đó, anh tự tin đến nhà ga T1.
Tuy nhiên, ngay tại sảnh T3, anh nhìn thấy bảng hiệu rất lớn với nội dung rằng tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines chuyển sang khai thác ở nhà ga T3. Nghi ngờ, anh Trung hỏi lại một nhân viên tại sảnh nhà ga thì người này trả lời rằng anh nhầm. Các chuyến bay của Vietnam Airlines phải khai thác ở nhà ga T3 mới đúng.
“Nghe bạn nhân viên nói thế cộng thêm tâm lý gần đây có nhiều bài viết trên mạng về việc nhầm nhà ga T1 với T3 nên trễ chuyến, tôi tất tả bắt xe ôm trong bãi đỗ xe để sang T3 cho nhanh”, anh Trung kể lại.

Vì chạy vội, anh tài xế xe ôm còn bị nhân viên bảo vệ ở nhà ga T3 cằn nhằn vì đi nhầm làn đường.
“Chạy hồng hộc vào check in cho kịp giờ. Thế nhưng, khi vừa tới cửa an ninh, nhân viên quầy nhìn vé rồi lại trả lời rằng nhầm rồi, phải T1 mới đúng, làm tôi chưng hững”, anh Trung chia sẻ.
Theo đó, vé của anh Trung mặc dù được mua trên website của Vietnam Airlines nhưng do Pacific Airlines khai thác. Mà hiện tại, các chuyến bay của Pacific Airlines vẫn đang thực hiện tại nhà ga T1, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.
Anh Trung sau đó lại vội vàng bắt taxi quay trở lại nhà ga T1 khi chỉ còn 15 phút nữa là đến giờ ra cửa máy bay. May mắn thay, chuyến bay bị delay nên anh vẫn còn kịp giờ hoàn tất các thủ tục.
Tổng chi phí cho hai lần di chuyển qua lại giữa T1 và T3 của anh Trung trong buổi sáng ngày 18/7 hết 350.000 đồng. Trong đó, 100.000 đồng cho việc di chuyển bằng xe ôm từ T1 sang T3 và 250.000 đồng cho lượt taxi từ T3 về lại T1.

Không chỉ riêng anh Trung, từ khi nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất đưa vào sử dụng đến nay, rất nhiều hành khách đi nhầm giữa hai nhà ga này, đặc biệt là hành khách mua vé của Vietnam Airlines nhưng do Pacific khai thác.
Mua vé Vietnam Airlines, sao lại lên tàu của Pacific?
Từ giữa tháng 5/2025, tất cả các chuyến bay của Vietnam Airlines đã chuyển về khai thác tại nhà ga T3, Tân Sơn Nhất. Tuy vậy, 2 hãng bay cùng thuộc Vietnam Airlines Group là Pacific Airlines và VASCO vẫn khai thác tại nhà ga T1 Tân Sơn Nhất.
Đáng nói, nhiều chuyến bay của Vietnam Airlines và Pacific Airlines là chuyến bay liên danh (codeshare flight) dùng chung số hiệu chuyến bay "VN" khiến hành khách hiểu nhầm, dẫn đến việc đi nhầm nhà ga.
Một hành khách chia sẻ với Tạp chí Hàng không rằng, anh cho biết đặt mua vé máy bay đi Hà Nội trên website của Vietnam Airlines. Thông tin đặt vé thể hiện khá đầy đủ thông tin mã đặt chỗ, hành trình, số hiệu chuyến bay với 2 ký tự đầu tiên là "VN" nên đã tưởng nhầm sẽ làm thủ tục ở nhà ga T3.
Tuy nhiên, khi ra tới nhà ga mới để làm thủ tục, vị khách này mới biết chuyến bay được thực hiện bởi Pacific Airlines nên cần đến nhà ga T1 cách đó 15-20 phút di chuyển.
"Khi đặt vé, những chuyến bay của Pacific Airlines sẽ có dòng chữ Operated by Pacific Airlines (khai thác bởi Pacific Airlines) được ghi chú rất bé. Với những người không thường xuyên mua vé máy bay như tôi, việc hiểu nhầm rất dễ xảy ra", vị này cho biết thêm.
Khảo sát trên website của Vietnam Airlines, phần bán vé, hàng loạt chuyến bay của Vietnam Airlines được hiển thị, trộn lẫn chuyến bay của Pacific Airlines. Ví dụ chặng Hà Nội - TP.HCM ngày 27/7/2025 trên website của Vietnam Airlines hiển thị 26 chuyến bay, trong đó có 2 chuyến bay của Pacific Airlines.
Đáng nói là tại phần thông tin để đặt vé, dãy chuyến bay theo giờ, thông tin về hành trình, số hiệu chuyến bay na ná nhau với hai ký tự đầu tiên là "VN".
Chỉ khi chú ý kỹ, hành khách phân biệt chuyến bay của Vietnam Airlines có số hiệu VN và logo hình bông sen vàng, còn chuyến bay của Pacific Airlines vẫn có hai ký tự đầu tiên là "VN", chỉ khác logo của hãng và phía dưới ghi dòng chữ khai thác bởi Pacific Airlines.
Giá vé chặng bay này, Vietnam Airlines chỉ nhỉnh hơn Pacific Airlines khoảng 200.000 - 300.000 đồng/vé.
Tiêu chí | Vé Vietnam Airlines | Vé Pacific Airlines |
---|---|---|
Hành lý xách tay | 10 kg | 7 kg (không kèm hành lý ký gửi) |
Hành lý ký gửi | Tùy hạng vé, thường có sẵn 20 kg (Eco trở lên) | Không bao gồm, phải mua thêm |
Chỗ ngồi | Có thể chọn trước, một số hạng vé miễn phí | Phải mua thêm nếu chọn chỗ ngồi |
Suất ăn | Miễn phí (trừ một số chặng siêu ngắn) | Không có, phải mua riêng trên máy bay |
Giải trí | Có (trên các chặng dài) | Không có |
Đổi/trả vé | Linh hoạt tùy hạng vé | Rất hạn chế, hầu hết vé không hoàn không đổi |
Theo lý giải của Vietnam Airlines và Pacific Airlines, đây là chuyến bay liên danh (codeshare flight) giữa hai hãng, trên vé cho ghi chữ tiếng Anh lẫn Việt, ví dụ như "Operated by Pacific Airlines" (khai thác bởi Pacific Airlines). Loại hình hợp tác chuyến bay liên danh là phổ biến.
Tuy vậy, dù cùng thuộc Vietnam Airlines Group nhưng các dịch vụ đi kèm của Vietnam Airlines và Pacific Airlines hoàn toàn khác nhau. Theo đó, Vietnam Airlines là hãng hàng không quốc gia, định vị trung và cao cấp trong khi Pacific Airlines là hãng hàng không giá rẻ (Low cost).
Hành khách đi Vietnam Airlines được mang theo hành lý ký gởi từ 20kg trở lên, tùy hạng vé, trong khi Pacific Airlines không kèm hành lý ký gởi, hành khách phải tự mua thêm. Ngoài ra, Vietnam Airlines có kèm suất ăn, nước uống trong khi Pacific Airlines thì không.
Đặc biệt, các chuyến bay nội địa của Vietnam Airlines được khai thác tại nhà ga T3, Tân Sơn Nhất trong khi Pacific Airlines vẫn giữ nguyên tại T1.


Theo đại diện Pacific Airlines, các thông tin trên vé của hãng hiện nay thực hiện theo quy chuẩn quốc tế và trong ngành hàng không. Do đó, hành khách cần đọc tất cả các thông tin trên vé. Đặc biệt, cần xem kỹ các thông tin quan trọng, gồm: họ tên, giờ bay, chuyến bay, số vé, được khai thác bởi hãng nào...
Nhà ga hành khách T3 sân bay Tân Sơn Nhất có công suất thiết kế 20 triệu khách/năm với năng lực phục vụ khoảng 7.000 hành khách/giờ cao điểm.
Khánh thành từ ngày 19/4, đến cuối tháng 6, nhà ga T3 đã khai thác hơn 7.800 lượt chuyến bay và phục vụ hơn 1,4 triệu lượt hành khách.
Theo số liệu dự báo, sản lượng khai thác quốc nội của sân bay Tân Sơn Nhất dự kiến tăng trưởng với tốc độ 10% và đạt công suất 37 triệu hành khách vào năm 2030.