Net Zero và thách thức vận hành của ngành hàng không
Cam kết Net Zero được xem là hết sức cần thiết để giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế
Lộ trình đến Net Zero của Việt Nam không còn dài
Tại Diễn đàn Net Zero Việt Nam 2025, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển, cho biết biến đối khí hậu đang diễn biến ngày càng phức tạp trên phạm vi toàn cầu và đang được xem là thách thức lớn nhất mà toàn thế giới phải đối mặt, phải cùng nhau hợp tác chặt chẽ để giải quyết.
Trung hòa carbon và sớm đạt mức phát thải ròng bằng 0 (Net Zero) trong những năm tới là trọng tâm, là mục tiêu chung của các quốc gia trong cuộc chiến với thách thức lớn nhất này.
Việt Nam là một trong số ít quốc gia bị tác động nghiêm trọng nhất bởi biến đổi khí hậu. Tại Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về lần thứ 26 (Hội nghị COP26), Việt Nam đã đưa ra cam kết sẽ đạt Net Zero vào năm 2050 với nhiều giải pháp lớn để cắt giảm phát thải trong các lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp, giao thông và năng lượng; bên cạnh đó chú trọng phát triển các nguồn năng lượng tái tạo như điện gió, điện mặt trời và các biện pháp để tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, cam kết Net Zero được xem là hết sức cần thiết để một mặt giảm thiểu tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thúc đẩy chuyển đổi sang phát triển xanh; mặt khác giúp Việt Nam tăng cường hợp tác quốc tế, thu hút các nguồn lực đầu tư cho các mục tiêu phát triển.
“Lộ trình đến Net Zero của Việt Nam không còn dài. 25 năm tới đây sẽ là một chặng đường đầy thách thức khi phải thực hiện nhiều mục tiêu kép, vừa nỗ lực giảm phát thải vừa nỗ lực đạt mục tiêu tăng trưởng cao để vươn tới là quốc gia phát triển, có thu nhập cao. Hành trình này rất cần có sự chung tay mạnh mẽ của cả cộng đồng”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh.
Hàng không Việt nỗ lực chuyển đổi xanh
Cũng theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, từ năm 2026, các hãng hàng không của Việt Nam sẽ phải thực hiện nghĩa vụ cắt giảm phát thải. Nếu chúng ta không dành một phần tín chỉ carbon để bù trừ cho các doanh nghiệp trong nước, các hãng hàng không sẽ buộc phải mua tín chỉ từ nước ngoài - với giá cao hơn.
Theo tính toán của Tổng công ty Hàng không, hiện nay lượng tín chỉ carbon mà các hãng hàng không cần đã lên tới khoảng 2,3 triệu tín chỉ. Không chỉ hàng không, các lĩnh vực vận tải khác như vận tải biển cũng phải tuân thủ nghĩa vụ cắt giảm phát thải trong thời gian tới.

Hướng tới mục tiêu Net Zero, các hãng hàng không Việt Nam đang nỗ lực chuyển đổi nhiên liệu, tối ưu hành trình bay. Điển hình như Vietnam Airlines. Đây là hãng hàng không đầu tiên tại Việt Nam tiên phong thử nghiệm và thúc đẩy ứng dụng SAF – nhiên liệu hàng không bền vững.
Trước đó, vào tháng 5/2024, hãng đã thực hiện chuyến bay thử nghiệm sử dụng SAF từ Singapore về Hà Nội.
Từ đầu năm 2025, tất cả chuyến bay của Vietnam Airlines khởi hành từ các sân bay Châu Âu đều sử dụng SAF với tỷ lệ ít nhất 2%. Con số này sẽ tăng dần qua các năm. Đặc biệt gần đây, hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, 6 chuyến bay nội địa khởi hành từ Đà Nẵng đến các thành phố Hà Nội, TP.HCM đồng loạt được Vietnam Airlines sử dụng nhiên liệu hàng không bền vững SAF.
SAF – Sustainable Aviation Fuel – là loại nhiên liệu được sản xuất từ dầu ăn thải, chất thải nông nghiệp, sinh khối... giúp giảm đến 80% khí CO₂ so với nhiên liệu phản lực truyền thống và có thể sử dụng ngay cho các dòng máy bay hiện tại.
Tuy nhiên, giá SAF hiện cao gấp 2 - 3 lần nhiên liệu truyền thống, khiến chi phí khai thác đội lên đáng kể. Riêng năm 2025, Vietnam Airlines ước tính tốn thêm 5 - 6 triệu USD ( khoảng hơn 100 tỷ đồng) chỉ cho các đường bay đến châu Âu do bị yêu cầu sử dụng SAF. Vietnam Airlines cũng đang phối hợp cùng các đối tác quốc tế và đơn vị thành viên Skypec để tìm nguồn cung, nghiên cứu khả năng sản xuất SAF tại Việt Nam từ rơm rạ, dầu thải…
Với bước đi tiên phong trong thử nghiệm SAF, Vietnam Airlines đang mở đường cho hành trình hàng không xanh tại Việt Nam. Đây không chỉ là bước đi chiến lược trong cam kết Net Zero 2050, mà còn là thông điệp chiến lược về tương lai phát triển bền vững, nhân văn và trách nhiệm.
Tương tự, hãng hàng không Vietjet cũng đã ghi dấu bước tiến khi thực hiện hai chuyến bay sử dụng SAF từ Việt Nam đến Melbourne (Úc) và Seoul (Hàn Quốc) vào tháng 10/2024. Nhiên liệu cho các chuyến bay này do Petrolimex Aviation cung cấp. Đại diện Vietjet đánh giá, các “chuyến bay xanh” là biểu tượng cho nỗ lực chuyển đổi năng lượng trong ngành hàng không Việt Nam.
Việc sử dụng năng lượng sạch, bù đắp carbon và hoạt động có hiệu quả là những giải pháp đáp ứng cam kết của ngành hàng không toàn cầu. Năng lượng sạch (bao gồm SAF, điện và hydro) được dự kiến sẽ đóng góp tới 85% mức giảm phát thải để đạt được mục tiêu giảm phát thải về 0% vào năm 2025.
Những loại năng lượng này rất tốn kém và đòi hỏi sự tăng trưởng mạnh mẽ trong sản xuất để đáp ứng nhu cầu này. Hiện tại, SAF chỉ chiếm chưa đến 0,15% lượng tiêu thụ hàng không toàn cầu.