Singapore lần đầu tiên có chuẩn an toàn cho taxi bay và drone
Cục Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS) lần đầu tiên ban hành bộ hướng dẫn an toàn chuyên biệt cho hoạt động của taxi bay và máy bay không người lái (drone).
Ngày 14/7 đánh dấu một bước ngoặt mang tính định hình cho ngành hàng không thế hệ mới tại Châu Á – Thái Bình Dương.
Theo đó, lần đầu tiên, bộ hướng dẫn an toàn chuyên biệt cho hoạt động của taxi bay và máy bay không người lái (drone) đã được ra mắt dưới sự điều phối của Cục Hàng không Dân dụng Singapore (CAAS).
Sự kiện này không chỉ khẳng định cam kết của khu vực đối với công nghệ hàng không tiên tiến, mà còn mở ra cơ hội tái cấu trúc toàn diện hệ sinh thái di chuyển đô thị trong thập niên tới.
Từ tầm nhìn đến hiện thực hóa
Bộ hướng dẫn, được xây dựng bởi CAAS cùng 23 cơ quan quản lý hàng không trong khu vực, quy định các tiêu chuẩn an toàn cho hoạt động taxi bay bao gồm chứng nhận tàu bay, đào tạo nhân sự, quy trình kiểm định và quản lý rủi ro vận hành.
Đây là lần đầu tiên một bộ khung pháp lý được hình thành ở cấp khu vực để điều phối lĩnh vực hàng không tiên tiến, vốn được đánh giá là "rất non trẻ nhưng có tiềm năng đột phá."
Theo CAAS, hướng dẫn này sẽ tạo ra một “ngôn ngữ chung” cho các nhà quản lý, giúp giảm thiểu rủi ro pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp triển khai công nghệ.
Đồng thời CASS hi vọng thúc đẩy tiến trình tiêu chuẩn hóa toàn cầu thông qua việc đệ trình lên Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO).
Chúng ta không thể chờ đến khi công nghệ hoàn thiện mới xây luật. Một khung pháp lý hài hòa sẽ giúp doanh nghiệp triển khai giải pháp xuyên quốc gia với chi phí thấp và thời gian nhanh hơn.
Ông Mark Yong, Giám đốc điều hành hãng Garuda Robotics
Taxi bay – Cuộc cách mạng di chuyển đô thị không thể đảo ngược
Trong bối cảnh đô thị hóa nhanh và hạ tầng giao thông truyền thống ngày càng quá tải, taxi bay được kỳ vọng là lời giải cho bài toán tắc nghẽn, giảm phát thải và tối ưu hóa thời gian di chuyển.
Dù chưa thể phổ cập ngay trong ngắn hạn, giới chuyên gia nhận định, nếu có thể tích hợp thành công vào hệ thống giao thông công cộng, taxi bay sẽ đóng vai trò như “tuyến metro trên không” cho các đô thị lớn như Bangkok, Jakarta, Manila hay TP.HCM.
Để khuyến khích người dân sử dụng taxi bay trong tương lai, chúng ta cần khiến họ tin tưởng tuyệt đối vào độ an toàn. Bộ hướng dẫn mới chính là bước đầu tiên để xây dựng niềm tin đó.
Thống chế Không quân Manat Chavanaprayoon - Tổng giám đốc Cục Hàng không Dân dụng Thái Lan
Theo kế hoạch, các cơ quan quản lý trong khu vực đã đồng thuận tăng cường khai thác drone trong quản lý đô thị và dự kiến bắt đầu thí điểm taxi bay trong 5 năm tới.
CAAS cho biết, quá trình xây dựng bộ hướng dẫn đã trải qua nhiều vòng tham vấn, với gần 600 ý kiến đóng góp từ cả khu vực công lẫn tư nhân, cho thấy sự quan tâm sâu sắc từ nhiều bên liên quan.

Những thách thức phía trước
Dù lạc quan về triển vọng, các chuyên gia vẫn nhấn mạnh những rào cản thực tế mà ngành đang đối mặt.
Năm 2023, hãng Volocopter (Đức) từng có kế hoạch khai trương tuyến taxi bay 15 phút quanh khu vực Marina Bay (Singapore) vào giữa năm 2024.
Tuy nhiên, dự án bị đình trệ do không huy động đủ vốn và công ty đã đệ đơn phá sản vào năm 2024.
Câu chuyện này phơi bày rủi ro tài chính mà các công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực taxi bay phải đối mặt, khi chi phí phát triển, thử nghiệm và tuân thủ quy định là rất lớn.
Dù taxi bay có thể cất và hạ cánh thẳng đứng (eVTOL), việc xây dựng điểm đỗ (vertiport), tích hợp với mạng lưới giao thông và quản lý không lưu đô thị vẫn là thách thức chưa có lời giải đồng bộ.
Dù Singapore hay Hàn Quốc có thể tiên phong thử nghiệm, các quốc gia có hệ thống giám sát không lưu kém phát triển sẽ gặp khó khăn trong quản lý giao thông trên không ở tầng thấp.

Việc giám sát và cấp phép bay cho hàng trăm phương tiện không người lái hoạt động trong cùng không phận đòi hỏi các cơ quan quản lý phải chuyển đổi số quy trình phê duyệt.
Việc này tạo lập cơ sở dữ liệu mở và phân cấp quản lý theo rủi ro điều mà ông Mark Yong đặc biệt nhấn mạnh.
Trong bối cảnh các trung tâm hàng không như Dubai, Los Angeles hay Munich cũng đang chạy đua phát triển taxi bay, Châu Á – Thái Bình Dương với mật độ đô thị cao và nhu cầu di chuyển nội đô lớn được xem là khu vực “đủ hấp dẫn để thử nghiệm, đủ phức tạp để kiểm chứng.”
Việc CAAS cùng các đối tác khu vực chủ động đệ trình tiêu chuẩn này lên ICAO được đánh giá là bước đi chiến lược nhằm dẫn dắt quá trình hình thành chuẩn mực quốc tế trong lĩnh vực còn rất mới mẻ.
Bộ hướng dẫn vừa ban hành không chỉ là tài liệu kỹ thuật, mà là tuyên bố chiến lược cho thấy châu Á – Thái Bình Dương sẵn sàng bước vào kỷ nguyên hậu sân bay nơi không cần nhà ga rộng lớn, không cần đường băng dài hàng kilomet, nhưng vẫn đảm bảo hiệu quả di chuyển và độ an toàn tối đa.
Trong bối cảnh ngành hàng không truyền thống còn đang vật lộn với chi phí nhiên liệu, phát thải và sức ép hạ tầng, taxi bay và drone chính là cánh cửa cho một tương lai bền vững hơn – nếu được triển khai đúng hướng, đúng thời điểm và đúng chuẩn.