Văn minh hàng không

Nữ tiếp viên 22 tuổi, dùng thân mình che chắn cho 3 đứa trẻ khỏi làn đạn không tặc

Hà Khanh 18/07/2025 06:56

Ngày 5/9/1986, Neerja Bhanot – nữ tiếp viên trưởng người Ấn Độ – hy sinh tính mạng khi cùng phi hành đoàn cứu nhiều hành khách trong vụ không tặc trên chuyến bay Pan Am 73 tại sân bay Karachi, Pakistan.

Ngày 5/9/1986, chiếc Boeing 747 đang trên đường từ Mumbai tới New York, quá cảnh tại Karachi, Pakistan, thì bị bốn tay súng thuộc Tổ chức Abu Nidal (ANO) – một nhóm vũ trang cực đoan Palestine – tấn công. Các tay súng cải trang thành nhân viên an ninh sân bay, đột nhập vào máy bay và nhanh chóng kiểm soát tình hình.

Lực lượng an ninh bao vây chiếc máy bay trong 16 giờ. Vụ việc kết thúc trong đẫm máu - 22 người thiệt mạng và khoảng 150 người bị thương.

Neerja Bhanot, khi đó mới 22 tuổi, là tiếp viên trưởng trên chuyến bay.

phi hanh doan panam
Một số thành viên phi hành đoàn trên chuyến bay Pan Am 73

Vụ khủng bố chấn động

"Bản năng đầu tiên của tôi là định mở cửa thoát hiểm cánh và thoát ra ngoài cùng càng nhiều hành khách càng tốt, nhưng tôi nhận ra rằng điều này sẽ khiến những hành khách còn lại gặp nguy hiểm", tiếp viên hàng không Nupoor Abrol nói với BBC News.

Lúc đó gần 6 giờ sáng và chuyến bay Pan Am số hiệu 73, đang quá cảnh tại Karachi từ Mumbai, dự kiến sẽ tiếp tục hành trình đến Frankfurt, trên đường đến New York. Có 14 tiếp viên hàng không trên máy bay, 12 người trong số họ đang chuẩn bị cất cánh.

Bên ngoài, bốn tay súng lao vào đường băng trên một chiếc xe tải cải trang thành nhân viên an ninh sân bay. Những kẻ này sau đó đột nhập vào chiếc Boeing 747, bắn chỉ thiên.

Nupoor nhìn thấy chúng bắn gần chân một đồng nghiệp, hét lên bảo cô khóa cửa.

Tiếp viên hàng không Sherene Pavan, lúc đó đang ở ngoài tầm nhìn của những kẻ tấn công, nghe thấy tiếng động, với tay lấy hệ thống liên lạc nội bộ và nhấn số khẩn cấp vào buồng lái. Phi công đã bắt máy sau lần gọi thứ hai và nhận được mã khẩn cấp không tặc.

Một tiếp viên khác là Sunshine Vesuwala lúc này nhìn thấy một trong những tên không tặc tóm lấy tiếp viên trưởng Neerja Bhanot, và dí súng vào đầu cô.

Và rồi một tên khủng bố khác, cùng với khẩu AK-47 và lựu đạn, ra lệnh cho Sunshine đưa hắn đến gặp cơ trưởng.

neerja-bhanot_650x400_6145569830.jpg

Nhưng buồng lái trống không.

"Tôi nhận thấy ngay các thiết bị thoát hiểm trong buồng lái đã được kích hoạt. Tôi nhận thấy cửa thoát hiểm trên trần buồng lái đang mở, nhưng tôi giả vờ như không. Tôi muốn cho các phi công thời gian thoát ra ngoài phòng trường hợp họ vẫn đang trèo xuống bằng dây thừng bên ngoài máy bay. Tên không tặc dường như không biết nhiều về máy bay nên hắn ta không để ý", Sunshine nói.

Dù các phi công từng bị chỉ trích vì bỏ lại phi hành đoàn, các tiếp viên sau này cho rằng quyết định đó giúp họ không bị khống chế để điều khiển bay đi nơi khác hoặc cho nổ giữa không trung.

Thực tế, kế hoạch của những tay súng sau này được tiết lộ là buộc các phi công phải đưa chúng đến Síp và Israel, nơi các thành viên khác trong nhóm đang bị giam giữ vì tội khủng bố.

Tình hình căng thẳng

Bên ngoài đường băng, giám đốc hãng Pan Am tại Karachi, Viraf Doroga, dùng loa bắt đầu đàm phán với những kẻ không tặc.

Trong khi đó, bên trong máy bay, hành khách người Mỹ 29 tuổi Rajesh Kumar bị lôi ra khỏi ghế và bị bắt quỳ trước một trong những cánh cửa đang mở, bị dí súng vào đầu. Khi không có phi công nào xuất hiện trong vòng một giờ, Kumar bị bắn và đẩy khỏi máy bay.

Khoảng bốn giờ sau khi bị bao vây, những kẻ không tặc bắt đầu cố gắng xác định danh tính những người Mỹ trên máy bay để gây áp lực.

Lúc này, các tiếp viên hàng không bắt đầu thu thập hộ chiếu để giao nộp, nhưng âm thầm tránh lấy các hộ chiếu Mỹ.

Họ cũng lục tung những túi hộ chiếu đã thu thập được, bí mật lọc ra những hộ chiếu Mỹ còn sót lại và giấu chúng dưới ghế ngồi hoặc giấu trong quần áo.

Mike Thexton, một hành khách Anh trên máy bay, mô tả hành động này là "cực kỳ dũng cảm, vị tha và thông minh".

"Tôi có thể thiên vị, nhưng tôi cảm thấy các tiếp viên ngày hôm đó nằm trong những tiếp viên hàng không giỏi nhất trong ngành".

Mike cũng bị bắt ngồi dưới sàn, và giống như những hành khách khác, phải giơ hai tay lên cao quá đầu. Anh kể rằng ngoại trừ một cú đá mạnh, anh không bị ngược đãi về thể xác và cuối cùng đã trốn thoát cùng những người khác trong cuộc hỗn loạn sau đó.

Trong suốt thời gian máy bay bị chiếm giữ, các tiếp viên không chỉ giúp hành khách giữ bình tĩnh mà còn phục vụ thức ăn, nước uống. Họ cũng bị lợi dụng làm "lá chắn sống", khi kẻ cầm đầu – Zaid Hassan Safarini – nhiều lần dùng họ để che chắn cho mình khi quan sát tình hình bên ngoài.

Tình hình trở nên tuyệt vọng khi bọn không tặc đe dọa cứ 15 phút sẽ hành quyết một hành khách nếu không có phi công.

Khi ánh sáng tắt, địa ngục bắt đầu

Vào cuối ngày, nguồn điện khẩn cấp trên máy bay cạn kiệt, ánh đèn mờ dần và điều hòa ngừng hoạt động. Khi bóng tối bao trùm, các tay súng nổ súng vào đám đông hành khách đang ngồi la liệt trong khoang. Tiếng la hét vang vọng giữa những tia sáng loé lên từ nòng súng.

Một số cửa thoát hiểm được mở, trong đó có cửa không bung phao trượt, khiến nhiều người phải nhảy từ độ cao gần 6 mét xuống đường băng. Tiếp tiên Nupoor và Madhvi bị gãy xương do cú ngã. Những người khác như Sunshine và Dilip Bidichandani quay trở lại máy bay để hướng dẫn hành khách đến cửa có phao trượt còn hoạt động.

Sau khi mọi người thoát ra ngoài, các tiếp viên quay lại chiếc máy bay tối om để tìm người sống sót. Họ phát hiện Neerja Bhanot – tiếp viên trưởng mới 22 tuổi – bị bắn ở hông nhưng vẫn còn tỉnh. Cô được hai đồng nghiệp đỡ đến cửa thoát hiểm và trượt xuống phao, nhưng sau đó qua đời do mất máu.

Theo NDTV, khi vụ xả súng bùng nổ trong bóng tối, Neerja đã lấy thân mình che chắn cho ba đứa trẻ khỏi làn đạn.

Những người hùng thầm lặng
Neerja qua đời khi chỉ còn 2 ngày là đến ngày sinh nhật tròn 23 tuổi của cô.

Câu chuyện của Neerja và phi hành đoàn Pan Am 73 đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ và góp phần thay đổi các quy trình an ninh hàng không toàn cầu. Gia đình cô cũng thành lập Quỹ tưởng niệm Neerja Bhanot Pan Am nhằm ghi nhận các hành động dũng cảm và hỗ trợ những người phụ nữ vượt qua nghịch cảnh.

Neerja được truy tặng nhiều huân chương dũng cảm từ Ấn Độ và Pakistan. Phi hành đoàn được chính phủ Mỹ và hãng Pan Am vinh danh.

Kẻ cầm đầu khủng bố Safarini bị giam giữ tại Mỹ với bản án 160 năm, trong khi các đồng phạm còn lại được thả ở Pakistan năm 2008, bất chấp phản đối từ Ấn Độ và Mỹ.

Các thành viên phi hành đoàn sau đó đều quay trở lại làm việc cho Pan Am một thời gian. Họ cho biết mình chia sẻ câu chuyện không để tôn vinh một cá nhân nào, mà để ghi nhận vai trò của cả đội. Họ hy vọng câu chuyện của mình sẽ truyền cảm hứng cho những người sống sót sau các vụ tấn công khủng bố khác.

"Chúng tôi vẫn sống với ký ức ấy mỗi ngày. Chúng tôi nghĩ nếu cùng nhau chia sẻ những câu chuyện sống sót, chúng ta có thể kết nối và tạo nên một sức mạnh tinh thần bền vững”, một thành viên đoàn nói năm 2016.

Hà Khanh