Bán bánh mì, phở… ở sân bay thu tiền tỷ
Bánh mì và phở trở thành những sản phẩm siêu lợi nhuận, mang lại doanh thu tốt các công ty kinh doanh dịch vụ phi hàng không tại sân bay, bất chấp hành khách thường phàn nàn về giá bán.

Cùng là hoạt động trong lĩnh vực ẩm thực nhưng ở địa điểm đặc thù là sân bay, các công ty như NASCO, SASCO hay TASECO đạt mức tăng trưởng lợi nhuận mạnh mẽ, biên lợi nhuận gộp cao.
NASCO: 1.000 đồng doanh thu bán phở, lãi 724 đồng
Không giống như các chuỗi nhà hàng trong thành phố, các doanh nghiệp hoạt động tại sân bay có lợi thế lớn về lưu lượng hành khách và mức giá trung bình cao hơn. Thêm vào đó, tâm lý "mua vội" và "ít lựa chọn" của khách khi chờ chuyến bay khiến các sản phẩm F&B tại sân bay vừa dễ bán, vừa khó bị so sánh giá.
Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Nội Bài (NASCO) là một trong những ví dụ. Theo báo cáo tài chính năm 2024, doanh thu từ hoạt động nhà hàng và suất ăn của NASCO chiếm hơn một nửa doanh thu hợp nhất của doanh nghiệp này, đạt mức 254 tỷ đồng.

Mức lợi nhuận gộp trong năm 2024 của NASCO lên tới 184 tỷ đồng trong khi giá vốn mảng kinh doanh này chỉ chiếm hơn 70 tỷ đồng, tương đương biên lợi nhuận gộp ở mức 72,4%. Điều này đồng nghĩa, với mỗi 1.000 đồng bán ra từ một tô phở hay ổ bánh mì tại sân bay Nội Bài, doanh nghiệp thu về tới 724 đồng lợi nhuận gộp.
Sang năm 2025, NASCO tiếp tục duy trì đà tăng trưởng này với chiến lược mở rộng hệ thống tại các sân bay vệ tinh như Phú Quốc, Vinh, Cát Bi và đẩy mạnh hợp tác thương hiệu như Starbucks.
Năm 2025, hãng dịch vụ sân bay này đặt kế hoạch doanh thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh đạt 465,41 tỷ đồng, tăng 11,92% so với năm 2024 (tương ứng tăng 49,57 tỷ đồng).
Mức tăng trưởng doanh thu sản xuất kinh doanh của NASCO chủ yếu từ các lĩnh vực hiện tại Cảng HKQT Nội Bài và các điểm kinh doanh mới. Trong đó, hoạt động của NASCO tại Nội Bài dự kiến mang lại doanh thu tăng 11,77 tỷ đồng so với năm 2024 nhờ sản lượng một số lĩnh vực kinh doanh cốt lõi như phòng khách hạng thương gia nội địa, quốc tế, vận chuyển sân đỗ dự kiến có sản lượng tăng so với năm 2024.
Ngoài ra, các điểm kinh doanh mới từ năm 2025 tại sân bay Phù Cát, nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và sân bay quốc tế Đà Nẵng cũng giúp tăng so với năm 2024 ở mức 37,8 tỷ đồng.
SASCO: Phòng chờ VIP, bánh mì và cà phê kiếm tiền tỷ
Tại sân bay Tân Sơn Nhất, Công ty cổ phần Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (SASCO) tiếp tục có mức tăng trưởng ấn tượng trong mảng F&B, đặc biệt là khai thác dịch vụ phòng chờ thương gia.
Tại ĐHĐCĐ thường niên tổ chức hồi cuối tháng 6 vừa qua, ông Nguyễn Văn Hùng Cường - Tổng Giám đốc SASCO cho biết, công ty ước đạt doanh thu lũy kế đến hết quý 2/2025 là hơn 1.530 tỷ đồng, tương ứng 51% kế hoạch cả năm.
Lãi trước thuế của SASCO trong 6 tháng đầu năm nay đạt trên 280 tỷ đồng, gấp hai lần cùng kỳ năm trước. Mức tăng trưởng của SASCO đạt được giữa bối cảnh khách quốc tế đến Việt Nam cao kỷ lục.

Ông Cường đánh giá SASCO hiện nay vẫn có dư địa phát triển khi các sân bay ngày càng mở rộng cũng như ngành dịch vụ phi hàng không và lượng hành khách ngày càng phát triển.
“Thuyền cao sóng lớn. Nếu trước đây 100 đồng, chúng ta kiếm được 40-50 đồng là tỷ lệ rất lớn, thì nay nếu con số lên 1000 đồng mà chúng ta lùi xuống 30%... cũng là lớn hơn", ông Cường nhận định.
Trước đó trong quý I/2025, doanh thu từ phòng chờ của SASCO đạt gần 229 tỷ đồng, trong khi giá vốn chỉ khoảng 43 tỷ, tương đương biên lợi nhuận gộp hơn 80%.
Cùng với đó là sự mở rộng chuỗi nhà hàng, quầy bánh mì, cà phê ở cả ga quốc nội và quốc tế. Việc đầu tư nâng cấp dịch vụ ăn uống kết hợp với trải nghiệm tiện nghi đã giúp SASCO gặt hái thành quả vượt trội khi lãi sau thuế quý I/2025 đạt 113 tỷ đồng, tăng gấp 2,5 lần so với cùng kỳ.
Theo giới phân tích, SASCO đang tận dụng tối đa "thời gian chờ đợi" của hành khách để chuyển hóa thành giá trị tiêu dùng. Một phần bánh mì thịt nướng giá 75.000 đồng, một ly cà phê giá 60.000 đồng tại sân bay, dù đắt gấp 2-3 lần bên ngoài vẫn được khách hàng chọn mua.
TASECO: Chiến lược bài bản mang lại lợi nhuận 202 tỷ
Tương tự hai doanh nghiệp trên, Công ty Dịch vụ Hàng không Taseco (Taseco Airs - AST) nổi bật với sự tăng trưởng ổn định và chiến lược mở rộng mạng lưới cửa hàng F&B tại nhiều sân bay trung tâm. Doanh nghiệp này đang đầu tư mạnh vào hệ thống nhà hàng ẩm thực tại các sân bay, đặc biệt là chuỗi nhà hàng và cửa hàng thức ăn nhanh mang thương hiệu Lucky và Soleil.
Năm 2024, Taseco Airs ghi nhận doanh thu hợp nhất 1.330 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất 256,1 tỷ đồng, tăng lần lượt 20,9% và 44,2% so với năm 2023.
Đặc biệt, mảng dịch vụ ăn uống đóng góp gần 296 tỷ đồng doanh thu trong năm vừa qua, tương đương hơn 22% tổng doanh thu hợp nhất của Taseco Airs, cao thứ 2 chỉ sau mảng bán lẻ hàng miễn thuế và quà lưu niệm. Đáng chú ý, biên lãi gộp ở mảng F&B của doanh nghiệp này lên tới 71,3%.

Thương hiệu Lucky Cafe, quầy bánh mì Soleil hay các quầy phở nhanh đã trở thành hình ảnh quen thuộc tại các sân bay như Cam Ranh, Đà Nẵng, Chu Lai. Việc đồng bộ hóa mô hình, kiểm soát chi phí và đầu tư nhẹ giúp các điểm bán đạt hiệu suất sinh lời cao.
Để mở rộng hoạt động, chỉ riêng quý I/2025, công ty đã mở mới 19 điểm kinh doanh F&B tại nhà ga T3, sân bay Tân Sơn Nhất, nâng tổng số điểm kinh doanh của doanh nghiệp này lên hơn 40 điểm trên toàn quốc.
Sân bay: Điểm bán lý tưởng của ngành F&B
Không phải ngẫu nhiên mà các doanh nghiệp kể trên đều đạt biên lợi nhuận trên 70% từ kinh doanh phở, bánh mì và đồ uống tại sân bay. Theo các chuyên gia, mô hình F&B tại sân bay hội tụ ba yếu tố vàng: lưu lượng khách ổn định, hành vi tiêu dùng nhanh và ít cạnh tranh trực tiếp.
Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy, trong quý I/2025, Việt Nam đón hơn 6 triệu lượt khách quốc tế, tăng gần 30% so với cùng kỳ. Cùng với nhu cầu đi lại tăng vọt mùa cao điểm, các sân bay như Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Cam Ranh, Phú Quốc trở thành tâm điểm khai thác thương mại phụ trợ.
Không chỉ doanh thu trực tiếp, hoạt động F&B còn giúp tăng trải nghiệm và thời gian lưu trú của hành khách tại sân bay, gián tiếp hỗ trợ cho các mảng dịch vụ khác như bán lẻ miễn thuế, phòng chờ, dịch vụ giải trí. Đây cũng là lý do khiến các "ông lớn" như NASCO, SASCO và TASECO đều xem mảng ẩm thực là mũi nhọn tăng trưởng trong 5 năm tới.

Tuy vậy, các doanh nghiệp này cũng đối mặt nhiều thách thức như chi phí mặt bằng tăng cao, cạnh tranh ngày càng mạnh khi ACV, đơn vị khai thác hệ thống cảng hàng không, mở rộng đối tượng doanh nghiệp hoạt động trong sân bay.
Với NASCO, chi phí đầu vào có biến động lớn ảnh hưởng đến hiệu quả lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp này trong năm 2024 như chi phí liên quan đến mặt bằng kinh doanh tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài tăng mạnh, tăng 30 tỷ đồng so với đơn giá trước đây do năm 2024 ACV áp dụng phương thức giá thuê mặt bằng theo phương thức hợp tác kinh doanh, phân chia lợi ích...
“Chi phí mặt bằng cao cùng với chi phí nhân công luôn ở mức cao hơn so với mặt bằng chung do phải thực hiện kinh doanh trong thời gian kéo dài hằng ngày… là những nguyên nhân khiến giá bánh mì, đồ uống ở sân bay luôn cao”, ông Nguyễn Văn Hùng Cường, Tổng Giám đốc SASCO từng chia sẻ với Tạp chí Hàng không.