Công nghệ

Ukraine giành lợi thế vệ tinh bất chấp Mỹ dừng viện trợ

Yên Du 16/07/2025 06:29

Việc Đan Mạch viện trợ dịch vụ vệ tinh đã củng cố khả năng liên lạc an toàn của Ukraine, giúp nước này đối phó với việc Mỹ cắt giảm viện trợ và tăng cường phòng thủ trước Nga.

Ngày 14/7, Bộ Quốc phòng Đan Mạch thông báo sẽ viện trợ cho Ukraine các dịch vụ vệ tinh phục vụ quốc phòng không gian.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Troels Lund Poulsen, Đan Mạch đang hỗ trợ Ukraine bằng cách tăng cường liên lạc vệ tinh thông qua hợp tác với Cơ quan Quốc phòng châu Âu (EDA), đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng ngày càng lớn của không gian trong chính sách quốc phòng, và tiềm năng của các giải pháp dựa trên không gian để củng cố an ninh của Ukraine, Đan Mạch và châu Âu.

Vệ tinh: Vũ khí chiến lược trong cuộc chiến hiện đại

Gói viện trợ này cung cấp cho Ukraine các thiết bị thu phát vệ tinh phục vụ thông tin liên lạc an toàn, hỗ trợ lực lượng phòng thủ của Ukraine trong cuộc xung đột với Nga. Những thiết bị này đảm bảo khả năng kết nối ổn định – yếu tố sống còn trong các chiến dịch quân sự – đồng thời tăng cường khả năng tự chủ công nghệ của Ukraine và châu Âu trong lĩnh vực không gian. EDA kỳ vọng các quốc gia EU khác cũng sẽ thực hiện những đóng góp tương tự.

ve tinh 1
Việc Đan Mạch viện trợ dịch vụ vệ tinh đã củng cố khả năng liên lạc an toàn của Ukraine. Ảnh: militarnyi

Tầm quan trọng chiến lược của hệ thống vệ tinh với Ukraine ngày càng tăng trong bối cảnh cuộc chiến với Nga kéo dài. Hệ thống vệ tinh cung cấp các năng lực mà hạ tầng mặt đất truyền thống không thể sánh bằng. Trong chiến tranh hiện đại, không gian là một lĩnh vực chủ chốt cho các hoạt động tình báo, giám sát và trinh sát, cho phép thu thập dữ liệu theo thời gian thực để hỗ trợ các quyết định quân sự chính xác.

Với Ukraine, việc tiếp cận hình ảnh vệ tinh và tình báo tín hiệu (SIGINT) giúp theo dõi chính xác hoạt động di chuyển của quân Nga, các tuyến tiếp tế và mục tiêu hạ tầng – kể cả ở những vùng hẻo lánh hoặc đang bị kiểm soát.

Hệ thống vệ tinh, do nằm ngoài tầm với của vũ khí thông thường, đảm bảo hoạt động liên tục ngay cả khi mạng lưới mặt đất bị tấn công mạng, chiến tranh điện tử hoặc phá hoại vật lý.

Các hệ thống liên lạc vệ tinh bảo mật đóng vai trò then chốt trong việc duy trì nhịp độ tác chiến của Ukraine. Chúng cho phép điều phối các chiến dịch quân sự phức tạp, chia sẻ thông tin tình báo và duy trì nhận thức tình huống trên toàn tuyến. Các kênh thông tin có băng thông cao, mã hóa, chống gây nhiễu và đánh chặn – rất quan trọng khi Nga sở hữu các năng lực tác chiến điện tử tiên tiến.

Việc tích hợp các nhà cung cấp vệ tinh thương mại, như Starlink, càng làm tăng khả năng duy trì kết nối của Ukraine, chứng minh vai trò ngày càng lớn của khu vực tư nhân trong ứng dụng quân sự.

Đan Mạch mở đường cho thế trận không gian độc lập

Bối cảnh viện trợ của Đan Mạch càng đáng chú ý sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, đầu năm 2025, bất ngờ ra lệnh tạm ngừng viện trợ vũ khí và chia sẻ tình báo với Ukraine – được cho là nhằm gây sức ép buộc Ukraine nhượng quyền khai thác tài nguyên khoáng sản quý hiếm cho Mỹ. Thậm chí, ông còn vận động Anh hạn chế chia sẻ tình báo với Kiev.

Cuộc họp gây tranh cãi giữa ông Trump và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã dẫn tới việc ngưng chia sẻ các dữ liệu tình báo vệ tinh, tín hiệu và thông tin dẫn đường cho các hệ thống vũ khí như HIMARS, khiến quân đội Ukraine mất khả năng tấn công chính xác, đặc biệt ở khu vực Kursk – nơi Nga tăng cường tấn công khi chuỗi tiếp tế của Ukraine bị cắt và khả năng nhận diện tình huống bị suy giảm.

Trong bối cảnh thiếu hụt thông tin tình báo thời gian thực, Ukraine buộc phải tiết kiệm đạn dược, phụ thuộc vào các vũ khí trong nước kém hiệu quả hơn. Việc thiếu vắng các hệ thống như Patriot càng khiến lực lượng phòng không Ukraine gặp khó khăn.

Khoản viện trợ vệ tinh của Đan Mạch – thông qua EDA – là dấu hiệu cho thấy châu Âu đang dần bước ra khỏi cái bóng của Mỹ trong hỗ trợ Ukraine. Thay vì phụ thuộc vào hạ tầng tình báo Mỹ, Ukraine giờ đây được tiếp cận các kênh liên lạc độc lập, mã hóa cao, ít bị Nga gây nhiễu hay đánh chặn – vốn là điểm yếu mà Moscow từng khai thác trong các đợt tấn công mạng vào Starlink tại Kharkiv.

Động thái này không chỉ củng cố khả năng chiến thuật mà còn nâng cao vị thế chiến lược của Ukraine khi phối hợp với đồng minh châu Âu.

Bên cạnh việc tạo đòn bẩy giúp Ukraine duy trì thế chủ động, sáng kiến của châu Âu – mà Đan Mạch tiên phong – còn làm giảm khả năng Mỹ thao túng Kiev bằng cách dọa cắt viện trợ. Việc giảm phụ thuộc vào Mỹ về mặt chiến lược tạo tiền đề cho Ukraine đàm phán bình đẳng hơn – đặc biệt trong bối cảnh chính quyền Trump đang hướng đến một thỏa thuận hoà bình với Nga, có thể bất lợi cho Kyiv.

Việc Đan Mạch cung cấp dịch vụ vệ tinh giúp Ukraine giảm rủi ro bị tê liệt nếu Mỹ tiếp tục viện trợ không đều. Đồng thời, điều này phù hợp với nỗ lực của châu Âu trong việc tăng chi tiêu quốc phòng – riêng Đan Mạch cam kết vượt mức 3% GDP vào năm 2025.

Không gian ngày càng trở thành chiến trường then chốt trong chiến tranh hiện đại – nơi quyền kiểm soát các tài sản quỹ đạo mang ý nghĩa quyết định chiến thắng.

Khoản viện trợ của Đan Mạch không chỉ giúp Ukraine tăng cường năng lực phòng thủ, mà còn buộc Mỹ phải xem xét lại cách tiếp cận trong hợp tác an ninh xuyên Đại Tây Dương, khi châu Âu ngày càng khẳng định vai trò độc lập chiến lược trước một Washington khó lường.

Yên Du