Bộ đội tên lửa phòng không tròn 60 năm thành lập
Sáng 15/7, tại Hà Nội đã diễn ra buổi gặp mặt kỷ niệm 60 năm Ngày truyền thống Bộ đội tên lửa phòng không (24/7/1965 - 24/7/2025).
Tham dự buổi gặp mặt có Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cùng lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân, các tướng lĩnh, sĩ quan, cựu chiến binh và các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Tên lửa Phòng không qua các thời kỳ.
Phát biểu tại buổi gặp mặt, Thiếu tướng Bùi Thiên Thau - Phó Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân khẳng định, lịch sử 60 năm hình thành, chiến đấu, trưởng thành và phát triển của Bộ đội Tên lửa Phòng không là bản anh hùng ca bất diệt, khẳng định trí tuệ, lòng dũng cảm và tinh thần quyết chiến quyết thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Cách đây 60 năm, để bảo vệ miền Bắc và đánh trả cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân của đế quốc Mỹ, ngày 7/1/1965, Bộ Quốc phòng đã quyết định thành lập Trung đoàn 236 – trung đoàn tên lửa phòng không đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ đây, Quân chủng Phòng không – Không quân (PK-KQ) đã có đầy đủ 4 binh chủng hiện đại: Cao xạ, Radar, Tên lửa và Không quân, làm nòng cốt trong thế trận phòng không nhân dân.

Trước yêu cầu chiến đấu, đòi hỏi bộ đội tên lửa phòng không (TLPK) phải nhanh chóng triển khai lực lượng. Với sự giúp đỡ của đội ngũ chuyên gia quân sự Liên Xô, bằng sự nỗ lực nghiên cứu, học tập, sáng tạo, bộ đội TLPK đã nhanh chóng nắm bắt kỹ thuật, thao tác, sử dụng thành thạo khí tài để chiến đấu, rút ngắn thời gian học tập dự kiến ban đầu từ 1 năm xuống 6 tháng, rồi còn 3 tháng đã có thể sử dụng tên lửa để chiến đấu.
Chỉ sau thời gian huấn luyện cấp tốc; thấm nhuần lời căn dặn của Bác Hồ: “Giặc Mỹ đang leo thang ở miền Bắc... Ta phải tìm nó mà bắn. Muốn bắn trúng, bắn rơi máy bay ngay từ loạt đạn đầu tiên, phải tập luyện thật công phu, có bắn trúng, bắn rơi ngay từ loạt đạn đầu thì mới bắn rơi được tại chỗ...”.

Ngày 24/7/1965, Trung đoàn 236 đã phóng những quả tên lửa đầu tiên vào tốp máy bay F-4 của địch ở độ cao 7.000 mét, tiêu diệt mục tiêu. Trong đó, có 1 chiếc rơi tại chỗ, làm cho không quân Mỹ hoàn toàn bị bất ngờ, không phản ứng kịp. Ngày 24/7/1965 được ghi vào lịch sử là ngày ra quân đánh thắng trận đầu của Bộ đội Tên lửa Phòng không Việt Nam.
Sau chiến thắng trận đầu, Bộ đội Tên lửa Phòng không đã từng bước trưởng thành nhanh chóng; cùng với quân và dân ta, cán bộ, chiến sĩ Tên lửa Phòng không đã chiến đấu anh dũng, ngoan cường, mưu trí, sáng tạo, lập công xuất sắc.
Đặc biệt, trong chiến dịch 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, lực lượng tên lửa là nòng cốt đánh bại cuộc tập kích đường không chiến lược bằng máy bay B52 của Mỹ, bắn rơi 29 chiếc B52, góp phần làm nên chiến thắng lịch sử “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không”.
Trong cuộc tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, lực lượng tên lửa SAM-2 và A-72 đã tham gia chiến đấu trong đội hình binh chủng hợp thành cùng các binh đoàn chủ lực tiến vào giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Với thành tích đặc biệt xuất sắc, Binh chủng Tên lửa được Đảng, Nhà nước tuyên dương danh hiệu cao quý Anh hùng Lực lượng vũ trang (LLVT) nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác. Riêng Trung đoàn 213 và Trung đoàn 238 được tuyên dương danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân lần thứ hai trong thời kỳ đổi mới.

60 năm xây dựng, chiến đấu, chiến thắng, trưởng thành và phát triển của Bộ đội Tên lửa Phòng không để lại cho cán bộ, chiến sĩ Quân chủng PK-KQ nhiều bài học vô cùng quý báu, được kế thừa và phát huy trong tình hình mới.
Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, khó dự báo, đe dọa sự ổn định, phát triển của các quốc gia. Trong nước, tiến hành hoàn thiện tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh, gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Năm 2025, là năm diễn ra Đại hội đảng các cấp, tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Năm có nhiều ngày kỷ niệm trọng đại của Đảng, đất nước, Quân đội; đặc biệt là kỷ niệm 80 năm Quốc khánh Nước CHXHCN Việt Nam.
Với yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới, Quân chủng Phòng không - Không quân tiếp tục được đầu tư trang bị khí tài hiện đại, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.
Quân chủng tiếp tục được đầu tư mua sắm một số loại trang bị khí tài mới, hiện đại; nhiệm vụ huấn luyện, SSCĐ, QLVT, QLĐHB... yêu cầu ngày càng cao, tính chất đa dạng, phức tạp, khẩn trương nhất là trên không và hướng biển, đảo.