An toàn

Cân máy bay – chuyện không đùa trước mỗi chuyến bay

Văn Lý 14/07/2025 07:00

Bạn có bao giờ tự hỏi: Làm sao mà một chiếc máy bay nặng hàng trăm tấn lại có thể nhẹ nhàng bay lướt trên bầu trời?

cover(1).png

Cân máy bay có như... cân voi?

Bạn có bao giờ tự hỏi: Làm sao mà một chiếc máy bay nặng hàng trăm tấn lại có thể nhẹ nhàng bay lướt trên bầu trời?

Và nếu mỗi hành khách chỉ mang thừa vài kilogram hành lý, thì điều gì sẽ xảy ra? Máy bay có quá “mập” để cất cánh?

Tin hay không tùy bạn, nhưng trước mỗi chuyến bay, việc “cân” cả một con chim sắt khổng lồ là chuyện nghiêm túc tới mức có cả một bộ phận lớn phụ trách công đoạn này. Lý do rất rõ ràng: Không ai được phép đùa với trọng lượng khi ở độ cao 10.000 mét.

Máy bay “tăng cân” không?

Không có chỗ cho sự phỏng đoán trong ngành hàng không. Trước mỗi chuyến bay, các bộ phận kỹ thuật và phi hành đoàn phải nắm rõ: Trọng lượng rỗng của máy bay; Trọng lượng hành khách, hành lý, hàng hóa, nhiên liệu; Vị trí phân bố của các tải trọng.

Quá trình này gọi là Weight and Balance – “Cân tải và tính trọng tâm”. Tất cả dữ liệu được đưa vào phần mềm chuyên dụng để tạo ra Loadsheet – một bản tổng hợp trọng lượng chính thức cho chuyến bay, trong ngành hàng không thường gọi là Bảng chất xếp.

Trọng tâm – điểm cân bằng sinh tử

Một sai lệch vài phần trăm trong trọng tâm có thể khiến sự an toàn bay bị đe doạ.

Hãy tưởng tượng bạn đặt một cành cây khô lên ngón tay, dò từng chút để tìm điểm mà cành cây thăng bằng, không nghiêng về bên nào – đó chính là trọng tâm (Center of Gravity – CG).

Với máy bay, CG là điểm then chốt để giữ toàn bộ khối lượng phân bố đều quanh nó. Lệch về trước – máy bay khó nâng mũi khi cất cánh. Lệch về sau – máy bay dễ chao đảo và rất khó kiểm soát.

Loadsheet – nốt nhạc đầu tiên của bản giao hưởng an toàn

Loadsheet là tài liệu tổng hợp về tổng trọng lượng máy bay bao gồm nhiên liệu, hành khách, hàng hóa...; Sơ đồ phân bố tải trọng; Vị trí trọng tâm sau tính toán.

Bạn có thể không bao giờ nhìn thấy Loadsheet khi lên máy bay, nhưng chính nó là nốt nhạc khởi đầu của bản giao hưởng mang tên an toàn.

Một con số sai, một dòng lệch – và bản nhạc ấy có thể chệch tông, dẫn đến phản ứng dây chuyền khôn lường, thậm chí là thảm hoạ hàng không.

Khi nào dữ liệu trọng lượng rỗng cần xác lập lại

Hồ sơ Weight & Balance của một tàu bay không tồn tại mãi mãi. Các tình huống sau buộc phải cân lại toàn bộ máy bay:

- Sửa chữa lớn hoặc thay đổi cấu trúc (C-check, D-check)

- Phi công phản ánh máy bay có biểu hiện “nặng đầu” hoặc “lệch đuôi”

- Nghi ngờ dữ liệu trọng lượng hiện tại có sai sót

Máy bay sẽ được cân lại bằng thiết bị chuyên dụng như Cân bàn (Platform scale) hoặc Cân cảm biến (Load cell). Từ đó, xác lập lại trọng lượng rỗng (Empty Weight) và trọng tâm rỗng (EWCG) mới – giống như vẽ lại bản đồ cân bằng cho một con chim sắt đã thay da đổi thịt sau mỗi lần kiểm tra sức khỏe định kỳ C-check, D-check hoặc cải tạo, hoán cải.

20250709_1039_Plane vs. Elephant_simple_compose_01jzpm75aaf11at4swzwhryy0z

“Cân voi” thời xưa – “Cân máy bay” thời nay

Vậy cân máy bay có như... cân voi? Câu trả lời là: không giống về phương pháp, nhưng giống ở sự sáng tạo, cẩn trọng và trách nhiệm tuyệt đối.

Ngày xưa, Trạng Lường đã cân voi bằng cách dắt voi xuống thuyền, đánh dấu mực nước, rồi thay voi bằng đá – một cách tính gián tiếp đầy trí tuệ.

Ngày nay, các chuyên viên hàng không cũng “cân voi” – nhưng là “voi sắt khổng lồ” – bằng dữ liệu, biểu đồ, phần mềm, và những phép tính chính xác đến từng gram.

Dữ liệu gốc của mọi trọng tâm: EWCG khi xuất xưởng

Khi máy bay được xuất xưởng và cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện bay (CoA), nhà sản xuất thực hiện cân kiểm định bằng thiết bị chuyên dụng để xác lập:

- Trọng lượng rỗng (Empty Weight)

- Vị trí trọng tâm rỗng (Empty Weight Center of Gravity – EWCG)

Dữ liệu này được ghi vào các tài liệu kỹ thuật như Type Certificate Data Sheet (TCDS) và Aircraft Flight Manual (AFM).

Từ đây, mọi chuyến bay sau này đều lấy EWCG làm gốc để tính toán cân bằng tải trọng thực tế.

Một tờ A4 – cả bầu trời

Một tờ A4 – nhưng giữ thăng bằng cho cả trăm con người giữa trời xanh.

Ở Việt Nam, “nhận tờ A4” đôi khi là tin vui, như thăng chức; đôi khi là nỗi buồn, như thông báo kỷ luật.

Nhưng ít người biết có một tờ A4 khác, được in ra trước mỗi chuyến bay, lại mang ý nghĩa sống còn: Loadsheet.

“Cân máy bay” – Giao thức an toàn cho mọi chuyến bay

Chúng ta thường nhớ tới phi công, tiếp viên – những gương mặt tuyến đầu đại diện cho một chuyến bay.

Nhưng phía sau đó là những con người thầm lặng: kỹ sư mặt đất, chuyên viên giám sát cân bằng trọng tải, người tính toán số liệu từng dòng trên Loadsheet.

Và khi động cơ bắt đầu gầm vang, thân máy bay rời khỏi đường băng, hành khách nghiêng đầu ngắm trời xanh qua các ô cửa nhỏ, họ không biết rằng: Chính những giao thức tưởng chừng vô hình ấy - được viết bằng dữ liệu, kiểm tra bằng trách nhiệm - đã bảo vệ họ như một lớp áo giáp vô hình nhưng bất khả chiến bại.

Bởi trong hàng không, sự chính xác không phải là tùy chọn - mà là lời hứa sống còn.

Sai lầm phân bố trọng tải máy bay, tai nạn là điều không tránh khỏi

Đã xảy ra một số vụ tai nạn hàng không nổi bật mà nguyên nhân được xác định có liên quan đến sai sót trong tính toán hoặc phân bố trọng tải máy bay.

1. Tai nạn của American Airlines Flight 1420 (1999)

Artboard 1
american_airlines_flight_1420.png

Địa điểm

Little Rock, Arkansas, Mỹ.


Tóm tắt

Máy bay trượt khỏi đường băng khi hạ cánh trong điều kiện thời tiết xấu.


Nguyên nhân liên quan

Báo cáo điều tra cho thấy việc phân bố trọng tải không hợp lý đã ảnh hưởng đến hiệu suất hạ cánh, đặc biệt là trong điều kiện gió mạnh và đường băng trơn.


Hậu quả

11 người thiệt mạng, nhiều người bị thương.

Bài học rút ra

Cần kiểm tra kỹ lưỡng trọng tâm máy bay và đảm bảo các hệ thống hỗ trợ hạ cánh hoạt động đầy đủ.


2. Tai nạn của National Airlines Flight 102 (2013)

Artboard 2
air-cargo-crash-in-afganistan.png

Địa điểm

Sân bay Bagram, Afghanistan.


Tóm tắt

Máy bay Boeing 747 chở hàng hóa nặng (xe quân sự) đã bị mất kiểm soát ngay sau khi cất cánh và rơi thẳng xuống đất.


Nguyên nhân liên quan

Sai sót trong việc chất xếp và cố định hàng hóa, dẫn đến dịch chuyển trọng tải trong khoang chứa khi máy bay cất cánh.


Hậu quả

Toàn bộ 7 thành viên phi hành đoàn thiệt mạng.

Bài học rút ra

Việc tính toán và cố định trọng tải phải tuân thủ nghiêm ngặt các quy định kỹ thuật - chỉ cần một sai lệch nhỏ cũng có thể gây thảm họa.


3. Tai nạn của Air Midwest Flight 5481 (2003)

Artboard 3
Air Midwest

Địa điểm

Charlotte, North Carolina, Mỹ.


Tóm tắt

Máy bay Beechcraft 1900D rơi ngay sau khi cất cánh.


Nguyên nhân liên quan

Sai sót trong tính toán trọng lượng hành khách - hãng sử dụng trọng lượng trung bình lỗi thời, dẫn đến máy bay bị quá tải. Trọng tâm máy bay bị lệch về phía sau, khiến máy bay không thể kiểm soát độ cao.


Hậu quả

Toàn bộ 21 người trên máy bay thiệt mạng.

Bài học rút ra

Cần cập nhật dữ liệu trọng lượng hành khách thực tế và kiểm tra kỹ lưỡng trọng tâm máy bay.


4. Tai nạn của Fine Air Flight 101 (1997)

Artboard 4
Fine Air

Địa điểm

Miami, Florida, Mỹ.


Tóm tắt

Máy bay chở hàng McDonnell Douglas DC-8 rơi ngay sau khi cất cánh.


Nguyên nhân liên quan

Hàng hóa không được cố định đúng cách, dẫn đến dịch chuyển trọng tải trong khoang. Trọng tâm máy bay bị lệch nghiêm trọng, gây mất kiểm soát.


Hậu quả

Bốn người thiệt mạng (3 phi hành đoàn và 1 người dưới mặt đất).

Bài học rút ra

Việc chất xếp và cố định hàng hóa phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình chất xếp và tính toán cân bằng trọng tải.

Văn Lý