Đề xuất kéo dài đường băng sân bay Vinh thêm 600m
ACV đang nghiên cứu phương án đầu tư kéo dài đường cất, hạ cánh sân bay Vinh thêm 600m.
Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết, đơn vị này đề xuất chốt một trong 2 phương án triển khai dự án kéo dài đường cất, hạ cánh hiện hữu tại Cảng hàng không quốc tế Vinh.
Theo đó, phương án 1 bao gồm kéo dài đường cất, hạ cánh thêm 600m (đảm bảo kích thước 3.000x45m); xây dựng đường lăn song song kích thước 2.484x23m kết nối vào sân đỗ đang mở rộng; xây dựng ba đường lăn nối (148x23m); hệ thống sơn kẻ tín hiệu, đèn hiệu, biển báo hàng không theo tiêu chuẩn CAT I.
Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng hơn 66ha, trong đó có khoảng 7ha đất ở, hơn 59ha đất nông nghiệp, bao gồm cả khu nghĩa trang. Dự kiến chi phí giải phóng mặt bằng trên 760 tỷ đồng (chưa bao gồm chi phí hoàn trả đường dân sinh và nắn chỉnh sông Rào Trường).
Tổng mức đầu tư dự án khoảng 1.216 tỷ đồng (chưa tính chi phí giải phóng mặt bằng), thời gian thi công dự kiến 7 tháng kể từ khi được bàn giao toàn bộ mặt bằng.
Ưu điểm của phương án 1 là đầu tư đồng bộ hệ thống đường cất, hạ cánh, đường lăn song song, thiết bị hàng không theo đúng quy hoạch, khai thác lâu dài, nâng cao năng lực hoạt động toàn cảng.
Hạn chế của phương án 1 là cần diện tích giải phóng mặt bằng rất lớn, bao gồm khu dân cư và nghĩa trang; phải hoàn thiện toàn bộ công tác tái định cư và điều chỉnh dòng chảy sông Rào Trường trước khi thi công.

Còn phương án 2 cũng kéo dài đường cất, hạ cánh thêm 600m (3.000x45m); xây dựng ba đoạn đường chờ nối vào đường lăn song song (82,5x23m); dải hãm phanh hai đầu (100x60m); lề vật liệu rộng 7,5m.
Tổng diện tích cần giải phóng mặt bằng khoảng 37ha (chủ yếu là đất nông nghiệp), với chi phí khoảng 126 tỷ đồng. Tổng mức đầu tư ước tính khoảng 550 tỷ đồng (chưa bao gồm GPMB). Thời gian thi công dự kiến 6 tháng kể từ khi có mặt bằng sạch.
Ưu điểm của phương án 2 là vẫn đảm bảo kéo dài đường cất, hạ cánh theo quy hoạch; tiết giảm chi phí và diện tích giải phóng mặt bằng; đặc biệt không cần đóng cửa sân bay nhiều lần, phù hợp điều kiện thực tế về vốn và tiến độ.
Hạn chế của phương án 2 là không đầu tư đồng bộ hệ thống đường lăn song song, dẫn tới việc máy bay vẫn phải lăn trên đường cất, hạ cánh, ảnh hưởng đến năng lực khai thác.
Trên cơ sở phân tích ưu nhược điểm của từng phương án, đồng thời xét đến nhu cầu khai thác, tiến độ triển khai và khả năng bố trí vốn, các ban chức năng của ACV đề xuất lựa chọn phương án 2 để triển khai trước.

Trước đó, Bộ Xây dựng chấp thuận chủ trương đầu tư kéo dài đường băng sân bay Vinh 600 m để khai thác được các loại máy bay lớn, theo đề xuất của UBND tỉnh Nghệ An.
Bộ Xây dựng đánh giá việc đầu tư đường cất hạ cánh, bổ sung hệ thống đường lăn sân bay Vinh là cần thiết và phù hợp với quy hoạch.
Cục Hàng không Việt Nam được giao nghiên cứu, đề xuất phương án quản lý, khai thác hạ tầng hàng không sau khi đầu tư và giá dịch vụ cất, hạ cánh máy bay.
Hiện nay ACV - đơn vị quản lý khai thác sân bay, triển khai dự án sửa chữa đường cất hạ cánh và đường lăn, thông qua nguồn vốn bảo trì kết cấu hạ tầng hàng không, dự kiến đóng cửa sân bay từ tháng 7 đến tháng 12/2025.
Để thực hiện đồng bộ, UBND tỉnh Nghệ An đề xuất kéo dài đường băng và bổ sung hệ thống đường lăn cùng với thời điểm ACV đang triển khai dự án sửa chữa các hạng mục này. ACV sẽ chủ động bố trí nguồn vốn để kéo dài đường băng và bổ sung hệ thống đường lăn trong khi Nhà nước chưa bố trí được ngân sách.
Đường cất hạ cánh sân bay Vinh hiện nay dài 2.400 m, khai thác tàu bay A321 hoặc tương đương. Quy hoạch cảng hàng không quốc tế Vinh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định đường băng được nâng cấp dài 3.000 m có thể đón các máy bay lớn như B787, A350; đón 10 triệu hành khách mỗi năm.
Từ ngày 01/7/2025, Cảng Hàng không Quốc tế Vinh chính thức tạm ngừng khai thác để triển khai dự án nâng cấp quy mô lớn với tổng mức đầu tư gần 1.000 tỷ đồng.
Đây là cột mốc quan trọng đánh dấu bước chuyển mình mạnh mẽ của sân bay Vinh, hướng tới hình ảnh một sân bay hiện đại, chuyên nghiệp, đáp ứng tốt hơn nhu cầu phát triển của khu vực Bắc Trung Bộ.