Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới
Tại Kỳ họp thứ 47 của Ủy ban Di sản Thế giới thuộc UNESCO diễn ra tại Paris, Pháp, UNESCO công nhận Quần thể Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là Di sản Văn hóa Thế giới.
Quyết định được Chủ tịch kỳ họp - Giáo sư Nikolay Nenov (Bulgaria) - gõ búa công nhận lúc 13h02 ngày 12/7 (giờ Paris), sau hơn một giờ thảo luận và ghi nhận ý kiến các nước thành viên.
Sự kiện này, mang ý nghĩa đặc biệt về tôn giáo, văn hóa và lịch sử đã tồn tại hơn 700 năm. Quần thể di tích là những công trình kiến trúc cổ kính, là minh chứng cho sự ra đời và phát triển của Phật giáo Trúc Lâm do Phật Hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào thế kỷ XIII.
Đây là Di sản thế giới thứ 9 của Việt Nam và là Di sản thế giới liên tỉnh thứ hai, sau Vịnh Hạ Long - Quần đảo Cát Bà.

Cùng thời điểm diễn ra kỳ họp lần thứ 47 của UNESCO, phái đoàn thường trực Việt Nam bên cạnh UNESCO phối hợp với Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam và UBND tỉnh Quảng Ninh đồng tổ chức sự kiện quảng bá giá trị văn hóa, lịch sử, tâm linh của quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc tại Trung tâm văn hóa Việt Nam tại Pháp.
Quần thể có tổng diện tích vùng lõi 525,75 ha, vùng đệm 4.380,19 ha. Vùng lõi gồm 12 thành phần di sản chính, phản ánh đầy đủ các giai đoạn hình thành, lan tỏa và phục hưng của thiền phái Trúc Lâm - trung tâm của di sản.
Vùng đệm có vai trò bảo vệ cảnh quan văn hóa, đảm bảo sự toàn vẹn và liên kết của quần thể, được quản lý nghiêm ngặt theo quy định của Luật Di sản văn hóa và Luật Lâm nghiệp Việt Nam.
12 di tích trong quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn - Kiếp Bạc ở ba tỉnh Quảng Ninh và Hải Dương (cũ) và Bắc Giang (cũ) gồm:

Ảnh hưởng của Phật giáo Trúc Lâm đã vượt ra ngoài phạm vi Việt Nam, lan tỏa rộng khắp khu vực và trên toàn thế giới.
Theo hồ sơ di sản, hiện nay, Phật giáo Trúc Lâm có hơn 30 triệu phật tử, khoảng 50.000 tăng ni và 15.000 ngôi chùa tại hơn 30 quốc gia.
Ở Pháp, đã có chùa Trúc Lâm Paris; Tại Mỹ, còn có Giải thưởng Trần Nhân Tông về hòa bình, minh chứng cho tinh thần và giá trị của Phật giáo Trúc Lâm được quốc tế ghi nhận và trân trọng.