Ukraine có thể trở thành “nghĩa địa” của các chiến đấu cơ F-16 Mỹ
Chiến trường Ukraine từng là nơi chôn vùi xe tăng phương Tây, giờ đây có thể trở thành “nghĩa trang” của chiến đấu cơ F-16 – biểu tượng quân sự của Mỹ.
Cuộc xung đột Nga-Ukraine đang bước vào một giai đoạn mới khốc liệt. Nga đã gia tăng mạnh mẽ cường độ các cuộc không kích vào Ukraine.

Vào ngày 9/7, Nga đã tiến hành cuộc tấn công đường không lớn nhất kể từ đầu chiến tranh, với kỷ lục 728 máy bay không người lái và tên lửa siêu vượt âm được phóng đi.
Trong khi đó, Kyiv đang cạn kiệt tên lửa phòng không, và việc tiếp tế từ Mỹ đã tạm thời bị đình chỉ.
Từ “nghĩa địa” của xe tăng thành “nghĩa trang” của F-16?
Theo Eurasiantimes, sự thiếu hụt tên lửa phòng không đã tạo điều kiện cho lực lượng Không quân Nga (RuAF) tiến sát tiền tuyến hơn bao giờ hết, thực hiện các cuộc tấn công tầm gần thay vì chỉ phóng tên lửa từ xa như trước.
Điều này buộc Ukraine phải huy động lực lượng không quân chắp vá của mình để thực hiện nhiệm vụ phòng không.
Hệ quả là cực kỳ nghiêm trọng: Các chiến đấu cơ Ukraine sẽ phơi bày trước hệ thống phòng không mặt đất hiện đại của Nga và nhiều khả năng sẽ xảy ra các cuộc không chiến tầm gần (dogfight) giữa máy bay Nga và Ukraine.
Kênh Telegram chuyên quân sự FighterBomber cảnh báo, việc hết tên lửa phòng không đã làm suy giảm đáng kể năng lực giữ khoảng cách của Ukraine với chiến đấu cơ Nga. Kết quả là Nga giờ đây có thể thực hiện các nhiệm vụ DEAD (tiêu diệt hệ thống phòng không địch) gần chiến tuyến, đồng thời gây áp lực lớn hơn lên hệ thống phòng không Ukraine.
Tuy nhiên, các cuộc không chiến tầm gần giữa không quân Nga và Ukraine có kết cục dễ đoán.
Không quân Ukraine (UAF) chủ yếu gồm các chiến đấu cơ thế hệ cũ do phương Tây tặng và phi công được huấn luyện cấp tốc. Trong những trận chiến tầm gần, họ khó có thể đối đầu với không quân Nga – vốn vượt trội về số lượng, công nghệ và trình độ huấn luyện.
Ukraine đã mất bốn chiếc F-16, chiếc gần nhất chưa đầy hai tuần trước, và ba chiếc còn lại trong ba tháng vừa qua. Nếu không được tiếp tế gấp hệ thống phòng không Patriot từ Mỹ, con số tổn thất này có thể sẽ tăng lên nhanh chóng.
Cuộc chiến tại Ukraine từng được gọi là “nghĩa địa của xe tăng chiến đấu chủ lực (MBT)”, kể cả những dòng hiện đại như Abrams hay Leopard của phương Tây.
Nhưng giờ đây, Ukraine có nguy cơ trở thành “nghĩa địa” của chiến đấu cơ F-16 Mỹ.

Mắt xích đầu tiên dẫn đến viễn cảnh này chính là tình trạng cạn kiệt nghiêm trọng tên lửa Patriot – vũ khí phòng không chủ lực của Ukraine và phương Tây.
Ngày 8/7, tờ The Guardian công bố một tin gây lo ngại sâu sắc: Mỹ hiện chỉ còn 25% số lượng tên lửa đánh chặn Patriot cần thiết để đáp ứng các kế hoạch quân sự của Lầu Năm Góc.
“Mỹ chỉ còn khoảng 25% số lượng tên lửa đánh chặn Patriot cần cho các kế hoạch quân sự sau khi tiêu hao lượng lớn ở Trung Đông trong vài tháng qua,” Guardian viết.
Điều này đã buộc chính quyền Trump phải tạm dừng các chuyến hàng Patriot gửi cho Ukraine.
Theo báo cáo, mức dự trữ thấp tới mức đe dọa an ninh quốc gia Mỹ và có thể ảnh hưởng đến các chiến dịch quân sự sắp tới.
Tình hình càng nghiêm trọng hơn sau cuộc tấn công tên lửa của Mỹ vào cơ sở hạt nhân Iran tháng trước, khiến Mỹ phải bắn gần 30 tên lửa Patriot để đánh chặn tên lửa đạn đạo của Iran trả đũa tại căn cứ Al Udeid ở Qatar.
Hiện nay, Mỹ chỉ có thể sản xuất 600 tên lửa Patriot mỗi năm, trong khi riêng Iran được cho là sở hữu hơn 1.000 tên lửa đạn đạo, ngay cả sau cuộc chiến 12 ngày với Israel.
Hệ quả là các căn cứ Mỹ tại Trung Đông có thể đối mặt rủi ro nghiêm trọng.
Theo nguồn tin, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth đã ký quyết định dừng chuyển giao Patriot cho Ukraine sau khi nhận được cảnh báo về lượng tồn kho.
Do đó, việc tái cấp Patriot cho Ukraine có thể còn lâu mới được khôi phục.
Trong khi chờ viện trợ, Kyiv không còn lựa chọn nào ngoài việc triển khai F-16 và các chiến đấu cơ thời Liên Xô còn sót lại như MiG-29, để bắn hạ UAV, tên lửa và ngăn chặn chiến đấu cơ Nga đang tiến sát tiền tuyến.
Ukraine đã mất F-16 đầu tiên vào tháng 8 năm 2024, chỉ vài tuần sau khi nhận. Năm nay, Ukraine liên tiếp mất F-16 trong các tháng 4, 5 và 6.

Nếu Kyiv không sớm nhận được Patriot hay các hệ thống phòng không khác, thì tổn thất F-16 sẽ tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Phương Tây đã hứa viện trợ khoảng 80 chiếc F-16, nhưng Kyiv chưa công bố đã nhận bao nhiêu, và các đợt bàn giao vẫn đang chậm trễ nghiêm trọng.
Những chiếc F-16 được điều khiển bởi các phi công Ukraine được huấn luyện vội vàng, có nguy cơ sẽ bị chiến đấu cơ Nga tiêu diệt hàng loạt.
Không quân Ukraine không đủ sức cản không quân Nga
Hiện tại, UAF chỉ có khoảng 70 chiến đấu cơ, gồm gần 40 MiG-29, 26 Su-27 và một số F-16 cùng Mirage-2000 do phương Tây viện trợ. Đặc biệt, F-16 từng được kỳ vọng là "cú đổi chiều" cho Ukraine.
Tuy nhiên, phi công Ukraine vẫn đang phải học sử dụng F-16 trong điều kiện chiến tranh khẩn trương.
Trong khi đó, Nga triển khai những chiến đấu cơ hiện đại như Su-35, Su-30 và MiG-31, với ưu thế vượt trội về công nghệ và kinh nghiệm.
Cả trong không chiến tầm gần lẫn trận chiến ngoài tầm nhìn (BVR), UAF khó có thể trụ vững lâu hơn nữa.
Chiến trường Ukraine từng là nơi chôn vùi xe tăng phương Tây. Giờ đây, nếu không có sự hỗ trợ nhanh chóng và quyết liệt, nó có thể trở thành “nghĩa trang” của chiến đấu cơ F-16 – biểu tượng quân sự của Mỹ, được sử dụng bởi hơn 25 quốc gia trên thế giới.
Nếu Tổng thống Trump không hành động ngay lập tức, Mỹ không chỉ mất phương tiện chiến tranh, mà còn phải gánh chịu tổn thất uy tín nghiêm trọng trên trường quốc tế.