Không có “mảnh đất cắm dùi”, hàng không tư nhân khó vươn xa
Khánh Nguyên•11/07/2025 12:57
Hiện nay, không có cơ chế nào rõ ràng để hàng không tư nhân có thể tiếp cận quỹ đất trong sân bay để đầu tư, sản xuất kinh doanh. Điều này khiến các hãng sẽ khó phát triển toàn diện.
Một trong những điều kiện quan trọng để các hãng bay có thể phát triển tốt hơn trong tương lai đó là tạo sự bình đẳng trong tiếp cận vốn, đất đai hay các nguồn lực khác như công nghệ thông tin…
Khó phát triển đồng bộ vì… không có đất
Ông Lương Hoài Nam – Tổng giám đốc Bamboo Airways chia sẻ, điều tự hào của hàng không Việt Nam trong 30 năm qua là hàng không Việt Nam duy trì mức độ an toàn rất cao, được quốc tế công nhận. Sự phát triển của ngành hàng không cũng đang dần vào quỹ đạo sau khi phục hồi từ đại dịch Covid-19.
Tuy vậy, để hàng không tư nhân tiếp tục phát triển, cần rất nhiều thay đổi, cải cách về thể chế, thủ tục để khuyến khích đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này.
Trên thực tế, cho tới thời điểm hiện tại, việc tiếp cận cơ hội tiếp cận đầu tư, khai thác tại các sân bay của các hãng hàng không tư nhân vẫn còn rất hạn chế.
Việc khó tiếp cận quỹ đất tại các sân bay khiến các hãng hàng không tư nhân không thể phát triển khép kín. Trong ảnh: Máy bay của Vietnam Airlines tại hangar ở sân bay Nội Bài. Ảnh: VNA.
Theo ông Nam, dù không muốn đề cập đến việc các hãng bay thuộc sở hữu nhà nước được ưu ái hay tạo điều kiện hơn nhưng thực tế hiện nay, các hãng bay tư nhân đều không có “mảnh đất cắm dùi” nào tại các sân bay.
Ngược lại, hãng hàng không quốc gia có đủ điều kiện về đất đai để triển khai các dịch vụ, phục vụ cho một hệ sinh thái hàng không khép kín, rất hiệu quả.
Điều đó cũng có nghĩa là, doanh nghiệp tư nhân không thể đầu tư phát triển hệ sinh thái hàng không riêng của mình, từ dịch vụ mặt đất, kỹ thuật, logistics cho đến thương mại sân bay…
“Không hẳn là Việt Nam không có quỹ đất sân bay nào khác dành cho nhà đầu tư tư nhân mà trên thực tế, không có cơ chế nào hiện nay rõ ràng để hàng không tư nhân có thể tiếp cận quỹ đất trong sân bay để đầu tư, kinh doanh cả”, ông Nam nhận định.
Theo ông Nam, doanh nghiệp của ông từng từng lập dự án, phát hiện quỹ đất chưa được sử dụng và trình hồ sơ xin thuê đất để phát triển, nhưng đến nay vẫn chưa thể thực hiện được. Không chỉ vậy, cũng không có bất kỳ cơ quan nào hướng dẫn hay tiếp nhận cụ thể.
“Đây là điều rất cần xem xét, vì nếu không, sẽ gây lãng phí rất lớn nguồn lực đất đai sân bay. Nếu được tiếp cận quỹ đất tại các sân bay một cách bình đẳng, hàng không tư nhân hoàn toàn có thể khai thác, đầu tư hiệu quả, tạo ra giá trị cho ngành và cho nền kinh tế”, ông Nam tiếp lời.
“
Việc tiếp cận của các hãng hàng không tư nhân đối với quỹ đất sân bay cần phải được xem xét. Vì quỹ đất sân bay hiện nay vẫn hoàn toàn có thể sử dụng để phát triển dịch vụ đồng bộ cho các hãng hàng không tư nhân.
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways.
Không chỉ quyền tiếp cận đất đai, ông Nam còn kể lại rằng, trong một số buổi trao đổi về Luật Hàng không sửa đổi gần đây, một số ý kiến đề cập đến việc các hãng hàng không phải lập kế hoạch phát triển đường bay phù hợp với phát triển hạ tầng sân bay ở Việt Nam.
Điều này theo ông Nam, là “hơi kỳ cục”. Vì không hãng hàng không nào biết được kế hoạch phát triển hạ tầng sân bay trong 5 năm, 10 năm tới ra sao để có thể có kế hoạch phát triển đường bay phù hợp với hạ tầng.
Ngược lại, ở góc độ quản lý nhà nước, cơ quan chức năng phải luôn luôn có mối bận tâm làm sao phát triển hạ tầng cho phù hợp nhất với điều kiện phát triển kinh tế của đất nước. Dù đó là sân bay, đường bộ, cao tốc, đường sắt, cảng biển… cũng phải không để thành điểm nghẽn, cản trở phát triển.
“Nếu việc này được thực thi, nhà nước sẽ dễ rơi vào tình trạng bắt đầu ban phát, cấp quota, theo kiểu hãng này được thêm 2 tàu bay, hãng kia 3 tàu bay...”, ông Nam nhận định.
Hãng bay tư nhân cần được bình đẳng
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng – Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng, các doanh nghiệp tư nhân như Vietjet, Bamboo Airways, Vietravel Airlines hay mới nhất là Sun PhuQuoc Airways khi so sánh với Vietnam Airlines có sự khác biệt lớn.
Doanh nghiệp nhà nước có những ưu thế riêng như được thành lập trước, có nền tảng lâu đời và độ lớn, quy mô rất khác biệt so với các hãng bay tư nhân mới gia nhập thị trường sau này.
Ngược lại, doanh nghiệp tư nhân có lợi thế là linh hoạt hơn, quy trình ra quyết định đơn giản hơn, phản ứng với thị trường nhanh hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng không nằm ở việc so sánh ai mạnh hơn ai, mà là phải bình đẳng trong vận hành.
Cụ thể, ví dụ như trong khai thác nhà ga, vận chuyển hành lý, phân bổ nguồn lực… thì dù là hãng nhà nước hay tư nhân cũng cần được đối xử như nhau, không có phân biệt về ưu tiên hay điều kiện tiếp cận. Không chỉ vậy, bình đẳng trong tiếp cận vốn cũng là một điểm cực kỳ quan trọng.
“Các doanh nghiệp tư nhân cần có khả năng tiếp cận các chính sách tín dụng như các doanh nghiệp nhà nước, không bị phân biệt trong điều kiện vay, thời hạn hay bảo lãnh. Các ưu đãi về thuế, phí, lệ phí… cũng cần phải như nhau, kể cả phải bình đẳng trong tiếp cận đất đai, xây dựng cơ sở hạ tầng”, ông Dũng nhận định.
“
Nếu cùng cung cấp một dịch vụ, cùng khai thác một đường bay, thì không lý do gì doanh nghiệp nhà nước được ưu đãi còn doanh nghiệp tư nhân thì không.
Ông Nguyễn Sĩ Dũng.
Để có bình đẳng thật sự, theo ông Dũng, phải có đấu thầu công khai, minh bạch, để doanh nghiệp tư nhân có cơ hội tiếp cận và cạnh tranh công bằng trong đầu tư phát triển hạ tầng hàng không.
Việc giao đất cũng phải bình đẳng, không để xảy ra tình trạng doanh nghiệp tư nhân bị ảnh hưởng, bị chậm trễ hoặc bị từ chối không rõ lý do, trong khi doanh nghiệp nhà nước thì được bố trí trước, thủ tục gọn hơn.
“Bình đẳng trong tiếp nhận thông tin và cơ hội khai thác đường bay cũng là điều rất căn bản.Tất cả các hãng, dù là nhà nước hay tư nhân, đều cần được cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời và được tiếp cận cơ hội khai thác như nhau”, ông Dũng nhấn mạnh.
Ngoài ra, kết quả kinh doanh của ngành cũng cần được chia sẻ công khai để tạo sự minh bạch, làm cơ sở hoạch định chính sách và phản biện chính sách. Không nên để các doanh nghiệp tư nhân hoạt động trong một không gian thiếu thông tin hoặc bị động.
Cuối cùng, cần bình đẳng trong thanh tra, kiểm tra. Theo ông Dũng, đây là vấn đề rất thực tế. Nếu có hoạt động kiểm tra, giám sát thì phải đảm bảo khách quan, đúng quy định, không tạo áp lực không cần thiết cho doanh nghiệp tư nhân, đặc biệt là trong giai đoạn đầu tư mở rộng hoặc vừa mới đi vào hoạt động.
Vietjet là doanh nghiệp hàng không tư nhân hiếm hoi tại Vietnam có hangar bảo dưỡng trong nước. Trong ảnh: Tàu bay Vietjet thực hiện C-check tại hangar tiêu chuẩn quốc tế của Lao Airlines tại sân bay quốc tế Wattay.
Theo ông Nguyễn Sĩ Dũng, Việt Nam đang đứng trước một cơ hội rất lớn dành cho doanh nghiệp tư nhân, trong đó có các hãng hàng không tư nhân.
Định hướng chính trị của Đảng và Nhà nước hiện nay rất rõ ràng, rất khai phóng, tạo điều kiện để thay đổi tư duy, thay đổi nhận thức về vai trò của khu vực tư nhân trong nền kinh tế.
Nhưng để làm được điều đó, phải nâng cao năng lực thể chế – để phù hợp với định hướng lớn của Đảng, đồng thời phải tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật, tháo gỡ những rào cản còn vướng mắc.
Bình đẳng không chỉ là giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp nhà nước, mà còn là sự bình đẳng thực chất giữa doanh nghiệp và Nhà nước, giữa người dân và bộ máy công quyền.
“Tuy nhiên, nói gì thì nói, nếu không có năng lực thực thi, nếu không có đạo đức công vụ, thì rất khó để hiện thực hóa những điều chúng ta đang kỳ vọng”, ông Dũng kết lời.