eVTOL Trung Quốc mở đường vào thị trường cứu hỏa – cứu hộ hàng không
Trung Quốc đưa eVTOL vào diễn tập chữa cháy cấp quốc gia, mở ra hướng đi mới trong thị trường cứu hộ hàng không thông minh.
Trong khi nhiều quốc gia còn đang tập trung vào eVTOL dân dụng, Trung Quốc đã sớm mở một hướng đi riêng: ứng dụng eVTOL trong lĩnh vực cứu hộ khẩn cấp và chữa cháy trên không.
Không chỉ là chiến lược nội địa hoá công nghệ, đây còn là bước đệm để Trung Quốc thiết lập vị thế dẫn đầu trong một mảng ngách ít cạnh tranh nhưng có hàm lượng kỹ thuật và ý nghĩa an ninh cao.
Trong khuôn khổ diễn tập cấp quốc gia “Ứng cấp mệnh lệnh 2025” tại Hắc Long Giang, một chiếc eVTOL do công ty Kairuiming (Thượng Hải) phát triển đã lần đầu được triển khai thực tế. Chiếc máy bay không người lái cất cánh từ căn cứ cứu hỏa, vượt hơn 22 km chỉ trong 8 phút, thực hiện thả bom chữa cháy chính xác xuống khu vực mô phỏng đám cháy tại vùng rừng núi Đại Hưng An Lĩnh.
.jpeg)
Diễn tập năm nay lần đầu mở rộng mời gọi công nghệ mới, trang thiết bị mới và chiến pháp mới từ doanh nghiệp tham gia. Sau nhiều vòng đánh giá, Care-o – eVTOL không người lái hạng nặng của Fengfei – đã được lựa chọn.
Thiết bị có tải trọng tối đa 400 kg, tầm bay 250 km và tốc độ hành trình 200 km/h. Phiên bản cứu hỏa được cải tiến từ bản chở hàng, tích hợp thêm hệ thống thả vật tư và kết nối vệ tinh.
“Chúng tôi không chỉ phải hiểu rõ địa hình, hướng gió và liên kết vệ tinh, mà còn cần xác định chính xác toạ độ và độ cao điểm cháy để lập kế hoạch đường bay,” ông Tôn Minh – Phó Tổng Giám đốc Fengfei Aviation – chia sẻ.
Với khả năng cất – hạ cánh thẳng đứng mà không cần đường băng, eVTOL có thể hoạt động linh hoạt tại các khu vực hiểm trở. Chi phí vận hành thấp, phản ứng nhanh và dễ tích hợp hệ thống điều phối tự động là những ưu thế giúp eVTOL trở thành công cụ bổ trợ hiệu quả cho trực thăng truyền thống.
Theo ông Nghiêm Bằng – nguyên Trợ lý Giám đốc Cục Cứu hỏa Trung Quốc, chuyên gia Hội Hàng không Trung Quốc, tính đến tháng 11/2024, Trung Quốc đã tăng gấp đôi số lượng trực thăng cứu hộ cỡ vừa và lớn từ hơn 70 chiếc năm 2018 lên hơn 140 chiếc. Tuy nhiên, mô hình chạy bằng nhiên liệu truyền thống vẫn chiếm ưu thế.
Cùng lúc đó, các doanh nghiệp eVTOL đang đẩy mạnh thâm nhập thị trường cứu hộ. EHang từng thử nghiệm eVTOL chữa cháy mang theo 100 lít chất chữa cháy từ độ cao 600 m. Hãng cũng vừa ký kết xây dựng trụ sở quốc gia cho thiết bị cứu hộ vùng trời thấp tại Bắc Kinh. Hãng Fukun Aviation thuộc Yufeng Future mới đây cũng trúng thầu xây dựng nền tảng cứu hộ bằng UAV cỡ lớn tại Quảng Đông.

Với khả năng phản ứng nhanh, chi phí thấp và linh hoạt về địa hình, eVTOL đang dần trở thành mắt xích mới trong hệ sinh thái cứu hộ hàng không tại Trung Quốc. Tuy chưa thể thay thế hoàn toàn các phương tiện truyền thống, nhưng sự xuất hiện của eVTOL trong các kịch bản thực chiến như “Ứng cấp mệnh lệnh 2025” cho thấy định hướng rõ ràng của Trung Quốc trong việc phát triển các giải pháp cứu hộ thông minh – đồng thời mở ra thị trường ngách đầy tiềm năng trong ngành hàng không thế hệ mới.