Gỡ điểm nghẽn thể chế hàng không: Cần hành động khẩn trương
Khánh Nguyên•11/07/2025 10:38
Đại diện Bộ Tài Chính khẳng định, tháo gỡ điểm nghẽn thể chế là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không tư nhân phát triển thực chất. Cần hành động khẩn trương, vì thời cơ không chờ đợi.
Tại tọa đàm “Nghị quyết 68 - Cơ hội của các hãng bay tư nhân Việt Nam” do Tạp chí Hàng không tổ chức ngày 10/7, các chuyên gia cho rằng, nếu tháo gỡ được những rào cản về thể chế và hạ tầng, tiềm năng tăng trưởng của ngành hàng không Việt Nam là rất lớn, cao hơn 10% so với hiện tại,
Dư địa thị trường còn rất lớn
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways, chia sẻ, ông nhìn thấy những cơ hội phát triển rõ ràng của hàng không tư nhân tại Việt Nam.
Ví dụ, nếu so sánh với giữa Việt Nam và Thái Lan, hàng không Việt Nam còn khoảng cách rất lớn so với nước bạn. Thế nhưng, khoảng cách đó không phải là yếu điểm, mà chính là dư địa để phát triển.
Theo ông Nam, hàng không tư nhân ở Việt Nam hiện góp phần rất quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước. Tổng thị phần các hãng hàng không tư nhân Việt Nam đã chiếm hơn 50% với “con chim đầu đàn” là Vietjet. Ngoài ra còn có các hãng khác như Bamboo Airways hay Vietravel Airlines.
“
Tôi tin rằng trong những năm tới, sẽ còn có nhiều hãng hàng không tư nhân khác ra đời tham gia thị trường!
Ông Lương Hoài Nam, Tổng giám đốc Bamboo Airways.
Đồng tình với ông Nam, bà Trịnh Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính, cũng cho rằng, tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam dành cho khu vực tư nhân là rất lớn.
Bà Hương minh chứng rằng, hiện nay, nếu tính vay thương mại thì chỉ có khoảng 7 hãng bay thương mại đang có vay, trong đó có một hãng tư nhân đang chuẩn bị vận hành.
Nếu tính cả các hoạt động charter, thuê chuyến riêng (chuyên cơ, thuê bao) thì hiện có khoảng 4–5 đơn vị đang hoạt động. Tuy nhiên, nếu nói về vay vốn ưu đãi hay các hình thức tài chính chi phí thấp (ECA, low-cost carrier vốn nước ngoài...), thì sự tham gia của tư nhân vào lĩnh vực này vẫn còn khá hạn chế.
Bà Hương nêu dẫn chứng, so sánh với các nước trong khu vực thì ở Thái Lan, khu vực hãng bay giá rẻ (LCC) chiếm khoảng 50% thị phần, chiếm tới 72–73% ở Malaysia.
Con số này ở Hàn Quốc là khoảng 53%. Còn như tại Mỹ, các hãng bay LCC cũng chiếm phần lớn thị trường nội địa. Điều này đồng nghĩa rằng, tiềm năng của thị trường hàng không Việt Nam dành cho khu vực tư nhân là rất lớn.
Vướng mắc thể chế, hãng bay tư nhân vẫn khó bứt phá
Khi nói về vị thế, vai trò của hàng không tư nhân, ông Lương Hoài Nam cho rằng, cần tránh cách hiểu là các hãng hàng không tư nhân đang vận động để “xin” một cái gì đó có lợi riêng cho mình và làm tổn hại bất bình đẳng so với hàng không do nhà nước sở hữu.
Ngược lại, các hãng hàng không tư nhân chỉ mong muốn có một cơ chế, một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi cho cả doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước, có thể giảm bớt hay xóa bỏ các rào cản về đầu tư.
Từ đó, giảm bớt các hàng rào trong cạnh tranh và trong kinh doanh, để ngành vận tải hàng không Việt Nam có doanh nghiệp nhà nước, doanh nghiệp tư nhân cùng nhau phát triển, cùng đóng góp vào mục tiêu phát triển bền vững, phục vụ người dân.
“Thay vì để doanh nghiệp phải "xin" từng thứ một, Nhà nước nên chủ động mời gọi, thậm chí thuyết phục khu vực tư nhân đầu tư. Bởi vì nếu thấy cơ hội rõ ràng, minh bạch, nhà đầu tư sẽ tự bỏ tiền ra làm mà không cần phải kêu gọi theo cách hành chính hóa nữa”, ông Nam nhận định.
Theo ông Nam, trước năm 2016, để ra đời một hãng hàng không tư nhân ở Việt Nam, chỉ cần một quy trình thủ tục rất rõ ràng, mạch lạc. Thế nhưng, từ sau năm 2016 khi Luật Đầu tư sửa đổi, doanh nghiệp bắt buộc phải có thêm thủ tục giấy chứng nhận đầu tư.
Như vậy, những hãng ra đời sau 2016 sẽ phải có hai loại giấy tờ: một là giấy phép kinh doanh vận tải hàng không theo Luật Hàng không, hai là giấy chứng nhận đầu tư mà về bản chất, đây là giấy cấp phép đầu tư.
“Cả hai thủ tục hành chính trên, gồm một theo Luật Hàng không và một theo Luật Đầu tư, đều phải trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tức doanh nghiệp phải trình lên Thủ tướng Chính phủ đến hai vòng để cho ra đời một hãng hàng không mới. Điều này là bất hợp lý!”, ông Nam nêu nhận định.
Cụ thể, các hãng hàng không như VietJet, Vietnam Airlines hay Pacific Airlines chỉ có giấy phép kinh doanh vận tải hàng không trong khi Vietravel Airlines, Bamboo Airways là những hãng bay mới tham gia thị trường từ sau 2016, thì phải có cả giấy phép kinh doanh vận tải hàng không và giấy chứng nhận đầu tư.
Theo ông Nam, việc có thêm giấy chứng nhận đầu tư không giúp các hãng hàng không tư nhân có thêm lợi thế nào trên thị trường nhưng đây chính là vòng kim cô, hạn chế sức hấp dẫn của ngành hàng không khi kêu gọi nhà đầu tư tư nhân tham gia vào lĩnh vực này. Nguyên nhân là doanh nghiệp bị hạn chế thời gian đầu tư chỉ trong vòng 50 năm.
“Chưa kể, mỗi khi hãng bay có nhu cầu thay đổi, ví dụ như chuyển đổi quy mô đội máy bay… thì lại phải thực hiện hàng loạt thủ tục hành chính, trong khi những doanh nghiệp thành lập theo Luật Doanh nghiệp thì không cần phải điều chỉnh gì”, ông Nam nhấn mạnh.
Để giải quyết vấn đề này, bà Trịnh Thị Hương cho rằng, tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế là điều kiện tiên quyết để các hãng hàng không tư nhân có thể tham gia và phát triển thực chất.
“Điều này cần hành động khẩn trương, vì thời cơ không chờ đợi!”, bà Hương nói.
Theo bà Hương, gần đây nhất, Nghị quyết 68 khẳng định không phân biệt đối xử giữa các thành phần kinh tế khi tiếp cận nguồn lực đầu tư được xem là bước tiến quan trọng.
Nghị quyết 68 ra đời là một bước đột phá rất lớn về tư duy, về chính sách, tạo ra một động lực và khuôn khổ pháp lý, thậm chí khẳng định tầm nhìn và quan điểm cấp cao nhất của Đảng và Nhà nước về phát triển kinh tế tư nhân.
“
Việc tháo gỡ những điểm nghẽn thể chế cần khẩn trương, vì thời cơ không chờ đợi!
Bà Trịnh Thu Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp tư nhân và kinh tế tập thể, Bộ Tài chính
Trong đó, Nghị quyết 68 đã khẳng định rất rõ một quan điểm vô cùng quan trọng, là bảo đảm khu vực kinh tế tư nhân được bình đẳng trong tiếp cận cơ hội kinh doanh và các nguồn lực, không chỉ là nguồn lực tài chính, mà cả cơ hội kinh doanh, đất đai, công nghệ, dữ liệu và các nguồn lực hợp pháp khác…
Trên thực tế, hàng không là ngành đầu tư kinh doanh có điều kiện, đòi hỏi vốn rất lớn, yêu cầu công nghệ cao, kỹ thuật cao, quản trị chuyên sâu, và phải có tư duy chiến lược ở mức độ cao.
“Do đó, khi có được các cải cách thể chế mạnh mẽ như Nghị quyết 68 đưa ra, tôi tin rằng sẽ mở ra cơ hội rất lớn cho khu vực kinh tế tư nhân, đặc biệt là trong hàng không”, bà Hương khẳng định.