Air One rút ngắn khoảng cách giữa công nghệ và người dùng
Air One đang hướng tới cả phiên bản không người lái và có người lái, phục vụ bay cá nhân và vận chuyển hàng nhẹ.
Nhà sản xuất eVTOL Air đang tiến gần hơn tới việc thương mại hóa cả hai phiên bản có người lái và không người lái của mẫu máy bay Air One. Gần đây, hãng đã mở rộng thử nghiệm bay, đồng thời ký thỏa thuận với tập đoàn kỹ thuật EDAG – đơn vị sẽ cung cấp các cấu trúc khí động học chính cho các phiên bản sản xuất hàng loạt.
EDAG đã bàn giao những bộ kết cấu đầu tiên sử dụng vật liệu cấp hàng không vũ trụ và quy trình sản xuất tiên tiến từ ngành ô tô. Dự kiến vào tháng 9, Air sẽ khai trương cơ sở sản xuất mới tại Israel, bổ sung cho dây chuyền hiện tại tại Texas (Mỹ).
Mẫu Air One vừa được cải tiến với cánh và cánh tay gập, hỗ trợ 8 động cơ điện, cho phép cất gọn vào container 6m hoặc kéo bằng ô tô gầm cao hoặc xe tải nhỏ. Dung tích khoang hàng cũng được mở rộng lên khoảng 2 mét khối.
Dù cabin không tăng diện tích, nhà sáng lập kiêm CEO Rani Plaut khẳng định không gian bên trong thoải mái hơn nhiều mẫu máy bay hai chỗ truyền thống.

Đẩy mạnh ứng dụng không người lái trong hậu cần
Từ tháng 5, Air đã tiến hành bay đêm với phiên bản chở hàng không người lái, được cấp chứng nhận bay thử từ nhà chức trách Israel. Khách hàng đầu tiên dự kiến sẽ triển khai 12 máy bay tại các vùng hẻo lánh ngay cuối năm nay. Những thử nghiệm này giúp đội ngũ Air tích lũy dữ liệu và hướng dẫn thao tác thực tế cho nhân viên hậu cần chưa từng vận hành UAV.
Air One bắt đầu bay thử nghiệm từ năm 2022 và nhanh chóng thu hút sự quan tâm từ cả lĩnh vực quốc phòng lẫn logistics. Do phần lớn chức năng đã được tự động hóa, công ty ưu tiên triển khai các trường hợp sử dụng không người lái trong giai đoạn đầu.
Hướng tới FAA và khách hàng tư nhân
Air đã giao chiếc máy bay đầu tiên vào năm 2023, sau đó bán thêm 15 chiếc và đã giao hai chiếc trong số đó. Công ty đặt mục tiêu giao thêm 10 chiếc trong năm nay và 5 chiếc nữa vào năm 2026, khi kỳ vọng đạt chứng nhận theo chương trình Mosaic – một quy định mới của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA) dành cho máy bay thể thao hạng nhẹ, giúp đẩy nhanh tiến trình thương mại hóa.
Hiện có khoảng 2.500 khách hàng tại Mỹ đăng ký chờ mua phiên bản có người lái. Trong đó, khoảng 70% chưa từng có kinh nghiệm bay. Air kỳ vọng công nghệ tự động hóa sẽ “xóa bỏ rào cản” kỹ thuật trong hàng không tư nhân. Các phi công chỉ cần nhập lệnh vào máy tính bay – hệ thống sẽ xử lý điều hướng và năng lượng tự động.