Tàu bay

Nga chào bán Su-35 kèm Su-57 giá hời cho Ấn Độ, Pháp 'nóng mặt'

Yên Du 10/07/2025 07:10

Nga mới đây đã chào bán Su-35 kèm Su-57 đi kèm với các điều khoản hấp dẫn như nội địa hóa sâu rộng, chuyển giao công nghệ và tiến độ bàn giao nhanh...

Lời đề nghị rất hấp dẫn

Có vẻ như Nga vẫn chưa từ bỏ nỗ lực bán các tiêm kích Su-57 và Su-35S cho Ấn Độ. Lần này, Moscow không chỉ chào bán bản thân máy bay mà còn đi kèm với các điều khoản hấp dẫn như nội địa hóa sâu rộng, chuyển giao công nghệ và tiến độ bàn giao nhanh chóng nhằm đáp ứng nhu cầu quốc phòng cấp bách của New Delhi.

Tiem kich su-57 Nga
Tiêm kích su-57. Ảnh: iz.ru

Theo trang Defence Blog, Nga đã đề xuất khởi động dây chuyền sản xuất Su-57E tại nhà máy của Tập đoàn Hindustan Aeronautics Limited (HAL) ở Nashik, nơi từng lắp ráp hơn 220 tiêm kích Su-30MKI theo giấy phép.

Đề nghị này bao gồm quyền truy cập mã nguồn phần mềm và mức độ nội địa hóa 40–60%, một mức độ hiếm thấy về độ hào phóng.

Một thỏa thuận như vậy sẽ cho phép tích hợp các hệ thống và vũ khí do Ấn Độ tự phát triển như tên lửa không-đối-không Astra, tên lửa chống bức xạ Rudram và radar mảng pha chủ động AESA như Virupaksha.

Tập đoàn Rostec tuyên bố rằng các cải tiến này, cùng với chuyển giao công nghệ trong lĩnh vực động cơ, tàng hình và hàng không điện tử, hoàn toàn phù hợp với sáng kiến "Make in India", và có thể hỗ trợ sự phát triển của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm nội địa của Ấn Độ.

Về tiến độ bàn giao hàng, Nga hứa sẽ cung cấp 20–30 chiếc Su-57E đầu tiên trong vòng 3–4 năm, một khung thời gian khá nhanh theo tiêu chuẩn quốc tế.

Điều này cho thấy Moscow có thể sử dụng năng lực sản xuất hiện tại để phục vụ xuất khẩu, do hiện không có đơn hàng nước ngoài cạnh tranh nào, ngoại trừ các cam kết nội địa.

Tổng đơn hàng dự kiến từ 70 đến 100 chiếc có thể hoàn tất vào đầu những năm 2030.

Su-57 Nga
Su-57 tại xưởng sản xuất. Ảnh: Defense Express

Su-57E là phiên bản xuất khẩu của Sukhoi Su-57 (tên mã NATO: Felon), một máy bay chiến đấu tàng hình đa nhiệm thế hệ thứ năm do Công ty Sukhoi của Nga phát triển. Tên mã nội bộ là T-50 (nguyên mẫu) và PAK FA (Perspektivnyi Aviatsionnyi Kompleks Frontovoi Aviatsyi – Tổ hợp Hàng không Tương lai cho Không quân Chiến thuật).

Được thiết kế để cạnh tranh với các tiêm kích thế hệ thứ năm của Mỹ như F-22 Raptor và F-35 Lightning II, Su-57E có khả năng tàng hình, siêu cơ động, và thực hiện các nhiệm vụ đa dạng như không chiến, tấn công mặt đất, và trấn áp phòng không đối phương.

Chương trình Su-57 bắt đầu từ năm 2002, với chuyến bay thử đầu tiên của T-50 vào năm 2010. Phiên bản xuất khẩu Su-57E được phê chuẩn bởi Tổng thống Nga vào tháng 11/2019 và lần đầu tiên xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Dubai 2019.

Su-57 từng được triển khai ngắn ngày tại Syria để kiểm tra các hệ thống điện tử vô tuyến và khả năng tàng hình. Tuy nhiên, lớp sơn tàng hình không chịu được khí hậu khắc nghiệt, dẫn đến việc Nga rút máy bay về để cải tiến. Dữ liệu từ Syria đã giúp Nga điều chỉnh thiết kế, tăng sức hấp dẫn cho phiên bản xuất khẩu Su-57E.

Tại chiến trường Ukraine, Su-57 đã thể hiện hiệu suất ấn tượng trong xung đột, tham gia các nhiệm vụ như trấn áp phòng không, không chiến, và tấn công chính xác.

Ngoài ra, Su-57E đã xuất hiện tại Triển lãm Hàng không Chu Hải (Trung Quốc, tháng 11/2024) và Aero India (tháng 2/2025), thu hút sự chú ý nhờ khả năng cơ động và các động tác nhào lộn.

Vào tháng 11/2024, Rosoboronexport công bố hợp đồng xuất khẩu đầu tiên cho Su-57E tại Triển lãm Hàng không Chu Hải, nhưng không tiết lộ danh tính khách hàng. Các quốc gia tiềm năng bao gồm Algeria, Ấn Độ, và một quốc gia Đông Nam Á.

Nga tuyên bố chi phí cho 120 Su-57 và 1.400 UCAV S-70 Okhotnik chỉ khoảng 25 tỷ USD, so với 150 tỷ USD cho 1.500 F-35 của Mỹ. Chi phí thấp sẽ là một lợi thế cạnh tranh đáng kể cho triển vọng xuất khẩu Su-57E của Nga.

Thách thức cạnh tranh với tiêm kích Rafale Pháp

Dù lời đề nghị từ Nga nghe rất hấp dẫn với việc sản xuất trong nước, vẫn tồn tại nhiều lo ngại về tính khả thi của những cam kết này.

Trước đây, Ấn Độ đã rút khỏi chương trình phát triển Su-57 vào năm 2018, với lý do máy bay không đáp ứng các tiêu chuẩn của tiêm kích thế hệ thứ năm. Dù vậy, Nga vẫn trưng bày Su-57E tại triển lãm Aero India vào tháng 2/2025.

Su-57 của Nga
Su-57 đã thể hiện hiệu suất ấn tượng trong xung đột Nga-Ukraine. Ảnh: Defense Express

Một thách thức lớn khác là các lệnh trừng phạt, vốn có thể làm gián đoạn chuỗi cung ứng linh kiện và bảo trì. Thực tế, vào năm 2018, có đến 40% phi đội Su-30MKI của Ấn Độ bị báo cáo là không hoạt động do thiếu phụ tùng.

Mũi nhọn trong đề nghị của Nga có thể là động cơ “AL-51F1” thế hệ tiếp theo đang được phát triển cho Su-57. Rostec giới thiệu chúng như một hướng nâng cấp tiềm năng cho phi đội Su-30 hiện tại của Ấn Độ. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có mô hình và một vài nguyên mẫu thử nghiệm hạn chế, trong khi thời gian hoàn thiện động cơ này đã bị hoãn đến năm 2027.

Về phần Su-35S, Nga đang chào bán dòng máy bay này cho chương trình đấu thầu MRFA của Ấn Độ, vốn yêu cầu 117 tiêm kích đa năng. Moscow tuyên bố có thể bàn giao từ 36–40 chiếc trong vòng 2–3 năm.

Con số này khiến giới chuyên gia nghi ngờ, vì theo ước tính, Nga chỉ sản xuất khoảng 6–12 chiếc Su-35S mỗi năm cho chính quân đội nước mình. Điều này hoặc cho thấy Nga có năng lực sản xuất chưa được tận dụng, hoặc là một lời hứa phóng đại. Có thể là cả hai.

Dù vậy, lời đề nghị của Nga đang phải đối mặt với sự cạnh tranh khốc liệt. Ấn Độ đang tích cực mua sắm thêm tiêm kích Rafale từ Pháp, kèm theo điều kiện lắp ráp trong nước. Các máy bay Rafale thường được đánh giá là vượt trội hơn Su-35S, và có thể mang tên lửa không-đối-không tầm xa Meteor.

Một luận điểm phản biện là hiệu suất được cho là kém hiệu quả của tiêm kích Pháp trong các trận không chiến với Pakistan, điều này có thể khiến tiêm kích Nga trở nên hấp dẫn hơn trong mắt Ấn Độ.

Tuy vậy, triển vọng thành công của Nga tại Ấn Độ vẫn chưa rõ ràng, ngoài thỏa thuận có được tại Triển lãm Hàng không Chu Hải.

Yên Du