Lý do sân bay quốc tế Cần Thơ chỉ khai thác vài đường bay nội địa
Dù là một trong những sân bay quốc tế lớn của khu vực ĐBSCL, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ vẫn chỉ khai thác số lượng chuyến bay hạn chế, chủ yếu nội địa và theo mùa vụ.

Trong bối cảnh nhiều sân bay địa phương đang tăng tốc phục hồi sau đại dịch, câu chuyện của Cần Thơ đặt lại vấn đề cũ về sự tương thích giữa hạ tầng hàng không và năng lực phát triển du lịch vùng.
Sân bay hiện đại, số chuyến bay vẫn “èo ọt”
Được đầu tư nâng cấp, khánh thành đưa vào sử dụng từ năm 2011, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ là sân bay quốc tế trọng điểm của khu vực Tây Nam Bộ.
Đây là một trong ba sân bay quốc tế lớn ở miền Nam (bên cạnh Tân Sơn Nhất và Phú Quốc), với công suất thiết kế đạt 3 – 5 triệu hành khách/năm, khả năng tiếp nhận các loại tàu bay thân rộng như Airbus A330 hay Boeing 787.
.png)


Trước đó, sân bay này đã được cải tạo, nâng cấp từ sân bay Trà Nóc với đường cất hạ cánh được mở rộng và nhà ga hành khách mới được xây dựng. Việc nâng cấp này đã giúp sân bay Cần Thơ có khả năng tiếp nhận các loại máy bay lớn hơn và phục vụ lượng khách hàng ngày càng tăng.
Mặc dù có nhà ga hiện đại, khu bay rộng và có thể khai thác cả ban ngày lẫn ban đêm, song thực tế, sân bay Cần Thơ vẫn hoạt động cầm chừng.
Theo thống kê từ Cục Hàng không Việt Nam, sân bay Cần Thơ hiện chỉ có vài đường bay nội địa thường lệ, chủ yếu đi TP.HCM, Hà Nội, Đà Nẵng và một số chuyến thuê bao (charter) trong mùa du lịch đến Đà Lạt, Côn Đảo hay Thanh Hóa.
Trong khi đó, các đường bay quốc tế từng khai thác trước đây như Cần Thơ – Bangkok, Cần Thơ – Kuala Lumpur hay Cần Thơ – Đài Bắc đều đã bị tạm dừng vô thời hạn.



Tại buổi họp mặt kỷ niệm 65 năm Ngày Du lịch Việt Nam (9/7/1960 – 9/7/2025) tổ chức chiều 8/7, ông Trương Văn Vinh, Giám đốc Công ty Ido Travel Cần Thơ cho rằng, sân bay Cần Thơ được đầu tư tốt, nhưng hiện nay chỉ có 6 chuyến bay từ Cần Thơ đến Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Đà Nẵng, Côn Đảo, Phú Quốc.
Ông Vinh thẳng thắn nhìn nhận, một sân bay quốc tế mà chỉ có một vài chuyến bay nội địa/ngày thì rất khó để nói đến tính kết nối hay phát triển du lịch.
Theo đó, tình trạng "sân bay to – chuyến bay ít" đang làm giảm đáng kể sức hấp dẫn của du lịch địa phương và lãng phí tiềm năng đầu tư công.
Du lịch chưa đủ lực kéo, hàng không khó bứt phá
Trao đổi với Tạp chí Hàng không, một chuyên gia trong lĩnh vực hàng không cho biết, nhiều năm qua, sân bay Cần Thơ được ngành hàng không tạo điều kiện, thu hút các chuyến bay cả nội địa lẫn quốc tế đến.
Thời điểm trước đại dịch Covid-19, sân bay Cần Thơ cũng đã có một số đường bay quốc tế do Vasco phối hợp với Vietnam Airlines khai thác, một số hãng hàng không của Malaysia cũng từng mở đường bay đến Cần Thơ, đưa khách quốc tế đến ĐBSCL thông qua cửa ngõ này.
Tuy vậy, đến nay, sân bay Cần Thơ không còn đường bay quốc tế thường lệ nào, các đường bay nội địa cũng khá hạn chế. Nguyên nhân, theo vị này, là sự phát triển chưa tương xứng của các sản phẩm du lịch.
“Khách bay đến Cần Thơ nhưng không trả lời được câu hỏi ngủ nghỉ ở đâu, ăn gì, chơi gì…? ĐBSCL rất đa dạng về ẩm thực nhưng các sản phẩm du lịch thì còn hạn chế, du lịch đêm hầu như cũng không có gì”, vị này chia sẻ.

So với các điểm đến như Đà Nẵng, Nha Trang hay Phú Quốc, vốn có sản phẩm du lịch đặc thù, dịch vụ hoàn thiện và lượng khách quốc tế lớn, thì Cần Thơ vẫn đang ở giai đoạn đầu của quá trình định hình thương hiệu điểm đến.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Điệp - Phó Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ, nhìn nhận những ý kiến của doanh nghiệp lữ hành, đặc biệt ý kiến của ông Vinh là "xác đáng", lãnh đạo ngành du lịch và lãnh đạo thành phố đã thấy.
"Như hiện nay sân bay Cần Thơ là sân bay quốc tế nhưng hạn chế chuyến bay, có nhiều nguyên nhân. Đây cũng là trăn trở và thành phố mong muốn mở nhiều chuyến bay nhưng còn phụ thuộc nhiều yếu tố, không phải mong muốn là một sớm một chiều đạt được", bà Điệp chia sẻ.
Trong khi đó, tại hội nghị tổng kết công tác du lịch năm 2024 và triển khai nhiệm vụ năm 2025 tổ chức hồi giữa tháng 2 vừa qua, Ban Chỉ đạo phát triển du lịch TP Cần Thơ cho biết một trong những hạn chế, khó khăn của du lịch thành phố là việc khai thác các đường bay tại Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ còn hạn chế về công suất.
Khi Hãng hàng không Bamboo ngừng khai thác đường bay đến Cần Thơ từ tháng 11/2023, hiện chỉ còn hai hãng hàng không (Vietjet và Vietnam Airlines) khai thác 6 - 7 đường bay nội địa từ Cần Thơ đi Hà Nội, Đà Nẵng, Hải Phòng, Vinh, Đà Lạt, Phú Quốc và Côn Đảo.
Ngoài ra, trong năm 2024, sân bay này chỉ khai thác hai đường bay quốc tế đi Hàn Quốc và Đài Loan. Do đó sản lượng vận chuyển năm 2024 đạt 6.495 lần cất, hạ cánh (giảm 28%), phục vụ hơn 1,3 triệu lượt khách (giảm 25% so với cùng kỳ năm 2023).
Số liệu của Cục Hàng không Việt Nam ngày 9/7 cũng cho biết, trong 6 tháng đầu năm 2025, Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ thực hiện 3.671 lượt cất cánh nội địa, tăng 25% so với cùng kỳ 2024, phục vụ 557.600 hành khách và hơn 3.800 tấn hàng hóa. Tuy nhiên, không có lượt cất cánh quốc tế nào được thực hiện tại sân bay Cần Thơ trong nửa đầu năm 2025.
Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch TP Cần Thơ, trong 6 tháng đầu năm 2025, địa phương đón khoảng 4,3 triệu lượt khách du lịch, tăng so với cùng kỳ nhưng vẫn chủ yếu là khách nội địa, lưu trú ngắn ngày, đi bằng đường bộ.
Du lịch sinh thái miệt vườn, chợ nổi Cái Răng hay các lễ hội đặc trưng vùng sông nước tuy hấp dẫn nhưng chưa đủ sức giữ chân khách quốc tế dài ngày. Trong khi, đây là yếu tố then chốt để duy trì các đường bay quốc tế đều đặn.
Một vấn đề khác là thiếu tính liên kết vùng, khiến sân bay Cần Thơ không thể trở thành cửa ngõ hàng không cho toàn vùng Tây Nam Bộ. Với 6 tỉnh, thành với diện tích tự nhiên rộng lớn (trước đây là 13 tỉnh, thành) nhưng hạ tầng kết nối đường bộ, đường thủy chưa đủ mạnh, lượng khách có nhu cầu bay vẫn dồn về sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM) – cách Cần Thơ khoảng 170km.
Mặt khác, mức sống và năng lực chi tiêu cho hàng không của người dân trong vùng còn thấp, khiến các hãng hàng không khó duy trì đường bay nếu không có chính sách kích cầu rõ ràng.
Trong khi đó, theo các doanh nghiệp lữ hành, chính sách hỗ trợ hãng bay và tour khai thác sân bay Cần Thơ gần như chưa có, hoặc nếu có thì chỉ mang tính thời vụ.
Việc chưa xây dựng được hệ sinh thái du lịch – hàng không đồng bộ đang khiến sân bay này thiếu cả đầu ra và đầu vào, khiến các hãng bay phải tính toán lại hiệu quả khai thác.
Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ được thiết kế và trang bị hệ thống đèn hiệu cất hạ cánh ban đêm đạt chuẩn ICAO, cho phép hoạt động 24/7.
Sân bay có đèn chiếu sáng đường băng, đèn tiếp cận, hệ thống PAPI, ALS..., đảm bảo khả năng hạ cánh an toàn trong điều kiện tầm nhìn kém hoặc vào ban đêm.
Trước đại dịch Covid-19, sân bay Cần Thơ đã từng khai thác các chuyến bay quốc tế vào ban đêm như các chuyến bay từ Đài Bắc (Taiwan) hoặc Kuala Lumpur (Malaysia) đến Cần Thơ...