Khách bay

Lỡ chuyến vì đặt vé qua ứng dụng trung gian, nữ hành khách khóc gần 2 giờ ở sân bay

K.Linh 08/07/2025 14:47

Nữ hành khách khóc gần 2 tiếng ở sân bay Tân Sơn Nhất khi bị lỡ chuyến bay ra Hà Nội, nguyên nhân được cho là do đặt vé qua ứng dụng.

Bắt 2 chuyến xe đi về giữa T1 và T3

Chị T.D. (ở Hà Nội) mới có một trải nghiệm không vui khi bay từ TP.HCM ra Hà Nội.

Cụ thể, chị T.D. vào ứng dụng ZaloPay và đặt vé máy bay từ TP.HCM ra Hà Nội vào ngày 18/6. Thông tin chuyến bay ghi rõ giờ cất cánh là 4h55 (sáng), bay đến Hà Nội, hãng hiển thị trên ứng dụng là Vietnam Airlines, có hiện logo của hãng.

lo-chuyen-bay.jpg
Thông tin phản ánh của chị T.D. khi mua vé máy bay qua ứng dụng ZaloPay

Đến ngày khởi hành (18/6), 4 giờ sáng, chị T.D. có mặt tại nhà ga T1, sân bay Tân Sơn Nhất và nhận được thông báo: Vietnam Airlines đã chuyển sang nhà ga T3.

Ngay lập tức, chị D. vội vàng đặt xe di chuyển sang nhà ga T3 cách đó khoảng 3km. Đến 4h14, chị D. đến T3, vừa kịp giờ check-in.

lo-chuyen-bay2.jpg
Thông báo của Vietnam Airlines đã chuyển hoạt động sang nhà ga T3.

"Tim tôi đập thình thịch vì lo lắng lỡ chuyến. Nhưng khi đến quầy làm thủ tục, nhân viên thông báo cho tôi một tin như sét đánh ngang tai: Vé máy bay của tôi là vé của hãng Pacific Airlines, không phải Vietnam Airlines. Do đó, tôi phải quay lại T1 để làm thủ tục”, chị T.D. cho biết.

Nghe đến đó chị D. thấy mình đứng không vững, cơn hoảng loạn đến ngay lập tức, tim đập nhanh, mồ hôi vã ra như tắm.

Chị D. cho biết, lúc đó chị muốn khóc và quỳ sụp xuống sàn. Nhưng chị vẫn cố gắng đứng vững và kéo vali đi gọi xe lần nữa, với hi vọng mong manh rằng, biết đâu còn kịp.

Sau đó, chị D. bắt xe quay lại nhà ga T1 lúc 4h37 nhưng chị đã không kịp giờ làm thủ tục lên máy bay.

“Tôi ngồi khóc như mưa suốt gần 2 tiếng giữa sân bay vì hoảng loạn, bẽ bàng, mệt mỏi và thiếu ngủ. Tôi đã bắt 2 chuyến xe để đi từ T1 đến T3 và ngược lại, chạy đôn đáo, mồ hôi mướt mải và phải mua lại vé mới với giá gần 3 triệu đồng. Sau đó, tôi phải đợi thêm gần 10 tiếng đồng hồ ở sân bay để bay chuyến mới (lúc 16h). Chưa kể thời gian di chuyển đi và về sân bay thêm gần 2 tiếng đồng hồ’’, chị T.D. chia sẻ.

lo-chuyen-bay4.jpg
Theo chị D. quá trình tiếp nhận phản ánh của khách hàng và phản hồi lại của Zalopay rất thiếu chuyên nghiệp, chậm trễ

Không ai chịu trách nhiệm

Sau khi sự việc xảy ra, chị T.D. có gửi email tường trình sự việc. Trong email chị D. có nêu rõ, lý do chị bị trễ chuyến bay là do thiếu thông tin từ Zalopay.

Tuy nhiên, sau nhiều lần email và gọi điện đến tổng đài, thông tin phản hồi mà chị D. nhận được từ Zalopay chỉ là đang trong quá trình xử lí và cũng không hẹn ngày có kết quả.

Chị D. cho rằng, quá trình tiếp nhận phản ánh của khách hàng và phản hồi lại của Zalopay rất thiếu chuyên nghiệp, chậm trễ.

lo-chuyen-bay3.jpg
Chị D. phản ánh trên trang cá nhân, chuyến đi từ nhà gà T1 sang T3 chỉ khoảng 24.000 đồng nhưng tài xế "chém" hành khách 100.000 - 200.000 đồng. (Ảnh chụp màn hình)

Khi chị D. nói sẽ có phương án gay gắt hơn, sau 2 tuần xảy ra sự việc, ZaloPay phản hồi lại chị D. với nội dung đẩy trách nhiệm cho Vietnam Airlines.

Chị D. lại liên hệ Vietnam Airlines thì được phản hồi rằng, email xác nhận đã ghi rõ chuyến bay được tổ chức bởi Pacific Airlines.

Nhưng chị D. cho biết, lúc mua vé xong, chị không nhận được bất kỳ thông tin nào từ ứng dụng về lịch trình chuyến bay Pacific Airlines.

"Cứ như vậy mọi việc kết thúc, một dòng gạch đỏ và không ai chịu trách nhiệm”, chị T.D. bức xúc nói.

Chị D. cũng nhấn mạnh: "Sự việc xảy ra lần này là bởi tôi đã tin tưởng 100% thông tin trên app Zalopay đã được ghi đầy đủ. Đó cũng là sai lầm của tôi”.

Tuy nhiên, chị D. cũng bày tỏ sự thất vọng về ứng dụng ZaloPay. Chị cho biết, bản thân chị đã từng tin tưởng và đã sử dụng ứng dụng này từ năm 2022, dùng để thanh toán điện, nước, dùng voucher, tiết kiệm tiền hàng tháng… gần như tất cả dịch vụ trong sinh hoạt.

Một người quen đã gợi ý chị thử đặt vé máy bay qua ZaloPay và đây là lần đầu tiên chị D. sử dụng. “Nhưng trải nghiệm nhận được thì thật kinh khủng: thông tin thiếu nghiêm trọng, thái độ hỗ trợ khách hàng thiếu trách nhiệm. Tôi vẫn giữ một niềm tin mong manh rằng ZaloPay là một công ty lớn, có uy tín và sẽ giải quyết thỏa đáng. Nhưng tôi đã nhầm. Tôi sẽ rút hết tiền và xóa app”, chị T.D. nói.

Chèo kéo khách với giá đắt đỏ

Không chỉ bị lỡ chuyến bay, chị T.D. còn gặp phải trải nghiệm không tốt khi di chuyển từ nhà ga T1 sang T3 và ngược lại.

Chị D. cho biết, trong thời gian chờ đặt xe từ T1 sang T3, chị nhận được nhiều lời mời từ các tài xế ở khu vực nhà gà T1 với mức giá 100.000 đồng/chuyến cho quãng đường khoảng 3km.

Ở chiều ngược lại, khi phải di chuyển từ T3 về T1 (vẫn khoảng cách đó), vì thấy chị D. lao ra ngoài vội vã cho kịp chuyến bay nên nhiều tài xế báo giá 150.000 – 200.000 đồng/chuyến.

Chị D. cho biết thêm, nhiều tài xế lợi dụng việc hành khách đang trong tình trạng vội vàng, lỡ chuyến mà chèo kéo khách với giá rất đắt.

“Có một hành khách nữ đi cùng tôi cũng bị chèo kéo 100.000 - 200.000 đồng/chuyến cho quãng đường 3km. Tôi thật sự không hiểu quản lý sân bay đang ở đâu và làm gì trong khi có quá nhiều trường hợp bị trục lợi kiểu này” – Chị T.D. bày tỏ.

Để tránh bị “chặt chém”, chị T.D. khuyên những hành khách khác nên cẩn thận. Nếu mọi người có nhu cầu di chuyển sang T3 thì nên đặt xe trên app Be hoặc Grab.

Trước những sự việc xảy ra với bản thân mình, chị T.D. cũng cảnh báo mọi người khi mua vé máy bay nên đặt từ đại lí chính hãng. Mọi người cần suy nghĩ kỹ trước khi đặt trên ứng dụng để tránh gặp phải sự cố như chị, làm ảnh hưởng đến lịch trình bay, công việc và tốn thời gian, tiền bạc.

Phản hồi của Zalopay

Ngay sau khi nhận được phản ánh từ hành khách T.D., phóng viên Tạp chí Hàng không đã liên hệ với ZaloPay để xác minh thông tin.

Trả lời về vấn đề này, đại diện ZaloPay cho biết, Zalopay ghi nhận thông tin được chia sẻ trên mạng xã hội liên quan đến trải nghiệm không mong muốn của một khách hàng trong hành trình bay ngày 18/6.

“Chúng tôi rất lấy làm tiếc khi sự việc đã ảnh hưởng đến kế hoạch di chuyển của quý khách. Sau khi xác minh, trường hợp liên quan đến một giao dịch đặt vé máy bay thuộc hệ thống Vietnam Airlines Group qua ứng dụng Zalopay vào ngày 28/05, với chuyến bay khởi hành vào ngày 18/06”, đại diện ZaloPay thông tin.

Đại diện ZaloPay thông tin thêm, hiện nay, dịch vụ đặt vé máy bay trên ứng dụng Zalopay được kết nối trực tiếp với hệ thống của Vietnam Airlines Group, cho phép người dùng đặt vé cho các chuyến bay do Vietnam Airlines, Pacific Airlines và Vasco khai thác.

Trong quá trình đặt vé, thông tin về hãng bay và đơn vị khai thác luôn được hiển thị rõ ràng. Ví dụ như, với các chuyến bay do Pacific Airlines vận hành, ứng dụng sẽ ghi rõ tên chuyến bay thuộc Vietnam Airlines, đồng thời kèm chú thích “Được khai thác bởi Pacific Airlines” để khách hàng dễ dàng nhận biết.

zalo 1
Thông tin chuyến bay được hiển thị trên ứng dụng Zalopay trong quá trình đặt vé. Ảnh chụp màn hình

Đại diện ZaloPay cũng cho biết, sau khi hoàn tất giao dịch, hệ thống của hãng hàng không cũng sẽ gửi email xác nhận đến khách hàng. Email có đính kèm vé điện tử, nội dung ghi rõ thông tin như: mã chuyến bay, hãng khai thác, nhà ga khởi hành, quy định về hành lý và các lưu ý quan trọng trước chuyến đi.

zalo 2
Hình ảnh một phần nội dung vé điện tử (Electronic Ticket) do Vietnam Airlines Group gửi đến khách hàng sau khi đặt vé thành công qua Zalopay. Ảnh chụp màn hình

“Chúng tôi cũng rất mong quý khách dành thời gian kiểm tra kỹ các thông tin về chuyến bay trước thời gian khởi hành, để đảm bảo hành trình diễn ra trọn vẹn và suôn sẻ”, đại diện ZaloPay cho biết.

Hình thức vé liên doanh Vietnam Airlines và Pacific Airlines

Trong những năm gần đây, hình thức chuyến bay liên danh (codeshare) giữa Vietnam Airlines và Pacific Airlines ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trên các tuyến bay nội địa có mật độ hành khách cao.

Codeshare là mô hình hợp tác giữa hai hãng hàng không, trong đó một hãng (Vietnam Airlines) bán vé với mã số hiệu của mình, nhưng chuyến bay thực tế lại do hãng khác (Pacific Airlines) vận hành. Trong trường hợp này, hành khách đặt vé mang mã hiệu “VNxxx” sẽ bay trên máy bay của Pacific Airlines. Điều này được ghi rõ trên vé với dòng chú thích “Operated by Pacific Airlines”, giúp hành khách nhận biết.

Khi đặt vé qua ứng dụng chính thức của Vietnam Airlines, hệ thống sẽ hiển thị thông tin chuyến bay và ghi rõ “Khai thác bởi Pacific Airlines” nếu là chuyến bay liên danh.

Tuy nhiên, nhiều hành khách vẫn có thể nhầm lẫn khi đặt vé qua các nền tảng trung gian như ZaloPay, Traveloka, Agoda hay các trang đại lý vé điện tử, nơi mà thông tin về hãng vận hành đôi khi chỉ xuất hiện ở phần chi tiết chuyến bay. Việc đọc kỹ thông tin trước khi thanh toán là cần thiết để tránh hiểu nhầm và có sự chuẩn bị phù hợp cho chuyến đi.

Ưu điểm lớn nhất của các chuyến bay liên danh này là mức giá rẻ hơn đáng kể so với vé do Vietnam Airlines trực tiếp khai thác, thường chênh lệch từ 200.000 - 300.000 đồng mỗi lượt bay. Tuy nhiên, hành khách vẫn được hưởng phần lớn quyền lợi như khi bay Vietnam Airlines, bao gồm nước uống miễn phí, quyền tích lũy dặm trong chương trình Bông Sen Vàng và tiêu chuẩn hành lý ký gửi từ 23 đến 32 kg tùy loại vé.

Điểm khác biệt đáng lưu ý là hành lý xách tay chỉ được phép mang 7 kg thay vì 12 kg như trên các chuyến bay thuần Vietnam Airlines. Ngoài ra, một số hạng vé giá rẻ như Super Saver sẽ không bao gồm hành lý ký gửi và cần mua thêm nếu có nhu cầu.

Các tuyến bay phổ biến áp dụng hình thức liên danh bao gồm Hà Nội – TP.HCM, Hà Nội – Đà Nẵng, TP.HCM – Thanh Hóa, Vinh, Buôn Ma Thuột, Phú Quốc và nhiều điểm đến khác trên khắp cả nước. Tại sân bay, hành khách cần đặc biệt chú ý tới khu vực làm thủ tục.

Dù vé mang mã của Vietnam Airlines, nếu chuyến bay do Pacific Airlines khai thác, việc check-in sẽ diễn ra tại quầy Pacific Airlines, nằm trong cùng nhà ga quốc nội nhưng ở khu vực khác so với quầy của Vietnam Airlines. Tại TP.HCM, các tuyến bay của Vietnam Airlines thường được phục vụ ở nhà ga T3, trong khi các hãng khác được phục vụ tại nhà ga T1.

Hiểu rõ bản chất của chuyến bay liên danh và biết cách phân biệt sẽ giúp hành khách có trải nghiệm suôn sẻ, đồng thời tận dụng được ưu đãi từ các lựa chọn giá rẻ mà không ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ.

Theo tìm hiểu của phóng viên Tạp chí Hàng không, hiện có nhiều ứng dụng đặt vé máy bay trực tuyến giúp hành khách có thể dễ dàng tìm kiếm, so sánh và đặt vé máy bay giá rẻ.

dat-ve-may-bay.png
Một ứng dụng đặt vé máy bay trực tuyến gửi thông báo xác nhận đặt vé thành công cho hành khách

Các ứng dụng này đều có các tính năng như tìm kiếm vé máy bay giá rẻ, so sánh giá vé từ nhiều hãng hàng không, đặt vé trực tuyến và thanh toán tiền vé.

Sau khi hành khách thanh toán tiền vé máy bay, ứng dụng đặt vé sẽ gửi email hoặc thông báo về vé điện tử mà khách đã đặt.

Nhưng trong trường hợp của chị T.D., chị cho biết: “tôi không hề nhận được thông báo từ ứng dụng ZaloPay nói về việc vé được gửi qua email, hãy check lại vé…”.

K.Linh