Cùng với việc mở hàng loạt đường bay mới, đặt mua thêm máy bay…, Vietjet củng cố đội ngũ lãnh đạo phù hợp với mục tiêu vươn xa ra thế giới trong giai đoạn phát triển sắp tới.
Việc Vietjet đồng loạt bổ sung nhân sự lãnh đạo cấp cao được đánh giá không chỉ là bước làm mới nội bộ mà còn là sự chuẩn bị về nội lực cho giai đoạn phát triển tăng tốc phía trước, trong bối cảnh hãng chuyển dần từ mô hình hãng bay giá rẻ sang hình ảnh hãng hàng không hybrid carrier.
Bổ sung nhân sự cấp cao, củng cố nội lực
Ngày 6/7, Công ty Cổ phần Hàng không Vietjet (HOSE: VJC) công bố bổ nhiệm ông Nguyễn Thanh Sơn đảm nhận vị trí Giám đốc điều hành, kế nhiệm ông Đinh Việt Phương, dẫn dắt hãng hàng không trong giai đoạn mới.
Ông Nguyễn Thanh Sơn tham gia Vietjet ngay từ những ngày đầu thành lập. Hãng ghi nhận các đóng góp của ông Sơn trong quá trình xây dựng và phát triển hoạt động kinh doanh-marketing của hãng và cả ngành hàng không.
Theo nhận định của Vietjet, ông Sơn đại diện cho thế hệ lãnh đạo trẻ và bản lĩnh, có tư duy hội nhập toàn cầu, đổi mới và kỷ luật chiến lược.
Trước khi được bổ nhiệm, ông Sơn nắm giữ vị trí Phó Tổng giám đốc thương mại từ 1/4/2018.
“
Vietjet mở rộng từng hạng mục nhỏ nhất, như cách mà Vietjet hay nói là chúng ta cứ nhặt từng đồng lẻ ấy đi, để đạt doanh thu cao nhất!
Tân Giám đốc điều hành Vietjet Nguyễn Thanh Sơn nói về chiến lược tăng doanh thu phụ trợ của hãng.
Tân Giám đốc điều hành Nguyễn Thanh Sơn cũng được kỳ vọng dẫn dắt Vietjet phát triển trong giai đoạn chuyển đổi xanh của hãng.
Trước đó, vào cuối tháng 5, Vietjet gây chú ý khi bổ nhiệm Tiến sĩ Philipp Rösler – người từng giữ cương vị Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế và Bộ trưởng Y tế Đức, làm thành viên Hội đồng Quản trị.
Ông Rösler là nhân vật có uy tín trong lĩnh vực chính trị và giới doanh nghiệp, tổ chức toàn cầu. Ông từng là Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), thành viên hội đồng giám sát của Lufthansa, Siemens Healthineers, đồng thời giữ vai trò cố vấn trong nhiều tập đoàn lớn.
Sự hiện diện của Rösler trong HĐQT Vietjet được xem là một “lá bài chiến lược”, giúp hãng này nâng cao uy tín trong mắt nhà đầu tư quốc tế và các tổ chức tài chính toàn cầu.
Với xuất thân gốc Việt và sự am hiểu sâu sắc về cả hai hệ thống quản trị Á – Âu, ông Rösler được kỳ vọng có thể trở thành cầu nối giữa Vietjet và các thị trường mục tiêu như Đức, Pháp, Mỹ và Canada, nơi hãng đang nhắm tới trong kế hoạch phát triển mạng bay dài hạn.
Không chỉ vậy, ông Rösler cũng sở hữu bằng lái phi công cá nhân và từng tham gia các dự án tư vấn bảo trì kỹ thuật máy bay tại Thụy Sĩ, điều hiếm thấy ở một nhân sự chính trị cấp cao.
Vietjet cũng bổ nhiệm cựu Phó Thủ tướng Đức Philipp Rösler làm thành viên Hội đồng Quản trị. Ảnh: VJ.
Cùng thời điểm, Vietjet tiến hành tái cấu trúc nội bộ cấp cao khi miễn nhiệm một số thành viên HĐQT, bao gồm ông Lưu Đức Khánh, ông Chu Việt Cường, ông Nguyễn Thanh Hùng và ông Donal Boylan.
Những nhân sự này được chuyển sang vai trò thành viên Hội đồng sáng lập của hãng, tuy là vị trí danh dự nhưng vẫn duy trì ảnh hưởng sâu rộng trong các chiến lược nền tảng của hãng.
Đây được cho là cách Vietjet giữ được giá trị kế thừa, trong khi mở rộng không gian cho những gương mặt mới mang năng lượng sáng tạo và góc nhìn toàn cầu.
Như vậy, sau khi ông Nguyễn Thanh Sơn được bổ nhiệm vị trí Giám đốc điều hành, Vietjet hiện bổ sung ba Phó Tổng giám đốc vào Ban điều hành là bà Hồ Ngọc Yến Phương - Phó Tổng giám đốc Tài chính, ông Michael Hickey - Phó Tổng giám đốc khai thác (COO) và ông Tô Việt Thắng - Phó Tổng giám đốc phụ trách Khai thác, An toàn, Chất lượng và An ninh.
Ông Đinh Việt Phương trong vai trò là Tổng giám đốc hãng bay.
Mô hình quản trị kết hợp Đông – Tây
Một điểm nổi bật trong cách Vietjet tái cấu trúc nhân sự là sự kết hợp giữa hệ thống vận hành bản địa hiệu quả và khả năng kết nối toàn cầu.
Ban điều hành mới của hãng là sự pha trộn giữa những người đã gắn bó lâu dài với văn hóa nội bộ, vốn đề cao tính linh hoạt, tốc độ và sáng tạo, và những gương mặt quốc tế với nền tảng học thuật – kỹ thuật – chính sách được đào tạo ở phương Tây.
Ở cấp điều hành, CEO mới được kỳ vọng sẽ đóng vai trò trung tâm trong việc tổ chức lại mối quan hệ giữa HĐQT, cổ đông và hệ thống vận hành thực địa.
Trong khi đó, ông Philipp Rösler, với bề dày chính trị – tài chính – công nghệ quốc tế, sẽ là trục chiến lược hỗ trợ định hướng phát triển dài hạn, giúp Vietjet tăng cường năng lực ngoại giao doanh nghiệp, tiếp cận vốn quốc tế và đối tác chiến lược.
Cùng với việc mở hàng loạt đường bay quốc tế mới, Vietjet liên tục bổ sung nhân sự lãnh đạo cấp cao. Trong ảnh là những hành khách đầu tiên trên chuyến bay Vietjet kết nối Hà Nội-Thành Đô. Ảnh: Vietnam+.
Sự kết hợp này phản ánh một hướng tiếp cận quản trị mới: không đơn thuần "thay máu" lãnh đạo, mà là tạo ra một “hệ sinh thái nhân sự điều hành”, nơi các nhân tố quốc tế và nội địa cùng vận hành theo mô hình phân quyền trách nhiệm nhưng thống nhất về mục tiêu phát triển.
Đây cũng là điều mà các hãng bay toàn cầu như Turkish Airlines, Singapore Airlines hay Qatar Airways đã từng áp dụng thành công khi mở rộng sang thị trường quốc tế.
Đòn bẩy cho mục tiêu vươn ra quốc tế
Việc củng cố đội ngũ lãnh đạo diễn ra song song với quá trình Vietjet gia tăng đầu tư cho đội tàu bay thân rộng và mạng bay quốc tế.
Trong nửa đầu năm 2025, hãng đã ký hợp đồng đặt mua 20 chiếc Airbus A330 900neo, mở đường cho việc khai thác các đường bay dài đến châu Âu và Bắc Mỹ từ năm 2026 trở đi.
Trước đó, tại Paris Air Show, Vietjet cũng đã thỏa thuận mua thêm 100 máy bay A321neo, cho thấy rõ tham vọng chiếm lĩnh cả phân khúc tầm ngắn lẫn tầm xa.
Kết quả kinh doanh quý I/2025 cho thấy, Vietjet đang giữ đà phục hồi tích cực sau giai đoạn khó khăn của ngành hàng không. Doanh thu hợp nhất đạt gần 18.000 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 836 tỷ đồng, tăng trưởng vượt kỳ vọng trong bối cảnh giá nhiên liệu vẫn biến động và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Những hành khách đầu tiên trên các chuyến bay từ Nga đến Việt Nam của Vietjet hồi cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: VJ.Những hành khách đầu tiên trên các chuyến bay từ Nga đến Việt Nam của Vietjet hồi cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: VJ.Vietjet khai trương các chuyến bay đầu tiên từ Vladivostok và Khabarovsk đến Nha Trang hồi cuối tháng 6 vừa qua. Ảnh: VJ.
Hãng đã vận chuyển gần 6,9 triệu hành khách, thực hiện gần 39.000 chuyến bay, duy trì tỷ lệ lấp đầy ghế ở mức cao trên 85%.
Mục tiêu tài chính năm 2025 của Vietjet là mức doanh thu 81.674 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 2.200 tỷ đồng, tăng lần lượt 13% và 21% so với năm trước.
Hãng cũng đặt mục tiêu phục vụ 28,3 triệu lượt hành khách với hơn 144.000 chuyến bay trong năm, tương đương tăng trưởng bình quân khoảng 9–10% mỗi chỉ tiêu.
Đây là những con số đầy tham vọng, đòi hỏi hệ thống lãnh đạo phải có năng lực điều phối linh hoạt và khả năng kiểm soát rủi ro vận hành ở mức cao.
Để hiện thực hóa kế hoạch này, bộ máy quản lý không chỉ dừng lại ở các vị trí như CEO hay HĐQT mà còn được mở rộng sang các mảng ít được chú ý hơn như khai thác kỹ thuật, bảo trì – bảo dưỡng, tài chính doanh nghiệp, logistics hàng không và dịch vụ phụ trợ.
Những lĩnh vực này vẫn đang được Vietjet tuyển chọn nhân sự cấp cao có kinh nghiệm từ các hãng bay lớn trong khu vực và quốc tế.
“
Vietjet hôm nay không chỉ là hãng hàng không tiên phong, mà đã trở thành một hãng hàng không đa quốc gia mang khát vọng vươn xa, hiện đại, linh hoạt và hội nhập sâu rộng với thế giới. Chúng tôi không ngừng mở rộng mạng bay quốc tế, nâng tầm hiện diện tại khu vực và toàn cầu, đồng thời tiên phong kết nối những điểm đến mới, mở ra cơ hội phát triển cho thương mại, du lịch và đầu tư. Vietjet cam kết tiếp tục đóng vai trò là cầu nối năng động giữa Việt Nam và thế giới - mang đến sự gắn kết mạnh mẽ giữa các nền kinh tế, cộng đồng và nền văn hóa.
Tiến sỹ Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietjet
Chiến lược tập trung doanh thu phụ trợ
Tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 tổ chức mới đây của Vietjet, khi cổ đông đặt câu hỏi về chiến lược cũng như các sáng kiến để tăng doanh thu phụ trợ, ông Sơn cho rằng, doanh thu phụ trợ là lĩnh vực đồng hành với doanh thu hành khách, doanh thu hàng hóa của hầu hết các hãng LCC.
"Trong năm 2024 - 2025, Vietjet đặt mục tiêu tỉ lệ doanh thu mảng phụ trợ ở mức 35 - 40%, nhưng khi sang năm 2025, kế hoạch chung của Vietjet là hơn 81.000 tỷ đồng, tức là doanh thu đã tăng lên rất cao.
Trong khi doanh thu hành khách cạnh tranh căng thẳng nên việc tập trung vào doanh thu phụ trợ là vô cùng quan trọng", ông Sơn nhận định.
Theo ông Sơn, để đạt được tỉ lệ doanh thu phụ trợ ở mức cao, Vietjet không chỉ tập trung vào các sản phẩm như hành lý hay suất ăn... mà còn mở rộng có những sản phẩm không hề liên quan đến hàng không như mở tài khoản bán ngoại tệ, đào tạo, huấn luyện tổ bay cho các hãng khác...
"Vietjet thực hiện, mở rộng từng hạng mục nhỏ nhất, như cách mà Vietjet hay nói là chúng ta cứ nhặt từng đồng lẻ ấy đi, để đạt doanh thu cao nhất", ông Sơn nhấn mạnh.
Riêng đối với câu hỏi về chiến lược mở rộng thị trường quốc tế năm 2025, đặc biệt là các đường bay đến châu Âu và Mỹ, ông Sơn cho rằng, chiến lược phát triển đường bay quốc tế của Vietjet dựa trên nền tảng hoạt động của đội tàu bay.
Theo ông Sơn, việc bổ sung đội tàu bay trong thời gian qua đem lại lợi thế cạnh tranh cho Vietjet về mặt chi phí, là điều mà các hãng bay đều mong muốn.
"Vietjet đang chuẩn bị cho hai thị trường trọng điểm nhất với đội tàu bay thân rộng. Đầu tiên là thị trường châu Âu, tiếp theo là Mỹ và Canada. Châu Âu thì cuối năm nay, đầu 2026 sẽ cất cánh, tương tự với Mỹ và Canada", ông Sơn nêu kế hoạch.
Trong bối cảnh thị trường hàng không phục hồi nhanh, cạnh tranh gay gắt và yêu cầu tăng trưởng bền vững ngày càng cao, việc bổ sung nhân sự lãnh đạo cấp cao cũng được kỳ vọng sẽ cải thiện tình trạng chậm chuyến, trễ chuyến khiến hành khách không mấy hài lòng của Vietjet trong thời gian qua.
Về vấn đề này, hãng cho rằng sẽ tập trung vào việc nâng cao năng lực khai thác, quản lý rủi ro và cải thiện chất lượng dịch vụ. Theo đó, hãng thực hiện tối ưu hóa lịch bay, tăng cường bảo dưỡng máy bay, nâng cao năng lực nhân viên và cải thiện quy trình xử lý khi có sự cố. Đồng thời, thực hiện minh bạch thông tin, tăng cường hỗ trợ khách hàng và có các biện pháp đền bù thỏa đáng khi xảy ra chậm, hủy chuyến.
Dù chưa khẳng định nhưng qua nhiều động thái gián tiếp, Vietjet đang từng bước chuyển mình từ hãng hàng không chi phí thấp khu vực sang mô hình hàng không lai (hybrid carrier).
Việc có được đội ngũ điều hành mang năng lực toàn diện, từ khai thác, tài chính, chiến lược đến quan hệ chính phủ và đổi mới công nghệ sẽ là yếu tố then chốt để đảm bảo tính bền vững của hãng bay này.
Mô hình hybrid carrier là sự kết hợp mô hình kết hợp giữa hai dạng hãng hàng không phổ biến: hàng không truyền thống (full-service carrier - FSC) và hàng không chi phí thấp (low-cost carrier - LCC).
Đây là xu hướng đang phát triển mạnh trong ngành hàng không thế giới, đặc biệt tại các thị trường cạnh tranh cao như châu Á – Thái Bình Dương.
Thị trường hàng không quốc tế có nhiều hãng bay hoạt động theo mô hình hybrid carrier tiêu biểu như JetBlue (Mỹ), AirAsia X, Scoot (Singapore) hay Azul (Brazil) và IndiGo (Ấn Độ) cũng đang tiến hóa theo hướng hybrid.