Israel tung đòn chớp nhoáng: 100 mục tiêu của Iran bị xóa sổ trong 1 giờ
Trong chưa đầy 60 phút, các tiêm kích tàng hình F-35 đã đồng loạt tập kích hơn 100 mục tiêu trên lãnh thổ Iran. Sự chính xác tuyệt đối này dấy lên nghi vấn lộ thông tin tình báo trong nội bộ.
Israel đã thực hiện một cuộc không kích vào sâu trong lãnh thổ Iran, với mục tiêu là hơn 100 địa điểm quân sự và hậu cần.
Cuộc tấn công đã khiến các hệ thống radar, trung tâm chỉ huy và kho đạn của Iran bị tê liệt, làm dấy lên nghi vấn về mức độ sẵn sàng chiến đấu của lực lượng vũ trang nước này cũng như sự tinh vi trong chiến thuật của Israel.
Dù cả Tehran và Tel Aviv đều chưa công bố chi tiết chính thức về quy mô vụ việc, đòn đánh này được xem là một bước leo thang đáng kể trong cuộc chiến tranh ngầm kéo dài giữa hai bên. Cán cân quyền lực vốn mong manh tại Trung Đông có thể bị thay đổi.

Lockheed Martin đã phát triển F-35 với công nghệ tàng hình hiện đại, kết hợp vật liệu đặc biệt và thiết kế góc cạnh giúp giảm thiểu tín hiệu Radar, nhiệt và điện từ.
Nhờ đó, máy bay gần như “vô hình” trước các hệ thống phòng không tiên tiến như Bavar-373 của Iran, vốn được coi là phiên bản nội địa của S-300 Nga. Từ lợi thế này, Israel tập trung tấn công các đơn vị phòng không, nhắm thẳng vào những hệ thống bảo vệ không phận Iran.

Dù Iran sở hữu Bavar-373, ra mắt năm 2016, có khả năng phát hiện và tấn công nhiều mục tiêu ở khoảng cách lên đến 200 dặm, cùng Radar mảng pha và tên lửa tầm xa được thiết kế để đối phó cả các mối đe dọa tiên tiến như máy bay tàng hình.
Hay Khordad-15, một trụ cột khác của phòng không Iran, được cho là có thể theo dõi và tiêu diệt sáu mục tiêu đồng thời ở cự ly 120 dặm. Nhưng các hệ thống này đã không kịp kích hoạt, thậm chí, nhiều hệ thống đã bị phá hủy trước khi chúng có thể phóng một tên lửa duy nhất.

Ảnh: Tasnim News Agency (CC BY 4.0)
Sự chính xác tuyệt đối của cuộc tấn công làm dấy lên những suy đoán về nghi vấn lộ thông tin tình báo trong nội bộ.
Sau khi mạng lưới radar bị vô hiệu hóa, lực lượng Israel đã ngay lập tức tấn công các trụ sở chỉ huy của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC), các bệ phóng tên lửa di động và cố định, và các kho đạn dược.
Các hệ thống Radar Kavosh và Mersad, nhằm theo dõi các mối đe dọa trên không, cũng mất tín hiệu hoàn toàn. Việc này khiến hệ thống liên lạc quân sự của Iran rơi vào tình trạng hỗn loạn.
Theo các báo cáo, một số khẩu đội phòng không, trong nỗ lực tuyệt vọng đáp trả, đã phóng tên lửa một cách mù quáng không có phương hướng. Phản ứng này cho thấy mức độ tê liệt của hệ thống chỉ huy và kiểm soát Iran, làm dấy lên tranh luận gay gắt trong giới phân tích quân sự về năng lực phòng thủ của nước này
Việc sử dụng tín hiệu để can thiệp hoặc vô hiệu hóa các cảm biến của đối phương, là một chiến thuật mà Israel đã hoàn thiện qua nhiều chiến dịch trước đây, điển hình là cuộc không kích phá hủy lò phản ứng hạt nhân của Syria năm 2007.
Sự kết hợp giữa công nghệ tàng hình và chiến tranh điện tử đã tạo ra một sự phối hợp tuyệt đối, cho phép Israel tấn công sâu vào lãnh thổ Iran, làm tê liệt phòng thủ và khiến đối phương không thể đáp trả.
Iran đang ở thế bất lợi trước năng lực quân sự tiên tiến của Israel. Israel gần như kiểm soát hoàn toàn không phận Iran, khiến Tehran không thể đáp trả.
Đây là một cuộc đối đầu chênh lệch: các hệ thống Radar cũ kỹ của Iran với những máy bay tàng hình F-35 tối tân của Mỹ, khả năng phòng thủ gần như bất khả thi.
— Anubis 11:11 (@MikeLorenzo21) 13/06/ 2025
Vai trò then chốt của tình báo trong chiến dịch:
Có những cáo buộc cho rằng Mossad, cơ quan tình báo của Israel, đã đóng vai trò chủ chốt trong việc thu thập dữ liệu thời gian thực về các mục tiêu của Iran. Theo đó, tọa độ các trạm radar, kho đạn dược và thậm chí vị trí các đội kỹ thuật đã được chuyển cho Không quân Israel chỉ vài giờ trước cuộc tấn công.
Mức độ chi tiết này cho thấy sự phối hợp của nhiều nguồn tình báo: tình báo con người (HUMINT), chặn tín hiệu (SIGINT) và có thể cả hình ảnh vệ tinh.
Hồ sơ hoạt động của Mossad – bao gồm vụ đánh cắp kho lưu trữ hạt nhân Iran từ một nhà kho ở Tehran năm 2018 – càng củng cố những cáo buộc này, dù chưa có xác nhận chính thức.

Nhờ các thông tin tình báo, thứ đã cho phép Israel khai thác lỗ hổng trong hệ thống phòng thủ Iran với độ chính xác chưa từng có, chiến dịch đã thành công tuyệt đối.
Vũ khí tối tân hiện đại: Máy bay F-35, còn gọi là Joint Strike Fighter
Trọng tâm của chiến dịch là máy bay F-35, còn gọi là Joint Strike Fighter – một tiêm kích đa nhiệm thế hệ thứ năm có khả năng mang tới 18.000 pound vũ khí, bao gồm bom dẫn đường chính xác như GBU-31 JDAM.

Bộ cảm biến tiên tiến của F-35, như radar AN/APG-81 và hệ thống nhắm mục tiêu quang điện, cho phép nó phát hiện và tấn công mục tiêu với mức độ phơi nhiễm cực thấp.
So với hệ thống phòng không của Iran, F-35 đại diện cho bước nhảy vọt về công nghệ. Ngay cả hệ thống S-400 của Nga, vốn được coi là một trong những hệ thống phòng không tiên tiến nhất thế giới, cũng gặp khó khăn trong việc phát hiện máy bay tàng hình ở khoảng cách xa.
Một số nhà phân tích cho rằng hệ thống chỉ huy vốn phụ thuộc vào cơ chế ra quyết định tập trung của Iran đã tạo thế bị động cho nước nhà khi bị tấn công quá nhanh và liên tục. Những ý kiến khác lại chỉ ra các điểm yếu trong việc huấn luyện và bảo trì thiết bị quân sự của Iran.
Việc bắn tên lửa ngẫu nhiên cho thấy sự đứt gãy trong phối hợp. Các đơn vị hành động riêng lẻ thay vì như một mạng lưới phòng thủ thống nhất.
Điều này đặt ra câu hỏi về khả năng phục hồi của cơ sở hạ tầng quân sự Iran khi bị đặt dưới áp lực lớn, đặc biệt khi phải đối mặt với một đối thủ vượt trội về công nghệ.
Căng thẳng Israel–Iran là bối cảnh quan trọng của cuộc tấn công này. Suốt nhiều thập kỷ, Israel nhắm vào chương trình hạt nhân và lực lượng ủy nhiệm của Iran, trong khi Iran vũ trang cho các nhóm như Hezbollah và Hamas mà Israel coi là mối đe dọa trực tiếp.
Những sự kiện đáng chú ý trong cuộc đối đầu dai dẳng này bao gồm các cuộc không kích của Israel vào mục tiêu Iran ở Syria năm 2018, và vụ ám sát nhà khoa học hạt nhân Mohsen Fakhrizadeh năm 2020, được cho là do Israel thực hiện.
Các hành động như vậy đã tạo ra vòng xoáy trả đũa, khi Iran thường đáp trả qua các lực lượng ủy nhiệm hoặc tấn công mạng.
Tuy nhiên, cuộc tấn công gần đây đánh dấu một bước leo thang táo bạo hơn khi nhắm trực tiếp vào lãnh thổ Iran – một động thái có khả năng châm ngòi cho phản ứng lan rộng hơn.
Phản ứng quốc tế đến nay vẫn còn khá dè dặt. Mỹ, đồng minh thân cận nhất của Israel, chưa đưa ra bình luận công khai, dù có nguồn tin cho rằng Washington đã được thông báo trước khi chiến dịch diễn ra.
Nga và Trung Quốc – hai nhà cung cấp công nghệ quân sự lớn cho Iran – đã kêu gọi các bên kiềm chế.
Liên Hợp Quốc cũng chưa triệu tập bất kỳ cuộc thảo luận chính thức nào. Cách tiếp cận thận trọng của cộng đồng quốc tế thể hiện sự lo ngại về các mối nguy cơ leo thang.
Về địa chính trị, cuộc tấn công có thể làm thay đổi cán cân quyền lực ở Trung Đông. Iran nhiều khả năng sẽ chọn cách trả đũa gián tiếp, như tấn công mạng hoặc thông qua lực lượng ủy nhiệm, thay vì đối đầu trực diện sau khi lộ rõ các điểm yếu phòng thủ.
Ngược lại, Israel sau thành công từ chiến dịch, có thể tiếp tục gây sức ép lên chương trình hạt nhân Iran hoặc các đồng minh khu vực.
Tuy vậy, nguy cơ tính toán sai lầm là rất lớn, khi bất kỳ động thái nào cũng có thể bị hiểu nhầm và dẫn đến leo thang xung đột. Sự can dự của các cường quốc như Mỹ và Nga khiến cục diện càng thêm phức tạp, do lợi ích chiến lược đan xen trong khu vực.
Ở góc độ rộng hơn, cuộc tấn công cho thấy chiến tranh hiện đại đang thay đổi, với tình báo, công nghệ tàng hình và độ chính xác trở thành yếu tố then chốt.
Với Mỹ và các đồng minh, đây là ví dụ điển hình về sức mạnh công nghệ quân sự, nhưng cũng là lời nhắc nhở về sự cân bằng mong manh ở Trung Đông.
Chiến dịch có thể sẽ khiến Iran cải tổ phòng không hoặc tìm đồng minh mới. Trong khi Israel có thể đẩy mạnh hành động quyết liệt hơn hoặc buộc phải cân nhắc để tránh leo thang căng thẳng. Liệu hai bên sẽ kiềm chế để tránh một cuộc xung đột rộng lớn hơn, hay vòng xoáy đối đầu sẽ tiếp tục leo thang?