Những địa danh nổi tiếng tại tỉnh Tuyên Quang mới sau sáp nhập
Hợp nhất hai tỉnh Hà Giang và Tuyên Quang thành tỉnh Tuyên Quang mới góp phần mở ra không gian phát triển cho ngành du lịch - lĩnh vực có vai trò ngày càng lớn trong cơ cấu kinh tế vùng cao.
Hai miền di sản kết nối
Tỉnh Tuyên Quang mới có diện tích tự nhiên 13.795,6 km2, dân số 1.865.270 người (năm 2025), mật độ dân số khoảng 135 người/km2. Đây là tỉnh miền núi biên giới ở cực bắc của Tổ quốc, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Phía Bắc và Tây Bắc có đường biên giới giáp với nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa; Phía Đông giáp với tỉnh Cao Bằng và tỉnh Thái Nguyên mới; Phía Tây giáp tỉnh Lào Cai mới; Phía Nam giáp tỉnh Phú Thọ mới.
Nơi đây có nhiều người dân tộc thiểu số sinh sống, chủ yếu là người Mông, Dao, Tày, Nùng, La Chí, Giáy, Lô Lô, Sán Chay, Sán Dìu… Các dân tộc thường có tập quán sống thành từng bản. Quan hệ gia đình, dòng họ tương đối chặt chẽ, phong tục, tập quán đa dạng, phong phú.

Sau sáp nhập, tỉnh Tuyên Quang mới có 7 phường và 117 xã. Việc sắp xếp nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước ở cơ sở, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.
Đặc biệt, với lợi thế địa hình đa dạng, tài nguyên phong phú và bản sắc văn hóa đặc sắc của nhiều dân tộc, tỉnh Tuyên Quang mới hội tụ đầy đủ điều kiện để trở thành điểm đến hấp dẫn.

Trong đó, tỉnh Hà Giang cũ nổi bật với Công viên địa chất toàn cầu Cao nguyên đá Đồng Văn, những cung đường đá uốn lượn giữa đại ngàn, bản làng cổ kính và nét văn hóa độc đáo của 19 dân tộc.
Năm 2024, Hà Giang đón gần 3,3 triệu lượt khách du lịch, doanh thu đạt 8.149 tỷ đồng. Riêng huyện vùng cao núi đá Đồng Văn đón gần 1 triệu lượt khách, doanh thu du lịch đạt 1.200 tỷ đồng - một con số ấn tượng minh chứng cho sức hút bền vững của thương hiệu du lịch Hà Giang.
Còn tỉnh Tuyên Quang cũ được mệnh danh là miền đất cách mạng thiêng liêng, nơi từng là Thủ đô khu giải phóng, Thủ đô kháng chiến. Nơi đây lại mang một màu sắc du lịch khác: yên bình, sâu lắng, đậm chất văn hóa - lịch sử và tâm linh.
Với các điểm nhấn như Khu di tích quốc gia đặc biệt Tân Trào, hồ sinh thái Na Hang - Lâm Bình, lễ hội Thành Tuyên… Năm 2024, Tuyên Quang đón hơn 2,8 triệu lượt khách, tổng thu từ du lịch đạt khoảng 3.700 tỷ đồng.
Khi hợp nhất 2 địa phương thành tỉnh Tuyên Quang mới sẽ tạo thành không gian du lịch rộng lớn, liên hoàn và đa dạng, từ “cao nguyên đá giữa trời” đến “vịnh Hạ Long giữa đại ngàn”.
Những tuyến du lịch xuyên vùng như Đồng Văn - Mèo Vạc - Na Hang - Tân Trào sẽ đưa du khách qua hành trình trải nghiệm nhiều tầng văn hóa, cảnh quan, lịch sử, góp phần định hình nên “con đường di sản” độc đáo của vùng.

Tuy nhiên, trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang mới hiện chưa có sân bay, nên việc di chuyển đến các địa điểm du lịch ở đây vẫn là sử dụng các phương tiện giao thông đường bộ.
Với du khách ở các tỉnh miền Bắc có thể đặt xe rất dễ vì có nhiều nhà xe chạy thẳng lên tỉnh Tuyên Quang mới. Còn với du khách ở miền Trung, miền Nam hoặc khách quốc tế thì có thể đặt vé máy bay ra Hà Nội. Từ Hà Nội, hầu như giờ nào cũng có xe khách xuất phát từ các bến xe Mỹ Đình, Lương Yên, Yên Nghĩa, Gia Lâm… lên tỉnh Tuyên Quang mới.
Điểm danh các địa điểm du lịch nổi tiếng tại tỉnh Tuyên Quang mới
1. Núi Đôi Quản Bạ
Núi Đôi Quản Bạ thu hút du khách bởi vẻ đẹp hùng vĩ và huyền bí của mình. Hai đỉnh núi song song như hai vách đứng giữa bầu trời, tạo nên một khung cảnh tuyệt đẹp mê hoặc lòng người.
Đến đây, du khách không chỉ được thưởng thức vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ mà còn được tham gia sinh hoạt cộng đồng, trải nghiệm làm nông nghiệp và thưởng thức những món ăn mang đậm hương vị núi rừng và hòa mình vào không gian văn hóa văn nghệ đặc sắc, hấp dẫn như: Hát giao duyên, hát đối, đẩy gậy, kéo co, múa sạp, đốt lửa trại...

2. Chợ Phiên Hà Giang
Chợ Phiên Hà Giang là nơi giao thương truyền thống của người dân tộc vùng cao, nơi mà mỗi tuần một lần, họ đến đây để trao đổi hàng hóa và gặp gỡ bạn bè. Đây cũng là cơ hội để du khách khám phá và trải nghiệm văn hóa, phong tục của các dân tộc thiểu số.
Tại phiên chợ, du khách có thể thưởng thức những món ăn ngon của người dân vùng cao như: bánh cuốn, bánh ngô, bánh tam giác mạch, mèn mén, thắng cố...

3. Dinh Thự Vua Mèo Hà Giang
Khu dinh thự Vua Mèo (Vua H'Mông) nằm trên gò đất thuộc thung lũng Sà Phìn. Dinh thự và cả mảnh đất rộng lớn bao quanh thuộc sở hữu của Vương Chính Đức (1865-1947), thủ lĩnh cộng đồng người H'Mông ở cao nguyên đá Đồng Văn trước cách mạng tháng 8. Dinh Thự Vua Mèo là một công trình kiến trúc lịch sử, là biểu tượng của quyền lực và sức mạnh của vùng đất Hà Giang xưa.
Dinh thự Vua Mèo được công nhận di tích quốc gia với tên gọi “Khu di tích văn hóa nghệ thuật lịch sử Nhà Vương” năm 1993, trở thành điểm thu hút du khách trong và ngoài nước khi ghé thăm cao nguyên đá Đồng Văn.

4. Đèo Mã Pí Lèng – Sông Nho Quế
Nằm dưới chân những ngọn núi đá tai mèo hiểm trở, dòng sông Nho Quế quanh năm êm đềm tựa như sợi chỉ xanh mềm mại uốn lượn, ôm ấp những triền núi kỳ vĩ, tạo nên bức tranh thủy mặc đắm say du khách.
Đứng trên đèo Mã Pí Lèng, một trong “tứ đại đỉnh đèo” hùng vĩ, du khách có thể chiêm ngưỡng cảnh sắc ngoạn mục của dòng sông Nho Quế với màu xanh rêu độc đáo, lạ mắt. Sông Nho Quế chảy qua hai dãy núi lớn tạo nên con hẻm mang tên Tu Sản, còn được biết đến là hẻm vực sâu nhất Đông Nam Á.
Khung cảnh nơi đây được hòa quyện giữa nét mềm mại dịu dàng của dòng sông và sự hùng vĩ, hiểm trở của vách đá tai mèo đã tạo nên điểm đến hấp dẫn du khách trong hành trình khám phá tỉnh Tuyên Quang mới.

5. Cột Cờ Lũng Cú
Cột Cờ Lũng Cú nằm ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển, cách điểm cực Bắc Việt Nam khoảng 3,3 km đường chim bay. Cột cờ được xây dựng theo mô hình Cột cờ Hà Nội, có tổng chiều cao 34,85m, lá cờ rộng 54m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em cùng chung sống hòa thuận, đoàn kết trên lãnh thổ Việt Nam.
Phần thân cột được thiết kế theo hình bát giác, gắn 8 hình trống đồng và 8 bức phù điêu bằng đá xanh minh hoạ các giai đoạn qua từng thời kỳ lịch sử của đất nước cũng như con người và phong tục, tập quán của đồng bào các dân tộc Hà Giang (cũ) nay là Tuyên Quang mới.
Cột Cờ Lũng Cú là biểu tượng của sự kiên cường và quyết tâm của những người lính đã hy sinh tại nơi này trong cuộc chiến tranh giữa Việt Minh và quân Pháp.
6. Khu di tích cây đa tân trào
Đến với tỉnh Tuyên Quang mới hoặc trên hành trình tham quan Đông Bắc, Tây Bắc, du khách thường không thể bỏ qua Di tích quốc gia đặc biệt Cây đa Tân Trào. Tại khu di tích này, du khách sẽ được tham quan Lán Nà Nưa - nơi Bác Hồ ở và làm việc từ cuối tháng 5 đến cuối tháng 8 năm 1945 để chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Ngoài tìm hiểu về lịch sử, du khách còn được trải nghiệm chèo thuyền mảng nghe hát then trên lòng hồ Nà Nưa. Dưới lòng hồ xanh mát, 3 - 4 khách sẽ cùng lên một chiếc thuyền mảng được kết từ các cây lồ ô xuôi theo dòng nước hồ Nà Nưa.
Điểm nhấn của trải nghiệm này là vừa ngắm khung cảnh hùng vĩ của thiên nhiên trong bầu không khí trong lành, du khách sẽ được nghe hát then – loại hình nghệ thuật dân gian độc đáo của người Tày.
7. Đình Hồng Thái
Trước năm 1945, đình có tên là Kim Trận, thuộc địa phận làng Kim Trận, sau được đặt theo tên liệt sĩ Phạm Hồng Thái. Đình được dựng năm 1919, có kiến trúc gỗ, mái lợp lá cọ, gồm 3 gian 2 chái, mang dáng dấp nhà sàn miền núi. Đình thờ Thành Hoàng làng, thần sông, núi và các vị thần quanh vùng.
Ngoài ra, đình còn thờ Ngọc Dung Công chúa. Đây còn là nơi sinh hoạt văn hoá, hội họp của làng. Ngoài giá trị về mặt tín ngưỡng, ngôi đình còn có giá trị lịch sử bởi là nơi dừng chân đầu tiên Chủ tịch Hồ Chí Minh sau khi từ Pắc Bó (Cao Bằng) về Tân Trào ngày 21/5/1945.

8. Khu du lịch sinh thái Na Hang
Địa danh Na Hang được mệnh danh là “hòn ngọc xanh giữa trời Tuyên Quang” và “vịnh Hạ Long trên núi”, nơi đây sở hữu cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, với diện tích lên đến hơn 15.000 ha. Na Hang có đủ núi, rừng, hồ, đảo… trong đó có hơn 8.000 ha bao phủ bởi nước.
Hồ sinh thái Na Hang kết nối các tuyến đường thủy từ Na Hang nối liền với Khu danh thắng Quốc gia Ba Bể của tỉnh Thái Nguyên mới (Bắc Kạn cũ).
Na Hang nổi tiếng với cảnh sắc thiên nhiên phong phú với nhiều cảnh quan kỳ vĩ, huyền ảo. Na Hang giàu có với một nền văn hóa độc đáo của 12 dân tộc cư trú, mỗi dân tộc có một nền văn hóa riêng tạo nên một bức tranh văn hóa sinh động.
Với những điểm du lịch độc đáo và phong phú, tỉnh Tuyên Quang mới hứa hẹn mang đến cho du khách những trải nghiệm đáng nhớ và sâu sắc.