Quân sự

Pakistan bác tin mua tiêm kích tàng hình J-35A Trung Quốc, Nam Á vẫn 'nóng ran'

Yên Du 06/07/2025 12:15

Trong khi các tin tức rò rỉ cho rằng Pakistan đã ký kết thỏa thuận mua tiêm kích tàng hình J-35A tiên tiến của Trung Quốc, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif cho rằng đây chỉ là sự thổi phồng từ truyền thông.

Trong một cuộc phỏng vấn được phát sóng gần đây trên truyền hình Pakistan, Bộ trưởng Quốc phòng Khawaja Asif đã kiên quyết bác bỏ các báo cáo cho rằng Pakistan đã ký kết thỏa thuận mua tiêm kích tàng hình J-35A tiên tiến của Trung Quốc. Phát biểu này nhằm phản bác những tin đồn lan rộng về một hợp đồng vũ khí lớn với Bắc Kinh, ông Asif cho rằng những tuyên bố về việc giao hàng sắp diễn ra chỉ là suy đoán của truyền thông nhằm thúc đẩy doanh số quốc phòng Trung Quốc.

tiem kich j-35A trung quoc 1
Mẫu tiêm kích tàng hình J-35A của Trung Quốc. Ảnh: Nationalinterest

Phát biểu về tin đồn Pakistan sẽ mua 40 chiếc J-35A vào năm 2026, ông Asif đã làm dấy lên nhiều câu hỏi về kế hoạch hiện đại hóa quân đội của Islamabad và bối cảnh địa chính trị rộng lớn hơn ở Nam Á – nơi căng thẳng với Ấn Độ luôn hiện hữu.

Sự bác bỏ này diễn ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều sự chú ý đến cán cân không quân trong khu vực, trong khi vai trò ngày càng lớn của Trung Quốc như một nhà cung cấp vũ khí toàn cầu đang bị giám sát từ Washington đến New Delhi.

Pakistan bác tin mua tiêm kích tàng hình J-35A

Trong cuộc phỏng vấn với Arab News, ông Khawaja Asif thẳng thắn phủ nhận những tin đồn về thương vụ này. “Tôi nghĩ đó chỉ là từ truyền thông thôi và điều này tốt cho việc bán hàng quốc phòng của Trung Quốc,” ông Asif nói, ngụ ý những thông tin này mang động cơ thương mại hơn là sự thật.

Tuyên bố của ông Asif là lời phản bác trực tiếp đối với những tuyên bố rằng Pakistan đã hoàn tất thỏa thuận mua 40 chiếc J-35A được trang bị tên lửa không đối không tầm xa PL-17.

Việc ông Asif phủ nhận thỏa thuận cho thấy Pakistan thận trọng trong việc công khai các kế hoạch mua sắm quốc phòng, đặc biệt trong bối cảnh căng thẳng với Ấn Độ đang gia tăng sau các cuộc đụng độ gần đây tại Đường ranh giới kiểm soát ở Kashmir.

Đây là lần đầu tiên một quan chức cấp cao trong Bộ Quốc phòng Pakistan lên tiếng bác bỏ tin đồn, cho thấy không có thỏa thuận chính thức nào được ký với Trung Quốc về J-35A. Một số nguồn trước đó còn cho rằng các phi công Pakistan đã bắt đầu huấn luyện tại Trung Quốc để vận hành loại máy bay này – điều mà nay được xem là không có cơ sở.

Việc ông Asif lên tiếng cũng được xem là một nỗ lực nhằm hạ nhiệt kỳ vọng và tránh làm leo thang căng thẳng với Ấn Độ – nước vốn rất chú ý đến các thương vụ vũ khí của Pakistan.

tiem kich j-35A trung quoc
Mô hình tiêm kích tàng hình J-35A được trưng bày tại Triển lãm hàng không Trung Quốc 2024 ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông, miền Nam Trung Quốc. Ảnh: Fan Wei/GT

Tin đồn về thỏa thuận J-35A giữa Pakistan và Trung Quốc bắt đầu nổi lên vào cuối năm 2024, sau màn ra mắt đình đám của chiếc máy bay này tại Triển lãm Hàng không Chu Hải. Đài truyền hình Pakistan 24 News HD từng đưa tin rằng Không quân Pakistan đã phê duyệt việc mua 40 chiếc J-35A, với thời gian giao hàng trong vòng 2 năm để thay thế cho các tiêm kích F-16 của Mỹ và Mirage của Pháp.

Một số kênh truyền thông khác, như Defence Security Asia, cho rằng việc bàn giao có thể bắt đầu sớm nhất vào tháng 8/2025, viện dẫn các cuộc tiếp xúc cấp cao giữa Islamabad và Bắc Kinh. Các bài đăng trên mạng xã hội X càng làm dấy lên tin đồn, khi một số người dùng khẳng định phi công Pakistan đã bắt đầu huấn luyện với J-35A, dù không có xác nhận chính thức nào.

Thông tin cho rằng Trung Quốc đã giảm giá 50% cho Pakistan để đưa nước này trở thành khách hàng nước ngoài đầu tiên cũng thu hút nhiều sự chú ý. Nếu có thật, đây sẽ là cột mốc đáng kể trong nỗ lực mở rộng xuất khẩu vũ khí cao cấp của Bắc Kinh – vốn vẫn lép vế so với phương Tây.

Tin đồn càng được thổi phồng trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Ấn Độ và Pakistan sau một vụ tấn công ở Kashmir vào tháng 4, dẫn đến đụng độ quân sự từ ngày 7 - 10/5. Một số nhà phân tích cho rằng Trung Quốc đang cố gắng khẩn trương cung cấp máy bay cho Pakistan để giúp đồng minh tăng cường khả năng đối phó với không quân hiện đại hóa của Ấn Độ.

J-35A - Đối thủ tiềm năng của F-35

Tiêm kích J-35A, trung tâm của tranh cãi, là máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm do Tập đoàn Hàng không Thẩm Dương (thuộc AVIC) phát triển. Đây là phiên bản hoạt động trên đất liền, khác với biến thể trên tàu sân bay.

tiem kich j-35A trung quoc 2
Mô hình máy bay J-35A được trưng bày trong Triển lãm hàng không và vũ trụ quốc tế Trung Quốc tại Chu Hải, Trung Quốc năm 2024. Ảnh: Bloomberg

J-35A có thiết kế tàng hình tiên tiến, diện tích phản xạ radar chỉ khoảng 0,001 mét vuông – tương đương F-35 của Mỹ – giúp khó bị phát hiện hơn trong chiến đấu. chiến đấu sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống dò tìm hồng ngoại (IRST), cửa hút khí siêu âm không có tấm tách dòng và buồng lái bong bóng đơn khối cho tầm nhìn tốt.

J-35A có thiết kế tàng hình tiên tiến, diện tích phản xạ radar chỉ khoảng 0,001 mét vuông – tương đương F-35 của Mỹ – giúp khó bị phát hiện hơn trong chiến đấu. Máy bay chiến đấu sử dụng radar mảng pha quét điện tử chủ động (AESA), hệ thống dò tìm hồng ngoại (IRST), cửa hút khí siêu âm không có tấm tách dòng và buồng lái bong bóng đơn khối cho tầm nhìn tốt.

Tiêm kích này có thể mang tên lửa không đối không PL-17 với tầm bắn hơn 320km, giúp nó tiêu diệt mục tiêu ở khoảng cách rất xa. Với kích thước nhỏ hơn J-20, J-35A dễ bảo trì và phù hợp hơn cho xuất khẩu.

Nếu sở hữu J-35A, Không quân Pakistan – vốn hiện đang vận hành JF-17, F-16 và Mirage – sẽ có bước nhảy vọt về năng lực so với Ấn Độ, nước vẫn chưa có máy bay tàng hình cho đến khi AMCA dự kiến hoạt động vào năm 2035.

Bài toán địa chính trị và tham vọng xuất khẩu vũ khí

Quan hệ quốc phòng giữa Pakistan và Trung Quốc là trụ cột trong chiến lược quân sự của Islamabad, đặc biệt là để đối trọng với Ấn Độ. Theo SIPRI, Trung Quốc chiếm 81% vũ khí nhập khẩu của Pakistan từ 2020–2024.

Trước đó, Pakistan đã mua JF-17 (do hai nước đồng phát triển) và J-10C (năm 2022). Nếu J-35A thực sự được mua, nó sẽ làm thay đổi thế cân bằng không quân trong khu vực.

Mặc dù Asif phủ nhận thỏa thuận, nhưng việc lan truyền thông tin có thể là một phần chiến dịch tiếp thị của Trung Quốc nhằm thúc đẩy xuất khẩu J-35A.

Trong khi Mỹ chỉ xuất khẩu F-35 cho các đồng minh thân cận, Trung Quốc ít bị ràng buộc hơn, có thể cung cấp cho các nước như Pakistan – điều khiến Mỹ lo ngại.

Bộ Quốc phòng Trung Quốc và hãng Thẩm Dương vẫn chưa đưa ra bình luận. Điều này có thể là chiến thuật giữ im lặng để tránh leo thang với Ấn Độ hoặc nhằm tạo ra sự mập mờ chiến lược.

Tuyên bố phủ nhận của ông Asif có thể làm nguội kỳ vọng về một thương vụ sắp diễn ra, nhưng không loại trừ khả năng Pakistan vẫn quan tâm đến J-35A. Việc nâng cấp lực lượng không quân là điều cấp thiết với Islamabad, đặc biệt khi Ấn Độ đang bổ sung thêm Rafale và nâng cấp Su-30MKI.

Một thương vụ J-35A trong tương lai có thể kéo dài ưu thế cho Pakistan suốt một thập kỷ trước khi chương trình AMCA của Ấn Độ đi vào hoạt động. Đối với Trung Quốc, việc bán J-35A cho Pakistan sẽ là cột mốc quan trọng, nhưng hiện tại có vẻ còn xa vời.

Đối với Mỹ và các bên quốc tế, việc theo dõi sát các diễn biến trong quan hệ quốc phòng Trung Quốc–Pakistan là điều cấp thiết, vì chúng có thể định hình lại chiến lược khu vực trong tương lai gần.

Yên Du