Quân sự

Tiêm kích F-35 Anh bị 'xẻ' miếng ở Ấn Độ, chất lên máy bay vận tải C-17 về nước

Phương Thảo 05/07/2025 08:28

Anh đang xem xét sử dụng máy bay vận tải hạng nặng C-17 để đưa tiêm kích tàng hình F-35B Lightning II trở về nước sau sự cố hạ cánh khẩn cấp.

Chiếc F-35B phiên bản cất hạ cánh ngắn và thẳng đứng (STOVL) của dòng F-35 do Lockheed Martin phát triển đã hạ cánh khẩn cấp xuống sân bay quốc tế Thiruvananthapuram, bang Kerala, vào ngày 15/6 và không thể quay trở lại tàu sân bay HMS Prince of Wales (Vương quốc Anh) do thời tiết xấu.

Máy bay tiêm kích F-35 của Anh mắc kẹt tại Kerala hai tuần, quan chức kỹ thuật Anh sắp đến hiện trường để sửa chữa.

Theo thông báo từ Cao ủy Anh tại Ấn Độ, máy bay đã hạ cánh an toàn và phi công không bị thương. Tuy nhiên, sau đó chiếc tiêm kích đã phát sinh "vấn đề kỹ thuật" và hiện vẫn chưa thể cất cánh trở lại.

Dù các kỹ sư Hải quân Hoàng gia đã được điều đến cùng thiết bị, song nỗ lực sửa chữa tại chỗ đến nay chưa mang lại kết quả.

Giới chức hàng không dân dụng Ấn Độ phối hợp với Không quân Ấn Độ (IAF) đã hỗ trợ kỹ thuật và an ninh cho hoạt động khắc phục.

Màn trình diễn hãm lực ngược của C-17 Globemaster III – Hạ cánh trên đường băng ngắn và lùi ngược bằng động cơ.

Trong trường hợp không thể sửa chữa tại chỗ, phương án vận chuyển máy bay về Anh bằng C-17 Globemaster đang được tính đến.

Nếu phương án này được thông qua, chiếc F-35 buộc phải tháo rời bộ phận mới có thể đưa lên máy bay vận chuyển.

Đây là một trong số ít loại vận tải cơ đủ khả năng chuyên chở nguyên chiếc F-35B, và nếu thực hiện, sẽ là trường hợp hiếm hoi tiêm kích thế hệ 5 được di chuyển theo hình thức này.

Biểu tượng công nghệ và thách thức bảo trì

F-35 là một trong những chương trình phát triển vũ khí tốn kém nhất thế giới, với tổng chi phí vượt 1.500 tỷ USD. Dòng máy bay này hiện được sử dụng bởi nhiều quốc gia đồng minh của Mỹ và đã chứng minh năng lực tác chiến tại Trung Đông và châu Á.

Tuy nhiên, cấu trúc tàng hình tinh vi và hệ thống điện tử tích hợp khiến việc bảo trì F-35 phức tạp và phụ thuộc nhiều vào các trung tâm kỹ thuật cao cấp.

2012: F-35 đầu tiên được giao cho Anh Quốc
2012: F-35 đầu tiên được giao cho Anh.
2014: Phi công F-35 hoàn thành hạ cánh thẳng đứng đầu tiên tại Anh Quốc
Phi công F-35 hoàn thành hạ cánh thẳng đứng đầu tiên tại Anh năm 2014.
UK Timeline Image 3
Tiêm kích F-35 được triển khai thường trực tại căn cứ RAF Marham.
UK Timeline Image 4
Bộ Quốc phòng Anh tuyên bố F-35 đạt khả năng tác chiến ban đầu (IOC) trên đất liền năm 2018
UK Timeline Image 5
Thử nghiệm bay đầu tiên trên tàu MS Queen Elizabeth năm 2018.
UK Timeline Image 6
Những máy bay đầu tiên hạ cánh trên tàu HMS Queen Elizabeth năm 2018.
UK Timeline Image 7
Hải quân Hoàng gia Anh tuyên bố đạt khả năng tác chiến ban đầu trên biển (Maritime IOC)
UK Timeline Image 8
Tiêm kích F-35 tham gia Nhóm Tác chiến Tàu sân bay năm 2021.
UK Timeline Image 9
Tiêm kích F-35 tham gia cuộc tập trận Steadfast Defender năm 2024.

Sự cố tại Kerala làm nổi bật các thách thức hậu cần trong việc triển khai máy bay thế hệ 5 ở khu vực xa hậu cứ. Trong khi năng lực chiến đấu của F-35 đã được chứng minh, tính sẵn sàng và khả năng sửa chữa nhanh chóng trong điều kiện dã chiến vẫn là câu hỏi mở.

Phối hợp hậu cần quốc tế

Ấn Độ đã hỗ trợ tích cực trong việc tiếp nhận và đảm bảo an toàn cho chiếc máy bay, đồng thời hỗ trợ tiếp tế, bảo vệ và mặt bằng kỹ thuật tại sân bay. Một trực thăng AW101 của Hải quân Hoàng gia đã đưa phi công quay trở lại tàu HMS Prince of Wales ngay sau sự cố.

Hiện chưa rõ khi nào chiếc F-35B sẽ rời khỏi Kerala, nhưng giới chức quốc phòng cho biết mọi phương án đều đang được xem xét để đảm bảo an toàn cho máy bay và giảm thiểu tác động đến hoạt động hàng không dân sự địa phương.

Phương Thảo