Dưới cánh bay

Thêm đường bay đến Thanh Hóa - Tăng kết nối giao thương, du lịch giữa các địa phương

K.Linh 04/07/2025 19:47

Từ tháng 7/2025, có thêm 3 đường bay kết nối Thanh Hóa với Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ, mở ra cơ hội kết nối giao thương, du lịch giữa các địa phương.

Để đáp ứng nhu cầu di chuyển của người dân và du khách trong giai đoạn sân bay Vinh (Nghệ An) tạm đóng cửa, từ tháng 7/2025, Vietjet mở loạt ba đường bay mới kết nối Thanh Hoá với các điểm đến du lịch, kinh tế trọng điểm Đà Lạt, Buôn Ma Thuột và Cần Thơ, đồng thời tăng tần suất trên đường bay Thanh Hoá - TP.HCM thêm 4 chuyến mỗi ngày.

Theo đó, đường bay Thanh Hoá - Đà Lạt sẽ khai thác với 3 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào các ngày thứ Ba, Năm, Bảy. Đường bay Thanh Hoá - Buôn Ma Thuột sẽ khai thác 4 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật. Đường bay Thanh Hoá - Cần Thơ sẽ khai thác 4 chuyến khứ hồi mỗi tuần vào các ngày thứ Hai, Tư, Sáu, Chủ nhật.

Trong thời gian sân bay Vinh đóng cửa sửa chữa từ 1/7 đến 31/12, các đường bay tại Thanh Hoá sẽ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong vùng cũng như kết nối khu vực Bắc Trung Bộ với khu vực Tây Nguyên cũng như miền Tây rộng lớn, kết nối giao thương, du lịch giữa các địa phương.

du-lich-thanh-hoa.jpg
Khu du lịch biển Sầm Sơn - Thanh Hóa rất hút khách vào dịp hè

Việc mở thêm đường bay có ý nghĩa lớn đối với ngành du lịch tỉnh Thanh Hóa. Đường bay hai chiều giúp rút ngắn khoảng cách không gian, tạo điều kiện cho doanh nghiệp du lịch khai thác sản phẩm đa vùng, kết nối tour “biển – cao nguyên” hay “di sản – sông nước”.

Về mặt du lịch, Thanh Hóa đang phát triển nhanh chóng với hạ tầng hoàn thiện, lượng khách tăng mạnh và doanh thu cao, cho thấy vai trò rõ nét trong tăng trưởng kinh tế địa phương. Thanh Hóa đang khẳng định vị thế là một trong những điểm đến hàng đầu miền Bắc.

Theo Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thanh Hóa, trong giai đoạn 2021 - 2025, địa phương đón gần 58,3 triệu lượt khách, tăng trưởng bình quân đạt 16,9%/năm. Riêng dịp 30/4 - 1/5, Thanh Hóa đón hơn 1,3 triệu lượt khách, đứng thứ hai cả nước - sau TP.HCM, về tổng lượng du khách và doanh thu từ du lịch.

Trong đó, Sầm Sơn - khu du lịch biển có lịch sử phát triển hơn 100 năm, tiếp tục giữ vai trò đầu tàu, khi đón khoảng 916.000 lượt khách - hơn 70% tổng lượng khách toàn tỉnh.

Nhờ hạ tầng giao thông được đầu tư đồng bộ, thuận tiện kết nối nội tỉnh cũng như khu vực lân cận như đường ven biển, đại lộ Nam Sông Mã, cao tốc Nghi Sơn - Sầm Sơn, giúp khu du lịch Sầm Sơn đang dần chuyển mình từ điểm đến mùa vụ thành điểm đến du lịch hoạt động bốn mùa.

Ngoài ra, việc mở thêm đường bay kết nối giữa Thanh Hóa với Đà Lạt, Buôn Ma Thuột, Cần Thơ còn góp phần thúc đẩy giao thương hàng hóa. Nông sản, thủy sản của vùng Đồng bằng sông Cửu Long như xoài cát Hòa Lộc, sầu riêng, cá tra – vốn đã có thị phần lớn tại miền Bắc – sẽ dễ dàng được vận chuyển bằng đường hàng không đến Thanh Hóa, rút ngắn thời gian bảo quản.

Ngược lại, rau quả vùng cao và sản phẩm OCOP của Thanh Hóa có cơ hội mở rộng thị trường đến Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên qua Buôn Ma Thuột.

K.Linh