Hành trình đến với danh hiệu "Cơ trưởng Boeing 737 tuổi 60" của nữ nhà báo Mỹ
Là một nhà báo chuyên nghiệp, nhưng Carole Hopson quyết định theo đuổi ước mơ trở thành nữ phi công ở tuổi 36.

Câu chuyện của Carole Hopson đã truyền cảm hứng cho nhiều phụ nữ vốn có ước mơ trở thành phi công nhưng bị nhiều rào cản cản trở.
Dù đã khoác lên mình bộ đồng phục cơ trưởng của United Airlines, Carole Hopson vẫn nhiều lần bị hành khách nhầm là tiếp viên.
Một sự nhầm lẫn tưởng chừng vô hại, nhưng lại phản ánh một sự thật cay đắng rằng ngành hàng không hiện đại vẫn là một "pháo đài" khép kín với phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ da màu.
Nhưng chính trong môi trường đó, Hopson làm được điều không tưởng. Bà bắt đầu hành trình làm phi công ở tuổi 36, gia nhập United Express ở tuổi 50, và trở thành cơ trưởng Boeing 737 ở tuổi 60. Đặc biệt hơn, bà đã trở thành một trong chưa đến 150 nữ phi công da màu đang bay thương mại tại Hoa Kỳ.
Từ một giấc mơ thầm lặng
Hopson từng là phóng viên mảng hình sự, sau đó giữ vai trò quản lý thương hiệu tại những tập đoàn hàng đầu như L'Oréal, NFL và Foot Locker.

Cô là dân báo chí chuyên nghiệp và kiêm thêm mảng tiếp thị, chiến lược thương hiệu. Nhưng sâu thẳm bên trong, bà vẫn luôn có một giấc mơ chưa thành hình, đó là được thỏa mãn niềm đam mê với bay trên bầu trời.
Một lần trong câu chuyện với chồng mình, bà đã thốt lên rằng: “Em muốn làm phi công”.
Không cười nhạo, ông chỉ gật đầu. Vài tuần sau, Hopson nhận được món quà bất ngờ là buổi học bay đầu tiên.

Bà bắt đầu học bay nghiêm túc ở tuổi 36, hoàn thành huấn luyện vào năm 2001. Nhưng rồi thảm họa khủng bố 11/9, cộng với sự ra đời của hai người con, buộc bà tạm hoãn giấc mơ thương mại.
Thay vào đó, bà làm giáo viên dạy bay bán thời gian, giữ lấy cảm giác bầu trời trong khi chăm lo cho gia đình.
Trở lại bầu trời ở tuổi 50
Khi các con bước vào tuổi trung học, Hopson đưa ra một quyết định táo bạo là quay lại học và thi bằng để trở thành phi công thương mại.
Ở tuổi 50, Hopson gia nhập United Express, chi nhánh khu vực của United Airlines rồi nhanh chóng chuyển sang đội bay chính.
Đến năm 2022, Hopson được phong hàm cơ trưởng, điều khiển những chuyến bay quốc tế đến Mexico, Trung Mỹ và vùng Caribe trên dòng Boeing 737.

Nguồn cảm hứng lớn nhất với Hopson chính là Bessie Coleman – người phụ nữ Mỹ gốc Phi đầu tiên có bằng phi công vào năm 1921.
Không ai kể cho Hopson nghe câu chuyện đó thời còn đi học. Chỉ đến khi tham gia hội nghị Women in Aviation, bà mới lần đầu biết đến Coleman và cảm thấy sửng sốt vì sự lãng quên của lịch sử.
Với niềm trăn trở ấy, Hopson viết nên A Pair of Wings, tiểu thuyết lịch sử tái hiện hành trình của Coleman từ vùng nông thôn Texas đến những bầu trời nước Pháp nơi cô học bay vì bị từ chối ở Mỹ.
Để tái hiện chân thực, Hopson đã học lái máy bay hai tầng cánh, đến thăm các đồn điền bông và nghiên cứu đời sống người Mỹ gốc Phi thời đầu thế kỷ 20.
Bessie bay khi phụ nữ còn chưa có quyền bầu cử. Nếu cô ấy làm được vào năm 1921, thì tôi không có lý do gì để không làm điều mình mơ vào năm 2000
Carole Hopson - Cơ trưởng của United Airlines
Bầu trời vẫn chưa rộng mở cho tất cả
Ngay cả khi đã là cơ trưởng, Hopson vẫn đối mặt với những định kiến giới rõ ràng.
Việc bị nhầm là tiếp viên không chỉ là cá biệt. Dữ liệu từ FAA cho thấy, phụ nữ chỉ chiếm 7% trong số các phi công được cấp phép tại Mỹ, và tỷ lệ nữ phi công da màu thậm chí còn không được thống kê đầy đủ.
Tuy nhiên, Hopson không để điều đó làm lu mờ trách nhiệm:
Công việc của tôi là đưa mọi người đến nơi an toàn. Tôi không để ai, hay bất kỳ định kiến nào, khiến mình mất tập trung một giây nào.
Carole Hopson - Cơ trưởng của United Airlines
Bà cũng dành lời khen cho United Airlines – nơi đang xây dựng văn hóa hỗ trợ, phát triển nghề nghiệp và đề cao đa dạng trong lực lượng lao động.

100 nữ phi công da màu vào năm 2035
Với mong muốn mở rộng bầu trời cho thế hệ kế tiếp, Hopson sáng lập tổ chức phi lợi nhuận Jet Black Foundation. Mục tiêu của tổ chức là đưa 100 phụ nữ da màu vào các trường đào tạo phi công trước năm 2035, theo The Independent UK.
Bà khuyến khích các bạn trẻ bắt đầu bằng chuyến bay trải nghiệm đầu tiên, rồi kết nối với các cộng đồng như Women in Aviation International (WAI) hay Tổ chức Chuyên gia Hàng không Gốc Phi (OBAP) nơi cung cấp học bổng, chương trình cố vấn và hướng dẫn rõ ràng vào nghề.
Bạn không cần phải mò mẫm một mình. Những dấu chân đã có sẵn. Việc của bạn là đi tiếp.
Carole Hopson - Cơ trưởng của United Airlines
Từ biểu tượng thành động lực
Carole Hopson không chỉ đại diện cho thành công muộn màng. Bà là hiện thân của một sự thức tỉnh trong ngành hàng không rằng bầu trời là của tất cả mọi người, không phân biệt tuổi tác, giới tính hay màu da.

Câu chuyện của bà là một lời nhắc mạnh mẽ rằng đôi khi, để cất cánh, bạn không chỉ cần dám nói thành lời giấc mơ của mình mà còn phải dám dấn thân và không lùi bước.