Độc đáo xưởng dạy lắp máy bay dành cho nữ giới
Nằm trong khu vực hẻo lánh ở Mỹ, một xưởng dạy lắp máy bay dành cho nữ giới ra đời với hi vọng tạo cơ hội mới cho phái đẹp.
Ẩn mình giữa những nhà kho đơn sơ và đường băng yên tĩnh phía bắc nước Mỹ là một điều kỳ diệu đang dần cất cánh.
Tại đây, giữa tiếng máy khoan, tiếng búa chát chúa là ánh mắt rạng rỡ của những cô gái trẻ, một thế hệ mới của ngành hàng không đang được nuôi dưỡng bằng chính bàn tay, trí tuệ và nghị lực phi thường của họ.

Người đứng sau tất cả là Beth White, Tiến sĩ ngành chính sách giáo dục, người chưa từng mơ sẽ trở thành phi công cho đến một ngày bà đọc về Beryl Markham, nữ phi công đầu tiên bay một mình qua Đại Tây Dương năm 1936.
Khi đọc rằng bà ấy hạ cánh khẩn cấp, tự tháo tung chiếc máy bay, mang về nước Anh, rồi lắp lại nó, tôi chỉ nghĩ: "Nếu Beryl làm được, tôi cũng có thể bay".
Bà Beth White, Tiến sĩ ngành chính sách giáo dục
Từ kho chứa thành xưởng chế tạo
Chương trình Women Build Planes, do tổ chức phi lợi nhuận Habitat for Aviation sáng lập, hiện quy tụ hơn 70 phụ nữ và bé gái từ 9 tuổi đến 60 cùng nhau học cách tự tay lắp ráp một chiếc máy bay thực thụ.
Họ học khoan lỗ, lắp cánh, gắn thiết bị điện tử, cân bằng hệ thống điều khiển bay. Mỗi giờ làm việc được ghi vào sổ, tích lũy để xin chứng chỉ kỹ thuật viên bảo trì máy bay vốn là cánh cửa vào một ngành nghề hiếm phụ nữ.

Một số, như Emma hay Aubrianna, bắt đầu từ con số 0. Nhưng sau hai năm, họ không chỉ thành thạo mà còn hướng dẫn lại các thành viên nhỏ tuổi hơn, vừa ghi điểm học thuật trong chương trình “Flexible Pathways” của bang Vermont, vừa được nhận vào các xưởng hàng không thực tập có trả lương.
Em đến đây chưa từng biết dùng khoan. Giờ em dạy lại bé Sammie cách khoan và lắp đinh. Em còn được công nhận tín chỉ trung học từ chính những gì em làm ở đây.
Aubrianna - Học viên
Xưởng máy bay – nơi ươm mầm sự tự tin
Không chỉ là kỹ năng, điều mà Habitat for Aviation mang lại là niềm tin vào chính mình.

Miranda, từng là một cô gái nhút nhát, nay là người hướng dẫn chính, chủ nhân học bổng Ray danh giá và tân sinh viên Học viện Worcester Polytechnic theo học bổng toàn phần từ Không quân Mỹ.
Mẹ cô xúc động chia sẻ:
“Con bé vốn rụt rè, ít nói. Từ khi làm việc với Beth và xây máy bay, nó như lột xác. Mạnh mẽ hơn và dám nói lên ước mơ, và theo đuổi nó.”
Hành trình sinh tồn và cống hiến
Beth White không chỉ dựng nên một chương trình. Bà tự tay vượt qua cơn bạo bệnh.
Ngay trước kỳ thi lấy bằng lái IFR, Beth phát hiện mình mắc ung thư vú.

Sau 10 tháng điều trị với hóa trị, phẫu thuật, xạ trị và nội tiết, bà trở lại xưởng, nơi có gần chục học viên đang tiếp tục dựng máy bay dưới sự hướng dẫn của ông George Coy, cố vấn kỹ thuật cao tuổi.
“Tôi hỏi Beth, tôi sắp 80, ai sẽ tiếp tục sứ mệnh này? Và đó là lúc bà ấy sáng lập Habitat for Aviation”, George kể.
Tại Habitat, mọi người gọi nhau bằng những cái tên thân thương. Granny Disa, bà của một học viên 9 tuổi là người giúp các cô gái tìm học bổng, viết đơn xin vào trường nghề, và luôn có mặt để cổ vũ tinh thần.

Bữa trưa được chuẩn bị sẵn trong tủ lạnh, phòng khi ai đó quên mang theo đồ ăn. Beth nói: “Không ai có thể học tốt khi đang đói. Vậy nên chúng tôi lo đủ mọi thứ để họ yên tâm học và làm.”
Giá trị thật: Không chỉ là máy bay, mà là con người
Ở đây, không ai đánh giá vì bạn là nữ. Không ai nghĩ bạn “không hợp với cơ khí”. Tất cả đều có chỗ, đều được khuyến khích, đều được chào đón.

Họ đang dựng máy bay nhưng thứ đang cất cánh thực sự là sự tự tin, định hướng nghề nghiệp và khát vọng sống của hàng chục cô gái từng nghĩ ngành hàng không là thế giới của đàn ông.
Chúng tôi không chỉ đang lắp ráp máy bay. Chúng tôi đang dựng lên một thế hệ mới của nữ giới, mạnh mẽ, sáng tạo, dám bay cao bằng chính đôi cánh do họ tự tay tạo nên.
Bà Beth White, Tiến sĩ ngành chính sách giáo dục

.png)






