Du lịch - Golf

Phú Thọ khai mở “tam giác vàng” phát triển du lịch, dịch vụ

Thanh Vũ 03/07/2025 11:50

Trong bối cảnh ngành du lịch Việt Nam đang tăng trưởng mạnh mẽ, nhu cầu tái cấu trúc sản phẩm và định hướng phát triển bền vững trở nên cấp thiết với địa phương như Phú Thọ.

Một trong những hướng đi then chốt là đẩy mạnh liên kết vùng, liên kết địa phương, đặc biệt tại những khu vực có nhiều điểm tương đồng về văn hóa, địa lý, tài nguyên.

Việc sáp nhập ba tỉnh Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hòa Bình để thành lập tỉnh Phú Thọ mới nằm ở Trung du miền núi phía Bắc là một bước đi chiến lược, hội tụ đầy đủ yếu tố để hình thành “tam giác vàng” phát triển du lịch – dịch vụ gắn với giá trị văn hóa đặc sắc.

21032024dulichtamdao.jpg
Tam Đảo là điểm đến ưa thích của nhiều du khách.

Tạo lợi thế từ sự kết nối

Việc Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình “về chung một mái nhà” mở ra thời cơ lớn để phát huy vị trí chiến lược, tài nguyên thiên nhiên phong phú và bản sắc văn hóa lâu đời.

Với quy hoạch bài bản, thu hút đầu tư hợp lý và hợp tác liên vùng mạnh mẽ, Phú Thọ mới hoàn toàn có thể phát triển thành một “tam giác vàng du lịch” với các sản phẩm đa dạng, đáp ứng nhu cầu của khách nội địa lẫn quốc tế, mở ra giai đoạn phát triển mới cho khu vực phía Tây Bắc.

Khai thác đa dạng sản phẩm

Sau sáp nhập, Phú Thọ hội tụ đầy đủ tiềm năng của du lịch tâm linh – cội nguồn, nghỉ dưỡng – sinh thái và văn hóa cộng đồng, bổ trợ và tạo ra các hành trình đa điểm. Xu hướng “một hành trình, nhiều điểm đến” phù hợp với nhu cầu du khách Hà Nội, đồng bằng sông Hồng và khách quốc tế.

Đất Tổ vua Hùng với Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương và Hát Xoan đã được UNESCO công nhận Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Bên cạnh đó là Vườn quốc gia Xuân Sơn, suối khoáng Thanh Thủy, khu danh thắng Tây Thiên – trung tâm Phật giáo lớn và các làng nghề truyền thống của đồng bào Mường, Dao, Sán Dìu…

Các lễ hội văn hóa dân gian như hát Xoan, hát ghẹo, hát then, múa xòe, xên bản, cầu mùa… cũng góp phần tạo nên nguồn tài nguyên du lịch cộng đồng độc đáo.

du khach hat xoan
Du khách nước ngoài trải nghiệm hát xoan cùng người dân địa phương.
(Ảnh: Ban Quản lý Khu di tích Đền Hùng)

Ngoài ra, những điểm nghỉ dưỡng như Flamingo Đại Lải, Serena Resort Kim Bôi… đang nâng tầm dịch vụ chất lượng cao, kết hợp ẩm thực đặc sắc và lưu trú homestay gắn với văn hóa bản địa.

Tăng cường liên kết, phát triển bền vững

Dù tiềm năng lớn, quá trình liên kết phát triển vẫn còn nhiều thách thức: Thiếu quy hoạch tổng thể, hạ tầng kết nối chưa đồng bộ, sản phẩm văn hóa địa phương chưa được chuyển hóa thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.

Tỉnh Phú Thọ mới cần xây dựng chiến lược phát triển rõ ràng, tập trung định vị thương hiệu vùng, mở rộng sản phẩm du lịch liên hoàn và các tour liên tỉnh như: Hành trình về cội nguồn Đền Hùng – Tây Thiên – Thác Bờ; du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng Đại Lải – Tam Đảo – hồ Hòa Bình – suối khoáng Kim Bôi; khám phá bản Dao, bản Lác; tour làng nghề rèn Lý Nhân, mộc An Tường, gốm Hương Canh…

Đặc biệt, việc phát triển homestay gắn với văn hóa bản địa, đào tạo cộng đồng làm du lịch, sản xuất thủ công mỹ nghệ làm quà tặng du khách, sẽ góp phần nâng cao sinh kế và gìn giữ giá trị bản sắc.

Song song đó, việc ứng dụng công nghệ số, quảng bá hình ảnh vùng trên các nền tảng số và xây dựng hệ thống đặt vé, thanh toán trực tuyến sẽ gia tăng trải nghiệm thuận tiện cho du khách.

Ba vùng đất, ba bản sắc, nay cùng hòa chung trong một mái nhà. Khi văn hóa và thiên nhiên được kết nối bền chặt, du lịch không chỉ là ngành kinh tế mà còn trở thành cầu nối lan tỏa giá trị, giữ gìn và phát huy di sản tinh thần – góp phần tạo nên động lực phát triển bền vững, gắn kết cộng đồng trong không gian giàu bản sắc Việt.

Thanh Vũ