Dưới cánh bay

Bị 'ăn chặn lương', tiếp viên United Airlines đấu tranh yêu cầu thay đổi hợp đồng lao động

Phương Thảo 03/07/2025 11:43

Ngày 7/7 tới, hàng nghìn tiếp viên của United Airlines sẽ cầm lá phiếu định đoạt số phận của một bản hợp đồng lao động mới, chấm dứt 4 năm mâu thuẫn và đàm phán đầy căng thẳng.

22da4bd1-al-ua-14fe0f1a618.jpg

Đội ngũ tiếp viên United Airlines đang đứng trước bước ngoặt lớn là bỏ phiếu phê chuẩn bản hợp đồng mới vào ngày 7/7, thông qua sự đại diện của Hiệp hội Tiếp viên Hàng không (AFA).

Nếu được thông qua, đây sẽ là lần đầu tiên kể từ năm 2020 hãng này đạt được một thỏa thuận toàn diện với tiếp viên.

1.png
Ngày 7/7 tới, tiếp viên hãng United Airlines sẽ đi bỏ phiếu phê chuẩn bản hợp đồng mới.

Thỏa thuận đề xuất bao gồm tăng lương, cải thiện điều kiện làm việc, cùng các quy định vận hành mới. Việc này được kỳ vọng sẽ đưa United Airlines tiến gần hơn tới các đối thủ như Southwest Airlines hay American Airlines, vốn đã đạt được các thỏa thuận "mẫu mực" với lực lượng cabin của mình.

Đáng chú ý, Delta Air Lines, mặc dù không có công đoàn tiếp viên, đã tự đàm phán và ký kết các chính sách đãi ngộ rất cạnh tranh, bao gồm cả trả lương khi đón khách lên máy bay, điều trước đây vốn bị coi là “khoảng thời gian không lương”.

Dù được kỳ vọng sẽ mang lại những cải thiện đáng kể về quyền lợi và thu nhập, thỏa thuận này lại đang đối mặt với làn sóng hoài nghi từ chính những người lao động mà nó phục vụ.

“Đòn cân não” từ công đoàn

Mặc dù bản hợp đồng mới được quảng bá là “bước tiến vượt bậc”, song không ít tiếp viên tỏ ra ngờ vực. Một số nhân viên chia sẻ đã bị các đại diện công đoàn tiếp cận trực tiếp tại sân bay, vận động họ bỏ phiếu đồng thuận.

Những hành động này làm dấy lên lo ngại về tính minh bạch, cũng như chất lượng thực sự của thỏa thuận đang được đề xuất.

Các nhân viên United Airlines biểu tình phản đối chính sách


Sự bất mãn không chỉ dừng ở nội dung hợp đồng. Ban lãnh đạo Hiệp hội Tiếp viên Hàng không, đã không mang lại bước tiến đáng kể nào trong suốt gần 5 năm đàm phán, nhưng lại tự tăng lương cho chính mình tới 37%, ngay cả khi mặt bằng thu nhập của tiếp viên không thay đổi.

Thêm vào đó, công đoàn bị cáo buộc phớt lờ các khiếu nại liên quan đến “ăn chặn lương” và hệ thống dự bị gây kiệt quệ tài chính cho nhân viên.

Tình hình trở nên căng thẳng đến mức một nhóm tiếp viên đã khởi xướng đơn kiến nghị trên Change.org, kêu gọi thay đổi đại diện công đoàn. Dù khả năng thành công của phong trào còn là dấu hỏi, nó cho thấy làn sóng bất mãn đang lan rộng trong nội bộ hãng.

Theo các nguồn tin từ Travel and Tour World, bản dự thảo hợp đồng mới của United Airlines sẽ mang lại việc tăng lương cơ bản cho tiếp viên cabin; thêm quyền lợi vận hành, bao gồm các tiêu chuẩn giờ làm, thời gian nghỉ và chế độ ưu đãi; cập nhật quy tắc điều động, phân ca và quản lý chuyến bay.

Tuy nhiên, một điểm gây tranh cãi là việc hãng có thể sử dụng các khách sạn chỉ đạt tiêu chuẩn “có thể ở được” để bố trí nghỉ qua đêm cho tiếp viên, thay vì các khách sạn chất lượng cao hơn như trước đây

Trong một tuyên bố gửi báo chí hồi tháng 3, đại diện United cho biết:

Chúng tôi đang có những cuộc đàm phán tích cực với AFA, và liên tục tìm được tiếng nói chung. United cam kết đạt được một bản hợp đồng dẫn đầu ngành – đúng như những gì tiếp viên của chúng tôi xứng đáng.

Thông báo từ United Airlines

United Airlines không phải là hãng duy nhất phải vật lộn với các thỏa thuận lao động trong bối cảnh ngành hàng không phục hồi hậu đại dịch.

Tuy nhiên, nhiều hãng đã về đích sớm hơn, đơn cử như Southwest Airlines đã ký kết hợp đồng mới với tiếp viên từ năm ngoái, với tăng lương hậu kỳ.

2.png
Ảnh: Cado Photo, AFA-CWA; chỉnh sửa bởi Aviation A2Z

American Airlines hoàn tất đàm phán và công bố chính sách lương mới cho thành viên đoàn. Delta Air Lines dù không có công đoàn, vẫn chủ động ký thỏa thuận với tiếp viên.

Việc Delta duy trì chính sách đãi ngộ hấp dẫn nhằm tránh hình thành công đoàn được xem là một mô hình riêng, song lại rất hiệu quả trong việc giữ ổn định nội bộ và kiểm soát chi phí đàm phán lao động.

Hơn 4 năm thương lượng căng thẳng, một bản hợp đồng mới đã hiện rõ trước mắt các tiếp viên của United Airlines. Song điều đó không đồng nghĩa với sự đồng thuận.

Cuộc bỏ phiếu ngày 7/7 tới không chỉ thể hiện giá trị của bản thỏa thuận, mà còn là phép thử với uy tín của công đoàn Hiệp hội Tiếp viên Hàng không.

Trong bối cảnh lòng tin đang lung lay, câu hỏi lớn đặt ra là liệu đây có phải là khởi đầu mới hay chỉ là sự tiếp nối của một chu kỳ bất mãn?

Phương Thảo