Mang 16 con rắn lên máy bay, hành khách Thái Lan bị bắt
Mới đây, lực lượng hải quan Ấn Độ phát hiện một hành khách đến từ Thái Lan giấu 16 con rắn sống trong hành lý ký gửi.
Tại sân bay quốc tế Chhatrapati Shivaji Maharaj ở Mumbai, Ấn Độ, các cán bộ hải quan đang trực như thường lệ thì bất ngờ phát hiện hành lý khả nghi của một hành khách vừa đáp chuyến bay từ Thái Lan.
Kiểm tra kỹ hơn, họ sốc khi phát hiện 16 con rắn còn sống được giấu tinh vi bên trong vali.
Theo CBS News, số rắn thu giữ bao gồm cả những loài có giá trị cao như rắn vua California sọc ven biển, rắn mũi tê giác, rắn garter và rắn cát Kenya.
Dù phần lớn số rắn này không có độc, một số loài có nọc nhưng không gây nguy hiểm cho con người, nhưng điều này không làm giảm tính nghiêm trọng của vụ việc.
Cục Thuế và Hải Quan Trung ương Ấn Độ (CBIC) ngay sau đó đã ra thông báo chính thức trên mạng xã hội:
“Các cán bộ tại sân bay CSMI, Khu vực Hải quan Mumbai III, vừa phá thành công một vụ buôn lậu động vật hoang dã. Tổng cộng 16 con rắn sống đã bị thu giữ từ một hành khách trở về từ Thái Lan. Hành khách đã bị bắt và cuộc điều tra đang được tiến hành”
Cục Thuế và Hải Quan Trung ương Ấn Độ
Mặt tối của thị trường buôn lậu động vật hoang dã
Những con rắn không hề gây nguy hiểm ngay tức thì, nhưng vụ việc lại phơi bày một hiểm họa âm thầm về sự gia tăng đáng lo ngại của các vụ buôn lậu động vật hoang dã qua đường hàng không thương mại.
Theo CBS News, đây là vụ buôn lậu thứ ba chỉ riêng trong tháng 6 bị phát hiện tại sân bay Mumbai.

Đầu tháng, một hành khách khác cũng từ Thái Lan bị bắt khi mang về hàng chục con rắn độc. Vài ngày sau, một trường hợp khác mang theo hơn 100 sinh vật sống đủ loại tiếp tục bị phát hiện. Những con số này cho thấy Mumbai đang trở thành một mắt xích quan trọng trong mạng lưới buôn bán động vật hoang dã toàn cầu.
Và tình trạng này không chỉ giới hạn trong hành lý ký gửi. Vào cuối năm 2022, một con rắn từng được tìm thấy trong khoang hàng của một chuyến bay Air India Express khi hạ cánh tại Dubai – nghi ngờ do bò sát chui vào từ mặt đất tại Ấn Độ.
Trong năm 2023, cả tháng 5 và tháng 9 đều ghi nhận các vụ phát hiện rắn trong hành lý tại sân bay Chennai.
"Đường dây" buôn lậu mới
Hai trong ba vụ việc gần đây tại Mumbai đều có điểm xuất phát từ Thái Lan, quốc gia từ lâu đã nổi tiếng là trung tâm buôn bán động vật hoang dã châu Á. Giới chức Ấn Độ đang đặc biệt chú ý đến hành lang hàng không giữa hai nước.
Theo dữ liệu của Cirium, Công ty phân tích ngành hàng không, riêng trong tháng này đã có hơn 3.200 chuyến bay giữa Thái Lan và Ấn Độ, trung bình khoảng 104 chuyến mỗi ngày.

Với tần suất dày đặc như vậy, không khó hiểu khi tuyến bay này trở thành “con đường vàng” cho các đường dây buôn lậu động vật qua đường hàng không thương mại.
CBS News trích dẫn thống kê cho biết, trong 3,5 năm qua, hơn 7.000 cá thể động vật đã bị thu giữ trên các chuyến bay giữa hai nước.
Tổ chức bảo tồn TRAFFIC cho biết phần lớn các loài động vật bị buôn lậu có nguồn gốc từ Thái Lan, nhưng đến 80% chỉ bị phát hiện khi đã nhập cảnh vào Ấn Độ.
Dù vụ việc lần này không gây hậu quả nghiêm trọng về an toàn bay, nhưng nó đặt ra câu hỏi lớn về hệ sinh thái thương mại phi pháp đang lợi dụng chính ngành hàng không hiện đại để vận chuyển sinh vật sống.
Đôi khi những việc này chỉ nhằm phục vụ sở thích nuôi thú cưng ngoại lai của một nhóm nhỏ người giàu có.
Từ những sân bay bận rộn như Mumbai đến các chợ đen ở Châu Á và Trung Đông, các loài rắn, kỳ đà, tắc kè và thậm chí là hổ con đang bị buôn bán với tốc độ đáng báo động.
Vấn nạn này không chỉ đe dọa đa dạng sinh học mà còn làm dấy lên lo ngại về dịch bệnh xuyên biên giới.