Nối chuyến giữa 2 sân bay: Nhìn từ thành phố Thượng Hải
Hai sân bay ở Thượng Hải đóng 2 vai trò khác nhau khiến cho việc sắp xếp giao thông nối chuyến rất quan trọng trong việc khai thác tối ưu giá trị liên vận hàng không.
Thượng Hải hiện sở hữu hai sân bay lớn.
Sân bay Phố Đông (Pudong – PVG) ở phía đông, cách trung tâm chừng 30 km và đảm nhận phần lớn các đường bay quốc tế đường dài.
Trong khi đó, sân bay Hồng Kiều (Hongqiao – SHA) ở phía tây, chỉ cách nội đô 13 km. Nơi đây đóng vai trò “bến trung chuyển” cho mạng bay nội địa cũng như những chặng quốc tế tầm ngắn sang Nhật Bản, Hàn Quốc.
Dù khoảng cách giữa hai đầu sân bay lên tới 55–60 km, thành phố vẫn duy trì lưu lượng du khách khổng lồ nhờ một hệ sinh thái giao thông chặt chẽ, đa lớp.
Cuối 2024, tuyến đường ngoại ô liên kết sân bay dài 68,6 km chính thức khai trương, rút hành trình Hồng Kiều đến Phố Đông xuống còn gần 40 phút, tần suất 15 phút/chuyến.
Đây là giải pháp nhanh nhất, liền mạch nhất giữa hai “cửa ngõ bầu trời”, đồng thời giải phóng sức ép cho tuyến Metro Line 2 vốn đã vận hành nhiều năm.

Chuyến hành trình trải nghiệm
Chuyến hành trình liền mạch giữa hai sân bay lớn của Thượng Hải đã trở thành hiện thực với việc đưa vào vận hành tuyến Airport Link Line từ ngày 27/12/2024.
Tuyến đường sắt hiện đại này có tốc độ khai thác khoảng 160 km/h, nhanh gấp đôi so với tàu điện ngầm thông thường, giúp rút ngắn đáng kể thời gian di chuyển.
Tuyến đi qua 7 nhà ga, bao gồm: Terminal 2 của Sân bay Hồng Kiều, Zhongchun Road, Jinghong Road, South Sanlin, East Kangqiao, Shanghai International Resort và Terminal 1 & 2 của Sân bay Phố Đông.
Về giá vé, mức khởi điểm là 4 nhân dân tệ, trong khi hành trình toàn tuyến chỉ tốn 26 nhân dân tệ (~0,55 USD – 3,6 USD).

Hành khách được hưởng một số ưu đãi: giảm 1 nhân dân tệ nếu chuyển tuyến giữa xe buýt và Airport Link Line trong vòng 120 phút; nếu chi tiêu quá 70 nhân dân tệ mỗi tháng cho các tuyến đường sắt đô thị, bạn sẽ được giảm 10% cho các lượt tiếp theo.
Ngoài ra, tuyến cũng cung cấp gói 20 lượt với mức giảm giá 30%, có hiệu lực trong 30 ngày, rất phù hợp với người đi lại thường xuyên.

Tuyến Airport Link Line được tích hợp thông minh với mạng lưới metro hiện hữu. Tại ga Zhongchun Road, hành khách có thể chuyển tuyến trực tiếp sang Metro Line 9 mà không cần ra khỏi nhà ga.
Trong khi đó, các trạm chuyển tuyến ngoài ga gồm: ga Terminal 2 – Hồng Kiều (kết nối với Lines 2, 10, 17), ga Jinghong Road (Metro Line 15), và ga Phố Đông Terminal 1 & 2 (Metro Line 2 và tàu cao tốc Maglev).

Tuyến hoạt động từ 6:00 sáng đến 10:39 tối mỗi ngày, với tần suất 15 phút/chuyến. Có hai loại tàu – tàu 4 toa và tàu 8 toa – chạy luân phiên, nên hành khách cần chú ý vị trí cửa tàu để lên đúng chỗ.
Trên tàu được trang bị cổng sạc không dây, ghế ngồi êm ái và hai loại giá để hành lý: kệ dưới dành cho vali lớn và kệ trên dành cho túi xách nhỏ.
Theo quy định, hành lý không được vượt quá 23 kg, thể tích 0,2 mét khối, và tổng kích thước không quá 1,8 mét. Hành khách cũng được khuyến cáo giữ hành lý sạch sẽ và xếp gọn để không gây cản trở cho người khác.

Dù bạn là người dân địa phương, khách nối chuyến, hay du khách lần đầu đến thành phố, Airport Link Line chính là lựa chọn lý tưởng để cảm nhận nhịp sống năng động của Thượng Hải.

Sự tiện nghi, tốc độ và kết nối linh hoạt của tuyến tàu này cho thấy một thành phố hiện đại đang không ngừng nỗ lực biến hạ tầng giao thông thành lợi thế cạnh tranh trong du lịch và dịch vụ.

Song song với đường sắt, du khách có thể chọn Airport Shuttle Bus Line 1 với thời gian 60–65 phút hoặc Maglev Line 2 cũng thời gian 60 phút để tiết kiệm thời gian.
Taxi, xe đặt ứng dụng vẫn là lựa chọn tối ưu cho nhóm hành khách có nhiều hành lý.
Bài học rút ra: Hạ tầng phải đi trước công suất
Việc mở tuyến đường sắt ngoại ô song hành với mở rộng Phố Đông giúp Thượng Hải phân luồng hợp lý. Bởi lẽ khách quốc tế đến PVG, khách nội địa ở SHA đều có hành trình liền mạch, không “đứt gãy” kết nối.
Nhờ rút ngắn thời gian di chuyển ngoài sân bay, tỷ lệ quá cảnh tăng, chi tiêu du khách tại thành phố cũng cao hơn, qua đó củng cố vị thế “hub kép” của đô thị 25 triệu dân.
Mô hình liên vận của thành phố Thượng Hải dành cho 2 sân bay đáng để tham khảo trong trường hợp của sân bay Long Thành của Việt Nam.
Sân bay Long Thành dự kiến khai thác giai đoạn 1 từ 2027, nằm cách trung tâm TP HCM 40 km đang vấp phải nỗi lo mất 2 đến 5 giờ di chuyển nếu kẹt xe hoặc thiếu phương tiện trung chuyển. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến trải nghiệm của khách quốc tế sau chặng bay 15–16 giờ bay, mà còn đẩy rủi ro lỡ nối chuyến cho hành khách nội địa lẫn hãng hàng không.
Không chỉ vậy, du khách sẽ ưu tiên Bangkok, Singapore hay Kuala Lumpur - những nơi có quãng đường đô thị đến sân bay dưới 60 phút. Còn nguồn khách Việt kiều, khách nội địa nối chuyến cũng e ngại khi phải “tốn thêm nửa ngày” chỉ để về khách sạn.
Giải pháp cần kích hoạt ngay
Theo các chuyên gia, TP HCM không thể để hạ tầng “chạy sau” sân bay. Ưu tiên số một là tuyến metro/đường sắt nhẹ Thủ Thiêm – Long Thành với đích thời gian dưới 45 phút tương đương các tuyến đường kết nối sân bay của Thượng Hải.
Song hành là dịch vụ BRT hoặc airport coach giá trần, khung giờ cố định, cộng làn ưu tiên trên cao tốc Long Thành – Dầu Giây.
Thành phố cũng nên xây dựng “terminal 0” tại Bến Thành hoặc Thủ Thiêmnơi hành khách check‑in, ký gửi hành lý từ nội đô trước khi bắt tàu ra sân bay.

Đây là mô hình đã chứng minh hiệu quả ở Hồng Kông, London, Seoul. Cùng lúc, cơ chế “vé tích hợp” giữa hãng bay – đường sắt – xe buýt sẽ bảo đảm hành trình một chạm, đặc biệt hữu ích cho khách cao tuổi hay gia đình có trẻ nhỏ.
Cuối cùng, TP HCM cần khai thác mô hình TOD (Transit‑Oriented Development) quanh ga trung chuyển: khách sạn, trung tâm mua sắm, giải trí… biến quãng đợi tàu thành cơ hội tiêu dùng, giảm áp lực đổ dồn vào lõi đô thị.
Kinh nghiệm Thượng Hải cho thấy “độ trễ” hạ tầng kết nối chính là “độ trễ” tăng trưởng du lịch. Nếu TP HCM không đóng kín chuỗi vận tải đô thị‑hàng không trước khi Long Thành cất cánh, cảnh báo “5 giờ vào trung tâm” sẽ biến lợi thế địa lý thành điểm trừ cạnh tranh và đe dọa mục tiêu 50 triệu khách quốc tế vào 2035.
Ngược lại, một chiến lược hạ tầng “đi trước một bước” có thể biến Long Thành thành “Phố Đông thứ hai” của Việt Nam – nơi thời gian di chuyển không phải rào cản, mà trở thành lợi thế kéo dòng khách và dòng vốn đầu tư về TP HCM.