An toàn

Phi công tiết lộ giây phút khiến họ căng thẳng nhất trên bầu trời

Hà Chi 01/07/2025 06:58

Dù nhiều hành khách thường nín thở mỗi khi máy bay chuẩn bị hạ cánh, song với các phi công kỳ cựu, khoảnh khắc cất cánh mới thực sự là thử thách lớn nhất trong toàn bộ hành trình.

Sau một loạt sự cố máy bay nghiêm trọng, tai nạn và các cuộc điều tra an toàn hàng không quy mô lớn, nhiều hành khách đã bày tỏ sự lo lắng về việc đi máy bay.

Trong hành trình bay, cất cánh và hạ cánh luôn được đánh giá là hai thời điểm phức tạp và đòi hỏi kỹ năng cao nhất, cho dù sự an toàn của chuyến đi còn phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố khác nhau.

Trong tổng số 1.468 sự cố được ghi nhận trong năm 2024 bởi Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế (IATA), có 770 vụ xảy ra khi hạ cánh và 124 vụ trong lúc cất cánh. Trong khi đó, chỉ có 68 sự cố xảy ra trong giai đoạn máy bay bay ổn định ở độ cao.

Dựa trên những số liệu thống kê về tai nạn hàng không, một phi công đã thẳng thắn chia sẻ về giai đoạn anh cho là áp lực nhất trong toàn bộ quá trình bay.

Trong một video gần đây trên kênh YouTube cá nhân mang tên Captain Steeeve, phi công thương mại Steve Schreiber - cựu sĩ quan Hải quân Mỹ đã giải đáp nhiều thắc mắc phổ biến từ hành khách về quá trình bay. Kênh của anh hiện thu hút hơn 700.000 lượt đăng ký, trở thành điểm đến quen thuộc của những người quan tâm đến hàng không.

z6756111298750_0a01fdb1e8d103f32c85d318b55568c8.jpg
Phi công thương mại Steve Schreiber - cựu sĩ quan Hải quân Mỹ, chủ nhân của kênh YouTube: Captain Steeeve.

Khi được hỏi liệu phi công thường lo lắng hơn vào lúc cất cánh hay hạ cánh, cơ trưởng kỳ cựu Steve Schreiber đã có câu trả lời khiến nhiều hành khách yên tâm: “Tôi là cơ trưởng Steve, tôi không lo lắng.”

Tuy nhiên, anh thẳng thắn chia sẻ thêm: "Nếu có một giai đoạn nào khiến phi công cảm thấy căng thẳng hơn, thì rất có thể đó chính là thời điểm máy bay rời đường băng để bắt đầu hành trình".

Trong phần lý giải nguyên nhân, cơ trưởng Steve cho biết giai đoạn cất cánh luôn là thời điểm đặc biệt nhạy cảm, đó là lúc máy bay nặng nhất, động cơ phải hoạt động hết công suất, trong khi tốc độ vẫn còn thấp.

Anh nhấn mạnh rằng sau khi bánh máy bay rời khỏi mặt đất, quá trình bay sẽ trở nên thuận lợi hơn, máy bay tăng tốc, tiêu hao nhiên liệu, nhẹ dần đi và cho phép phi công điều chỉnh giảm công suất động cơ một cách an toàn.

fde9b77bcb54f27be80d31cd2c101cd5.jpg
Schreiber cũng cho biết cơ trưởng thường nói chuyện với hành khách trước chuyến bay để trấn an họ và giúp giảm bớt sự lo lắng khi bay.

Theo thống kê, giai đoạn cất cánh thường ít rủi ro hơn so với hạ cánh, nhưng đây lại là thời điểm then chốt, quyết định sự suôn sẻ cho cả hành trình.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn vẫn hiện hữu, đặc biệt là các yếu tố như trọng lượng máy bay và lượng nhiên liệu, đây đều là những điều có thể khiến quá trình cất cánh gặp trở ngại, như cơ trưởng Schreiber đã cảnh báo.

Dù cất cánh tiềm ẩn nhiều yếu tố thách thức, cơ trưởng Schreiber cho rằng điều quan trọng nhất với một phi công vẫn là giữ vững sự bình tĩnh.

Anh nhấn mạnh rằng mỗi phi công đều đã trải qua quá trình huấn luyện khắt khe, đào tạo chuyên sâu và được cấp chứng chỉ nghiêm ngặt đó chính là nền tảng vững chắc để họ xử lý tốt mọi tình huống trên không.

Cất cánh và hạ cánh luôn là hai giai đoạn then chốt trong một chuyến bay, bởi đây là lúc máy bay dễ bị tác động bởi nhiều yếu tố bên ngoài.

Từ tình trạng đường băng có quá nhiều phương tiện, nguy cơ không thống nhất trong giao tiếp giữa tổ lái và kiểm soát không lưu, đến chim bay cắt ngang đường bay hay động cơ bị đẩy tới giới hạn công suất, tất cả đều có thể ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn chuyến bay.

Chỉ riêng trong năm 2025, đã xảy ra một số vụ tai nạn máy bay nghiêm trọng ngay trong hoặc ngay sau khi cất cánh. Vụ rơi máy bay của hãng Air India khiến hơn 200 người thiệt mạng diễn ra chỉ vài phút sau khi máy bay rời đường băng.

Tại Mỹ, một vụ va chạm suýt xảy ra tại sân bay LaGuardia khi một chiếc máy bay chuẩn bị cất cánh trên cùng đường băng với một máy bay khác vẫn đang lăn bánh. Sự cố xảy ra vào đầu năm 2025 và được cho là bắt nguồn từ việc liên lạc sai lệch giữa các kiểm soát viên không lưu trên các tần số khác nhau.

Trước đó vào tháng 3, một chiếc máy bay của FedEx cất cánh từ sân bay Newark buộc phải hạ cánh khẩn cấp sau khi va phải chim, khiến động cơ bốc cháy dữ dội như một vụ nổ lớn.

Hà Chi