Drone không còn được “bay tự do” trên đồng ruộng
Từ 1/7, Luật Phòng không – không quân 2024 chính thức có hiệu lực, hoạt động của máy bay không người lái, nhất là Drone phục vụ làm nông nghiệp phải tuân thủ nhiều quy định, điều kiện chặt chẽ.

Những năm gần đây, ĐBSCL và các tỉnh vùng Đông Nam bộ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ của việc ứng dụng máy bay không người lái vào sản xuất nông nghiệp. Chỉ trong vòng vài năm, drone trở thành công cụ quen thuộc trên các cánh đồng lúa, vườn cây, nhưng kèm với đó là nhiều rủi ro liên quan đến an toàn.
Phát triển nhanh chóng, drone cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro
Chia sẻ với Tạp chí Hàng không, ông Nguyễn Văn An, ngụ Tiền Giang (nay là tỉnh Đồng Tháp mới) cho biết, gia đình ông canh tác trên 10ha ruộng lúa. Kể từ khi có dịch vụ drone phun thuốc, rải phân, ông nhàn nhã hơn so với việc phải vất vả thuê lao động làm thủ công.
Tuy vậy, ông An cho rằng, khi các cơ sở ở địa phương liên tục mở rộng dịch vụ máy bay không người lái, ông An đã lo ngại về các nguy cơ mất an toàn.
Theo ông An, hầu hết các chủ sở hữu và thợ lái drone chỉ học qua các bước sử dụng máy móc cơ bản, không qua đào tạo chuyên nghiệp và rất ít người được cấp phép từ cơ quan chức năng.

Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Đồng Tháp, đến thời điểm hiện tại, tỉnh có gần 300 drone nông nghiệp đang hoạt động.
Con số này chưa tính đến những vùng cao điểm, nơi giáp ranh với các tỉnh khác cũng như các đội bay dịch vụ. Trong khi đó, tại Kiên Giang (thuộc tỉnh An Giang mới), địa phương có sản lượng lúa cao nhất cả nước, cũng đang sở hữu gần 700 drone nông nghiệp.
Cùng với những tiện ích về năng suất và sức lao động, cũng bắt đầu xuất hiện những nguy cơ mất an toàn khi thiết bị bay này được vận hành bởi những lao động chưa qua đào tạo, thiếu kỹ năng an toàn và hoạt động ngoài vùng kiểm soát của cơ quan chức năng.
Một số vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra liên tiếp trong thời gian vài tháng gần đây đã gióng lên hồi chuông báo động về công tác quản lý, đào tạo và kiểm soát việc sử dụng drone trong nông nghiệp.
Gần đây nhất, chiều 27/6, tin từ Bệnh viện E cho biết, các bác sĩ khoa Phẫu thuật chấn thương chỉnh hình của bệnh viện này đã tiếp nhận và điều trị cho một trường hợp người bệnh nam (43 tuổi, ở Hà Nội) bị mất máu nhiều do bị chém rách sâu vùng mông.
Nguyên nhân ban đầu được xác định do cánh quạt của máy bay phun thuốc trừ sâu điều khiển từ xa chém nhiều nhát liên tiếp vào hai bên mông dẫn đến chảy máu ồ ạt, đau đớn và phải đến bệnh viện cấp cứu.

Trước đó, hồi giữa tháng 6 vừa qua, một người đàn ông ở U Minh (tỉnh Cà Mau mới) bị chấn thương ở đầu, mặt khi chạy xe máy va vào máy bay phun thuốc trên ruộng đang chuẩn bị hạ cánh.
Cụ thể, nạn nhân bị cánh quạt drone chém trúng nhiều chỗ ở đầu và mặt dẫn đến bất tỉnh, chủ ruộng và người lái máy bay phải đưa vào Bệnh viện Đa khoa tỉnh Cà Mau cấp cứu. Ngoài các vết thương hở, bệnh nhân còn bị gãy xương mũi, xương cằm và ảnh hưởng thị lực mắt phải.
Trong năm 2024 cũng đã có nhiều vụ tai nạn do máy bay không người lái gây ra khi đang hoạt động trên đồng ruộng. Nghiêm trọng nhất, hồi cuối tháng 11/2024, tại Hòn Đất (tỉnh Kiên Giang) một người đàn ông 49 tuổi tử vong sau khi va chạm với drone đang phun thuốc trừ sâu. Nạn nhân, ông B.V.T., đang đi xe máy trên con đường đất ven kênh thì bị cánh quạt máy bay không người lái chém trúng vùng đầu và cổ.
Khoảng trống thực hiện quản lý drone tại địa phương
Theo các chuyên gia, drone nông nghiệp có thể có trọng lượng tới vài chục kg, khi chứa đầy vật tư nông nghiệp như phân, thuốc…, drone có thể nặng hàng trăm kg.
Ngoài ra, cánh quạt của máy bay quay với tốc độ rất cao, nếu rơi từ trên không xuống hoặc va chạm với người hay công trình hạ tầng, mức độ nguy hiểm có thể tương đương một vụ tai nạn hàng không nhỏ lẻ.
Hiện tại, theo quy định của Bộ Quốc phòng, mọi thiết bị bay dân sự không người lái đều phải đăng ký và được cấp phép bay. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều địa phương thừa nhận, việc kiểm soát hoạt động bay của drone là nhiệm vụ vượt quá khả năng hiện tại.
Lực lượng kiểm tra, thanh tra hàng không chủ yếu tập trung ở các sân bay, trong khi những chiếc drone nông nghiệp lại hoạt động rải rác khắp các cánh đồng, kênh rạch, khu dân cư nông thôn. Không có hệ thống theo dõi vị trí, không có quy trình kiểm định thiết bị cũng như không có danh sách người điều khiển được cấp phép.

Còn theo ghi nhận của cơ quan chức năng, các trường hợp tai nạn liên quan máy bay không người lái trên đồng ruộng có một số nguyên nhân chung là người điều khiển drone không được đào tạo bài bản, không có chứng chỉ hành nghề và không tuân thủ các quy định tối thiểu về an toàn bay.
Ông Nguyễn Đức Tài, Giảng viên Khoa Cơ khí, Trường Cao đẳng nghề An Giang, cho rằng, drone nông nghiệp không hề đơn giản như suy nghĩ của nhiều người, vì nó có cơ cấu khá phức tạp.
Theo đó, để bay được phải có hệ thống cân bằng. Tuy nhiên, vì hiện nay đã có sẵn modun, nông dân chỉ cần mua về cắm dây và dùng, không cần tìm hiểu quá trình lắp đặt, cất cánh hay sự cố phát sinh nên nhiều người lầm tưởng là dễ dàng, sinh ra tâm lý dễ dãi.
Trong điều kiện thời tiết bất thường hay khi bay gần những trạm thu phát sóng sẽ gây ra những nhiễu động... đòi hỏi người lái phải có sự chuyên nghiệp về kỹ năng, sự nhạy bén của tay nghề mới có thể vận hành drone nông nghiệp an toàn. Nếu không, dễ xảy ra nhiều điều đáng tiếc rất khó lường.
Từ 1/7, Luật Phòng không – không quân có hiệu lực
Liên quan tới hoạt động quản lý máy bay không người lái, từ ngày 1/7, Luật Phòng không nhân dân 2024 sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo quy định của Luật này, người trực tiếp điều khiển thiết bị bay không người lái, phương tiện bay siêu nhẹ phải đủ 18 tuổi, có đủ năng lực hành vi dân sự và có kiến thức về hàng không.
Luật Phòng không nhân dân 2024 cũng quy định, thiết bị bay không người lái, phương tiện bay khác được miễn cấp phép bay nếu thuộc một trong các trường hợp sau: Hoạt động ngoài khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay, phạm vi hoạt động trong tầm nhìn trực quan bằng mắt thường, có trọng lượng cất cánh tối đa nhỏ hơn 0,25 kg để phục vụ vui chơi giải trí; hoạt động trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của tổ chức, cá nhân theo quyết định của cấp có thẩm quyền nhưng phải thông báo đến cơ quan quản lý hoạt động bay trước khi bay.
Luật này cũng quy định, để được đăng ký tàu bay không người lái, phương tiện bay khác phải đáp ứng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật do Bộ Quốc phòng ban hành hoặc công nhận; có giấy chứng nhận tiêu chuẩn kỹ thuật của nhà sản xuất đối với hàng hóa sản xuất tại Việt Nam.
Việc cấp phép bay phải phù hợp với thông số kỹ thuật, mục đích sử dụng của tàu bay không người lái, phương tiện bay khác, khả năng quản lý, điều hành, giám sát hoạt động bay và bảo đảm về quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, an toàn hàng không và lợi ích công cộng.
Bộ Quốc phòng cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay; Bộ Công an cấp phép bay hoặc phân cấp cho đơn vị thuộc quyền cấp phép bay đối với tàu bay không người lái, phương tiện bay khác của Bộ Công an và thông báo đến Bộ Quốc phòng để phối hợp quản lý.
Trường hợp cấp phép bay trong khu vực cấm bay, hạn chế bay và các khu vực khác có ảnh hưởng đến hoạt động bay của tàu bay quân sự thì phải được sự đồng ý của Bộ Quốc phòng.
Điều 34 của Luật này cũng quy định, máy bay không người lái hoạt động khi chưa được cấp phép bay; bay vào khu vực cấm, khu vực hạn chế khi chưa được phép hoặc không tuân thủ yêu cầu đình chỉ bay… sẽ bị chế áp, tạm giữ.
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã công bố khu vực cấm bay, hạn chế bay trên cả nước đối với thiết bị bay không người lái và phương tiện bay khác.
Cơ sở dữ liệu bản đồ khu vực cấm bay, khu vực hạn chế bay được quản lý theo quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước và được cập nhật theo chu kỳ 2 năm một lần hoặc cập nhật ngay khi có thay đổi. Các vùng cấm và hạn chế bay tập trung ở khu vực cảng hàng không, sân bay, khu vực quốc phòng, an ninh trọng yếu và các khu vực khác theo yêu cầu.
Trong dữ liệu bản đồ khu vực cấm bay được chia ra làm 2 vùng màu sắc riêng biệt thể hiện vùng cấm bay và hạn chế bay theo từng địa phương. Người dân muốn sử dụng thiết bị bay không người lái cần làm thủ tục cấp phép bay trực tuyến, thông qua Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Quốc phòng.
Hồ sơ xin cấp phép bay bao gồm: Đơn đề nghị cấp phép bay; ảnh thiết bị, phương tiện bay; bản thuyết minh kỹ thuật hàng không của thiết bị; giấy phép hoặc giấy ủy quyền hợp pháp cho phép thiết bị thực hiện cất, hạ cánh tại sân bay, khu vực trên mặt đất và mặt nước; các giấy tờ, tài liệu khác liên quan đến thiết bị bay.
Thời gian nộp đơn đề nghị cấp phép bay phải ít nhất là 7 ngày trước thời gian tổ chức thực hiện việc sử dụng thiết bị bay không người lái. Đơn phải gửi đến Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam. Sau đó, Cục Tác chiến sẽ xem xét để cấp phép đối với việc sử dụng thiết bị bay không người lái, hoặc ra văn bản từ chối cấp phép bay.