Việt Nam ghi dấu với 5 địa danh du lịch bền vững
5 điểm đến nổi bật được hơn 32.000 du khách toàn cầu bình chọn trong khảo sát mới nhất.
Theo báo cáo Du lịch và Phát triển bền vững 2025 của Booking.com, 99% du khách Việt Nam mong muốn lựa chọn hình thức du lịch bền vững hơn, trong đó 83% đã chủ động thay đổi thói quen để hiện thực hóa điều đó.
Cùng với xu hướng này, nhiều địa phương tại Việt Nam đã và đang nỗ lực tạo ra những trải nghiệm du lịch ý nghĩa, ít tác động đến môi trường nhưng vẫn giữ gìn, tôn vinh giá trị bản địa.
Dưới đây là 5 điểm đến có tỉ lệ cơ sở lưu trú đạt chứng nhận bền vững cao nhất trên nền tảng Booking.com
Châu Đốc (An Giang)
Là nơi giao thoa văn hóa của người Kinh, Chăm và Khmer, Châu Đốc hấp dẫn bởi nét sinh hoạt đời thường mộc mạc bên dòng sông Hậu.
Du khách có thể tìm hiểu đời sống tâm linh tại các địa danh nổi tiếng như núi Sam hay miếu Bà Chúa Xứ, khám phá làng dệt truyền thống của người Chăm tại cù lao Châu Giang.
Rừng tràm Trà Sư là một khu rừng ngập nước được bảo tồn, với điểm nhấn hệ động thực vật phong phú; Là nơi du khách có thể trải nghiệm giữa tán tràm bằng xuồng và ngắm nhìn đàn chim quý trong môi trường sống tự nhiên.

(Ảnh: Trasu Tourist Area)
Hà Tĩnh
Hà Tĩnh đang dần khẳng định mình là điểm đến tiêu biểu của du lịch bền vững nhờ sự hòa quyện giữa cảnh quan thiên nhiên và giá trị truyền thống. Những cánh rừng của Vườn quốc gia Vũ Quang được công nhận là Vườn di sản ASEAN.
Địa danh này cùng với bãi biển Thiên Cầm thanh bình tạo nên một hành trình gần gũi với thiên nhiên.
Đồng thời, Hà Tĩnh còn đầu tư vào du lịch cộng đồng, khôi phục làng nghề và phát triển mô hình du lịch gắn với nông thôn.
Các điểm tham quan như: Khu lưu niệm Nguyễn Du hay làng nghề thủ công truyền thống là những lát cắt đặc sắc trong bức tranh du lịch bền vững của địa phương.

(Ảnh: Việt Hùng)
Phủ Lý (Hà Nam cũ, nay là tỉnh Ninh Bình)
Phủ Lý là minh chứng cho sự phát triển đô thị đi đôi với bảo tồn văn hóa. Những con phố di sản, các lễ hội dân gian, làng nghề truyền thống như làng trống Đọi Tam hay làng lụa Nha Xá vẫn được gìn giữ và giới thiệu đến du khách như một phần trong định hướng du lịch gắn kết cộng đồng.
Thành phố còn lồng ghép bảo tồn văn hóa trong quy hoạch đô thị, hỗ trợ các nghệ nhân và thúc đẩy các hoạt động du lịch có trách nhiệm, góp phần định hình một mô hình phát triển bền vững đặc trưng vùng đồng bằng Bắc Bộ.

(Ảnh: Báo Hà Nam)
Sông Cầu (Phú Yên cũ, nay là tỉnh Đắk Lắk)
Tọa lạc giữa Quy Nhơn và Tuy Hòa, thị xã Sông Cầu là một “ốc đảo” du lịch yên bình nơi người dân địa phương duy trì lối sống bền vững qua nhiều thế hệ.
Từ cải tiến mô hình nuôi trồng thủy sản đến phát triển các hoạt động du lịch gắn với đời sống làng biển như: Đan bóng, làm bánh tráng dừa hay chèo thuyền thúng, nơi đây tạo điều kiện để du khách hòa nhập với văn hóa địa phương.
Sự bền vững không chỉ là mục tiêu phát triển mà đã trở thành nếp sống, thói quen hàng ngày của cộng đồng dân cư.

(Ảnh: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Phú Yên)
Tam Kỳ (Quảng Nam cũ, nay là TP Đà Nẵng)
Tam Kỳ sở hữu sự cuốn hút riêng từ bức tranh thiên nhiên và chiều sâu văn hóa. Các sáng kiến du lịch xanh như mô hình homestay cộng đồng, tour chèo thuyền sinh thái, lễ hội hoa Sưa thường niên ở làng Hương Trà... đã tạo ra cơ hội kết nối chặt chẽ giữa du khách và cư dân địa phương.
Những trải nghiệm chậm rãi, sâu sắc ấy giúp du khách hiểu thêm về đời sống vùng ven biển miền Trung, đồng thời góp phần thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng bền vững.

(Ảnh: S.X)
Với định hướng phát triển gắn kết môi trường – văn hóa – cộng đồng, những điểm đến trên đang góp phần hình thành một diện mạo mới cho du lịch Việt Nam bền vững hơn, nhân văn hơn và sâu sắc hơn. Đây cũng là lời mời gọi du khách tiếp tục khám phá đất nước bằng tâm thế trách nhiệm và trân trọng.