Từ 15h chiều nay (26/6), Bộ Công Thương công bố điều chỉnh giá xăng dầu với mức tăng của nhiều mặt hàng, các hãng bay lo ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
Trong khi các hãng bay kỳ vọng giá dầu giảm sẽ giúp tiết kiệm chi phí, dần tiến tới giảm giá vé máy bay thì những ngày qua, giá dầu thế giới biến động liên tục do ảnh hưởng của chiến sự Iran – Israel khiến các hãng lo lắng.
Giá dầu trong nước, thế giới đều tăng
Theo Bộ Công Thương, căn cứ diễn biến giá xăng dầu thế giới, biến động tăng tỉ giá VND/USD và các quy định hiện hành, liên bộ Công Thương - Tài chính quyết định điều chỉnh giá bán lẻ các mặt hàng xăng dầu nhằm đảm bảo giá trong nước phù hợp với xu hướng thế giới, khuyến khích sử dụng nhiên liệu sinh học và hài hòa lợi ích giữa các bên tham gia thị trường.
Theo cơ quan liên bộ Công Thương - Tài chính, thị trường xăng dầu thế giới kỳ điều hành từ ngày 19 đến 26/6 chịu ảnh hưởng của nhiều yếu tố với xu hướng tăng cho tất cả các mặt hàng.
Cụ thể tăng lên mức 84,436 USD/thùng xăng RON 92 dùng để pha chế xăng E5 RON 92 (tăng 1,348 USD/thùng, tương đương tăng 1,62%); 86,282 USD/thùng xăng RON 95 (tăng 1,154 USD/thùng, tương đương tăng 1,36%).
Với các mặt hàng dầu, tăng lên mức 90,136 USD/thùng dầu hỏa (tăng 2,558 USD/thùng, tương đương tăng 2,92%); 92,416 USD/thùng dầu diesel 0.05S (tăng 2,860 USD/thùng, tương đương tăng 3,19%); 462,876 USD/tấn dầu mazut 180CST 3,5S (giảm 13,970 USD/tấn, tương đương giảm 2,93%).
Như vậy giá xăng dầu đã tăng ba phiên liên tiếp thời gian gần đây, đặc biệt là mức tăng mạnh ở kỳ này do chịu tác động của diễn biến cuộc chiến tại các nước Trung Đông.
Giá dầu, trong đó có nhiên liệu hàng không, biến động mạnh trong những ngày qua. Ảnh minh họa.
Thị trường thế giới ngày 26/6 cũng giao dịch dầu Brent ở mức tăng 0,54 USD/thùng, tương đương 0,8%, lên 67,68 USD/thùng. Riêng dầu WTI có mức tăng 0,55 USD/thùng, tương đương 0,9%, lên 64,92 USD/thùng. Đây là loại dầu thường sử dụng cho nhiên liệu máy bay.
Trước đó, căng thẳng chiến sự tại Iran – Israel khiến Iran “dọa” sẽ đóng eo biển Hormuz – tuyến đường biển vận chuyển đến 25% nguồn cung dầu của thế giới.
Theo dữ liệu từ Công ty phân tích Vortexa, từ đầu năm 2022 đến tháng trước, mỗi ngày có khoảng 17,8 triệu đến 20,8 triệu thùng dầu thô, khí ngưng tụ (condensate) và nhiên liệu đi qua eo biển này.
Các thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) gồm Ả Rập Xê Út, Iran, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Kuwait và Iraq xuất khẩu phần lớn dầu thô của họ qua eo biển này, chủ yếu là sang châu Á.
“
Nhiên liệu máy bay phản lực được phân loại gồm Jet A-1 (sử dụng chủ yếu), Jet A (chỉ sử dụng ở Mỹ) và Jet B (sử dụng trong vùng có khí hậu lạnh). Tất cả các nhiên liệu này đều có gốc là dầu hỏa, với một số các chất phụ gia bổ sung.
Saul Kavonic, chuyên gia năng lượng cấp cao của MST Marquee, nhận định, thị trường sẽ đối mặt với nguy cơ gián đoạn nguồn cung ở quy mô chưa từng thấy trong vài tuần tới, có thể còn nghiêm trọng hơn cú sốc giá dầu năm 2022 sau chiến tranh Ukraine.
Theo đó, Kavonic cảnh báo nếu Iran đóng eo biển Hormuz, các lực lượng phương Tây sẽ “can thiệp trực tiếp” để mở lại tuyến đường huyết mạch này.
Khi đó, giá dầu có thể tiến sát mốc 100 USD/thùng, thậm chí chạm lại mức đỉnh năm 2022 nếu tình trạng đóng cửa kéo dài quá vài tuần.
Hãng bay lo sốt vó vì giá dầu ảnh hưởng hàng triệu USD
Việc giá dầu thế giới biến động liên tục khiến chi phí hoạt động của các hãng bay Việt Nam cũng khó khăn hơn.
Tại ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của Tổng Công ty Hàng không Việt Nam - CTCP (Vietnam Airlines; HOSE: HVN) vừa tổ chức ngày 25/6, chia sẻ về những yếu tố rủi ro tác động vào lợi nhuận của Vietnam Airlines năm 2025, Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà cho biết, một trong những yếu tố tác động mạnh nhất đến hoạt động vận tải hàng không hiện nay là giá nhiên liệu.
Theo ông Hà, giá nhiên liệu bay thời gian gần đây biến động rất lớn, đặc biệt do ảnh hưởng từ xung đột tại Trung Đông giữa Iran và Israel. Giá nhiên liệu chiếm khoảng 30% chi phí vận tải, trong khi đó, có những ngày giá nhiên liệu lên tới 95 USD/thùng, một mức giá rất cao.
Như trong ngày 19-20/6 vừa qua, giá dầu tăng rất cao, gây áp lực lớn đến chi phí vận hành của Vietnam Airlines.
“Với đặc thù ngành hàng không, chỉ cần giá nhiên liệu biến động 1 USD cũng có thể ảnh hưởng đến nhiều triệu USD kết quả kinh doanh của HVN trong cả năm”, ông Hà chia sẻ.
“
Chỉ cần giá nguyên liệu biến động 1 USD, hàng triệu USD trong kết quả kinh doanh sẽ bị ảnh hưởng theo
Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà
Bên cạnh giá nhiên liệu, ông Lê Hồng Hà cũng chia sẻ thêm, xung đột tại một số khu vực còn ảnh hưởng đến thời gian bay khi các chuyến bay phải điều chỉnh lộ trình để tránh vùng nguy hiểm, làm tăng chi phí vận hành.
Ông Trần Văn Hữu, Kế toán trưởng HVN cũng đưa ra nhận định, ngoài rủi ro về giá nhiên liệu, tỷ giá cũng là yếu tố đáng lo ngại đối với hoạt động kinh doanh vận tải hàng không của hãng bay trong năm 2025.
Hiện nay, cơ cấu về chi phí bằng ngoại tệ của Vietnam Airlines khá lớn, chiếm khoảng 65% tổng chi phí. Về nhiên liệu, hãng cũng tiếp tục điều hành linh hoạt và áp dụng phụ thu nhiên liệu hợp lý khi cần thiết, đồng thời nghiên cứu phân loại rủi ro để giảm tác động tiêu cực từ biến động giá dầu.
Công ty CP Nhiên liệu bay Petrolimex cung cấp nhiên liệu bay cho máy bay của hãng Bamboo Airways. Ảnh minh họa.
Không riêng Vietnam Airlines, tại Đại hội đồng cổ đông thường niên tổ chức hồi cuối tháng 5 vừa qua, ông Michael Hickey - Phó Tổng Giám đốc khai thác (COO) của Vietjet cũng thông tin, trong năm nay, Vietjet cho biết, hãng kỳ vọng nhiều vào các chương trình tiết giảm nhiên liệu nhằm giảm chi phí hoạt động trong năm 2025.
Theo đó, trong kế hoạch năm 2025, Vietjet đặt mục tiêu giảm chi phí nhiên liệu từ 5 – 10% so với năm trước. Hãng thực hiện hợp tác và liên doanh với các nhà cung cấp để mua trữ nhiên liệu bay nhằm tận dụng ưu thế giá nhiên liệu bay khi đang ở mức thấp.
Thời điểm đó, ông Michael Hickey thông tin, hãng đang xem xét việc thực hiện hedging ở mức 70 – 85 USD/thùng để gia tăng lợi nhuận. Tuy nhiên, sự biến động của giá dầu thế giới thời gian qua và trong tương lai dự báo sẽ ảnh hưởng nhiều tới kết quả các kế hoạch của hãng bay này.
Nhiên liệu bền vững SAF cũng khiến hãng bay lo lắng
Liên quan đến nhiên liệu hàng không bền vững (SAF), đại diện VNA cho rằng, việc đáp ứng tỷ lệ tối thiểu 2% SAF là yêu cầu bắt buộc của ngành hàng không toàn cầu.
Tuy nhiên, chi phí SAF hiện rất cao, gây áp lực lên lợi nhuận của các hãng bay. Do đó, Vietnam Airlines kiến nghị Chính phủ hỗ trợ tăng nguồn cung trong nước, đồng thời xem xét các chính sách hỗ trợ về thuế, phí để kiểm soát chi phí vận hành ở mức hợp lý, bảo đảm hiệu quả tài chính chung.