Trong nước

Côn Đảo, Lý Sơn... Lấn biển để bay

Nam Bình 26/05/2025 16:18

Cảng hàng không Côn Đảo có thể sẽ trở thành cảng hàng không lấn biển đầu tiên của Việt Nam và điểm đặc biệt nữa là sân bay này lấn chứ không lấp biển.

san-bay-hong-kong-1.jpg

Mô hình lấn biển xây dựng sân bay vốn đã phổ biến tại nhiều quốc gia có địa hình hạn chế như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore, nhưng với Việt Nam, đây là một hành trình hoàn toàn mới – đầy cơ hội nhưng cũng không ít thách thức.

Sân bay Côn Đảo lấn chứ không lấp biển

Cục Hàng không Việt Nam vừa có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý về đề xuất tài trợ sản phẩm hồ sơ quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo của Tập đoàn Sun Group.

Theo kế hoạch, đường cất hạ cánh sân bay Côn Đảo sẽ được kéo dài để nâng sân bay lên tiêu chuẩn cấp 4E, có thể khai thác các loại máy bay thân rộng như A320, A321, A350 và Boeing 787. Công suất khai thác dự kiến đạt 2 triệu hành khách/năm vào năm 2030.

Sun Group kỳ vọng sân bay Côn Đảo sẽ có thể đón các chuyến bay quốc tế từ Đông Bắc Á như Nhật Bản, Hàn Quốc, cũng như từ châu Âu và châu Mỹ. Bên cạnh đó, cảng hàng không này còn phục vụ hoạt động quân sự, đảm bảo quốc phòng, an ninh và chủ quyền biển đảo.

Trước đó, trong chuyến công tác tại huyện Côn Đảo ngày 3/5 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu không lấp biển mà dùng xi măng, sắt thép để nối đường băng sân bay từ 1.830 m hiện nay lên thành 3.800 m và đưa sân bay này trở thành sân bay quốc tế…

Đây được xem là giải pháp đột phá khi quỹ đất trên đảo vốn hạn chế và đang chịu áp lực lớn từ nhu cầu tăng trưởng khách du lịch.

Năm 2024, huyện Côn Đảo đón 586.000 lượt khách, trong đó có 24.000 lượt khách quốc tế, tăng 41% so với năm 2023. Việc nâng cấp sân bay Côn Đảo nhằm đáp ứng nhu cầu đang ngày càng tăng của du khách. Ảnh minh họa.
Việc nâng cấp sân bay Côn Đảo đang là yêu cầu cấp thiết, nhằm đáp ứng nhu cầu tăng cao của du khách, tuy nhiên, cần phải tính đến giải pháp kỹ thuật xây dựng sân bay lấn biển khi thực hiện quy hoạch mở rộng sân bay Côn Đảo . Ảnh minh họa.

Sân bay Côn Đảo do người Pháp xây dựng vào thế kỷ 19, có đường băng ngắn, bao quanh là biển và núi. Hiện, đường cất hạ cánh, đường lăn tại cảng hàng không Côn Đảo đã xuống cấp, khả năng chịu tải kém.

Chiều rộng đường cất hạ cánh 30 m không đảm bảo tiêu chuẩn khai thác tàu bay code C, chỉ đáp ứng khai thác các loại máy bay như ATR72 và tương đương (Embraer E190/E195 giảm tải).

Ngoài ra, sân bay Côn Đảo không thể khai thác vào ban đêm do thiếu đèn chiếu sáng và hệ thống điều hành bay hiện đại. Trong khi đó, lượng khách đến Côn Đảo tăng trung bình 25-30%/năm trong suốt một thập kỷ qua. Bài toán mở rộng hạ tầng do đó trở nên cấp thiết.

Nếu được triển khai theo hình thức lấn biển nhưng không lấp biển, đây sẽ là lần đầu tiên Việt Nam hiện thực hóa mô hình cảng hàng không quy mô lớn lấn biển – một giải pháp không còn xa lạ với thế giới, nhưng lại đòi hỏi những tiêu chuẩn kỹ thuật, công nghệ và năng lực triển khai rất cao.

Sân bay Lý Sơn cũng lấn biển

Không chỉ riêng Côn Đảo, trong Thông báo số 243/TB-VPCP ngày 19/5/2025, thông báo kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Thủ tướng cũng đã yêu cầu Thái Bình nghiên cứu các phương án lấn biển để mở rộng không gian phát triển công nghiệp, nghiên cứu xây dựng cảng biển, sân bay phục vụ nhu cầu phát triển dài hạn.

Cùng ý tưởng đó, mới đây, tỉnh Quảng Ngãi cũng đã đề xuất lấn biển hơn 127 ha tạo quỹ đất mới làm Sân bay Lý Sơn.

Cụ thể, nằm trong định hướng quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, việc phát triển cảng hàng không, sân bay tại huyện đảo Lý Sơn của Quảng Ngãi được cụ thể hóa là sân bay lưỡng dụng quân sự và dân dụng cấp 4C, năng lực khai thác từ 3 - 3,5 triệu hành khách/năm.

Theo chương trình phát triển đô thị thời kỳ mới, Lý Sơn sẽ phát triển phân khu sân bay Lý Sơn diện tích gần 162ha trong đó phần diện tích lấn biển lên tới gần 128ha, định hướng xây dựng kết cấu hạ tầng sân bay và hệ thống cơ sở hạ tầng, dịch vụ, phát triển trung tâm logistics và mạng lưới giao thông đường bộ, tuyến tàu điện kết nối nhà ga sân bay với các khu chức năng khác trên đảo.

Ly Son
Cách đất liền 17 hải lý, đảo Lý Sơn vừa đề xuất lấn biển để xây dựng sân bay, phục vụ phát triển du lich. Ảnh: Bùi Thanh Trung.

Trên cơ sở báo cáo của đơn vị tư vấn, UBND huyện Lý Sơn cho biết, việc quy hoạch lấn biển để tạo quỹ đất mới, mở rộng không gian nhằm đầu tư xây dựng sân bay Lý Sơn là cần thiết.

Nguyên nhân là diện tích hiện hữu của đảo không lớn và mật độ dân số khá cao nên để đảm bảo các thông số kỹ thuật của sân bay, an toàn cho máy bay khi cất, hạ cánh và cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sân bay buộc phải có phương án quy hoạch lấn biển (và có thể là lấp biển - PV).

Trong diễn biến mới nhất, nhằm cụ thể hóa mục tiêu đạt chuẩn đô thị loại V trong năm 2025, loại III vào năm 2040, huyện đảo Lý Sơn đã đề ra mục tiêu đưa dự án sân bay Lý Sơn vào danh mục công trình đặc biệt quốc gia, ưu tiên đầu tư với phân kỳ hai giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035.

Dự án được tính toán sử dụng 100% ngân sách, với tổng mức đầu tư 2.000 tỷ đồng – chia đều cho hai giai đoạn, từ vốn Trung ương theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh.

Từ Kansai đến Changi: Những bài học từ các sân bay lấn biển thành công

Trên thế giới, các sân bay lấn biển nổi bật như Kansai (Nhật Bản), Incheon (Hàn Quốc), Hong Kong International Airport (Chek Lap Kok), Chubu Centrair (Nagoya), và gần nhất là sân bay quốc tế mới của Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ, một phần ven biển), đều là những công trình kỳ vĩ. Đa phần được xây dựng do hạn chế quỹ đất nội đô hoặc để giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn cho khu dân cư.

Sân bay Kansai (Nhật Bản) được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo rộng 4 x 2,5 km, sân bay Kansai là một kỳ quan kỹ thuật được đánh giá cao khi hoàn thành. Các kỹ sư đã sử dụng hơn 2,2 triệu ống cát và hàng triệu tấn đất đá để tạo nên nền móng vững chắc trên lớp đất sét mềm yếu dưới đáy biển.

shutterstock_1980597041.jpg
Sân bay Kansai (Nhật Bản) được xây dựng trên một hòn đảo nhân tạo, nhưng hiện đang lún dần. Ảnh: Shutterstocks.

Khánh thành năm 1994 với tổng chi phí ước tính trên 20 tỷ USD, sân bay này là một bước đột phá, giải quyết bài toán quá tải ở sân bay Itami của Osaka và thúc đẩy giao thương quốc tế cho khu vực Kansai. Tuy nhiên, sân bay này đối mặt với vấn đề lún nền nghiêm trọng, đòi hỏi chi phí bảo trì khổng lồ.

Sân bay Incheon (Hàn Quốc) cũng được xây dựng trên một đảo nhân tạo cách Seoul 45 km về phía Tây, cách bờ biển thành phố Incheon 15km. Với chi phí hơn 5 tỷ USD cho giai đoạn đầu, sân bay Incheon được đầu tư hệ thống hạ tầng chống ăn mòn và quản lý rủi ro môi trường kỹ lưỡng ngay từ đầu.

Trong khi đó, sân bay Hong Kong International Airport (Chek Lap Kok) là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất châu Á, được xây dựng từ việc san bằng và mở rộng hai hòn đảo tự nhiên. Công trình có hệ thống bảo vệ bờ và công nghệ xử lý nước hiện đại để đối phó với thời tiết khắc nghiệt.

Tương lai nào cho Việt Nam trong cuộc chơi lấn biển xây dựng sân bay?

Trong bối cảnh du lịch phát triển nhanh, nhưng hạ tầng sân bay tại các điểm đến trọng điểm như Côn Đảo, Phú Quốc, Nha Trang đang chịu áp lực quá tải, mô hình sân bay lấn biển có thể là lời giải cho bài toán tăng trưởng và bảo tồn.

Tuy nhiên, đây không phải là "cuộc chơi cho tất cả". Cần có những doanh nghiệp có đủ năng lực tài chính, kinh nghiệm triển khai hạ tầng quy mô lớn và cam kết phát triển bền vững thì mới có thể đảm bảo dự án thành công.

Không chỉ là giải pháp phát triển hạ tầng hàng không, sân bay lấn biển – nếu làm đúng cách, còn có thể trở thành biểu tượng công nghệ và phát triển xanh của Việt Nam.

Cuộc thử nghiệm tại Côn Đảo nếu thành công sẽ mở ra tương lai mới cho ngành hàng không Việt Nam. Xét về điều kiện địa lý, khí hậu nhiệt đới gió mùa, bão và áp thấp nhiệt đới thường xuyên là yếu tố khiến việc xây dựng sân bay lấn biển tại Việt Nam trở nên phức tạp hơn nhiều so với các nước ôn đới.

Bên cạnh đó, hệ sinh thái biển đa dạng và nhạy cảm như tại Côn Đảo - vốn là Khu bảo tồn thiên nhiên quốc gia, càng đòi hỏi quy trình đánh giá tác động môi trường cực kỳ nghiêm ngặt.

Theo đó, để triển khai sân bay lấn biển, Việt Nam cần đáp ứng đồng thời nhiều điều kiện như Nghiên cứu địa chất – thủy văn kỹ lưỡng, hệ thống thoát nước và bảo vệ bờ kiên cố, công nghệ vật liệu hiện đại, chống ăn mòn, có giải pháp giao thông kết nối đồng bộ cũng như cần đánh giá tác động môi trường độc lập, minh bạch…

Rua bien
Hệ sinh thái biển đa dạng và nhạy cảm như tại Côn Đảo cũng là yếu tố phải cân nhắc khi thực hiện phương án lấn biển để mở rộng sân bay. Trong ảnh: Lực lượng kiểm lâm Vườn Quốc gia Côn Đảo thả 2 cá thể rùa quý hiếm về tự nhiên tại khu vực biển Vịnh Đầm Tre.

Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, sân bay Côn Đảo nằm trên huyện đảo, do đó giải pháp kỹ thuật xây dựng sân bay lấn biển khi thực hiện quy hoạch là điều cần thiết.

Theo đó, đơn vị tư vấn lập quy hoạch cũng phải đánh giá đầy đủ tác động môi trường biển do việc xây dựng công trình như đê kè bảo vệ, hạ tầng hàng không và tính phức tạp của toàn bộ dự án – từ khảo sát, thi công đến bảo trì.

Tuy nhiên, hiện Việt Nam chưa có tiền lệ triển khai cảng hàng không quy mô lớn theo hình thức lấn biển. Vì vậy, công tác quy hoạch cần có sự tham gia của tư vấn quốc tế có năng lực, kinh nghiệm trong quy hoạch sân bay trên đảo, nhằm đảm bảo chất lượng và tính khả thi của đồ án quy hoạch.

Côn Đảo là một quần đảo có vị trí chiến lược đặc biệt và tiềm năng phát triển du lịch không giới hạn. Với lượng du khách tới Côn Đảo và cả các tỉnh giáp biển như Kiên Giang, Khánh Hòa… tăng mạnh qua từng năm, nhu cầu đầu tư, mở rộng sân bay trở thành bài toán cấp bách.

Phương án lấn biển có thể là lối đi chiến lược trong việc phát triển hàng không - du lịch, không chỉ ở Côn Đảo, mà còn mở ra hướng phát triển mới cho các địa phương dọc bờ biển dài hơn 3.200km trên cả nước trong tương lai.

Theo Cục Hàng không Việt Nam, trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế, việc cân đối và bố trí vốn để lập quy hoạch có thể không kịp tiến độ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Do đó, cơ quan này kiến nghị Bộ Xây dựng xem xét, chấp thuận tiếp nhận sản phẩm tài trợ quy hoạch Cảng hàng không Côn Đảo từ Sun Group theo đề xuất tại Văn bản số 186/2025/CV-SHD ngày 16/5/2025.

Tuy nhiên, việc tiếp nhận sản phẩm tài trợ phải bảo đảm tuân thủ nghiêm các nguyên tắc quy định tại Nghị định số 05/2021/NĐ-CP, đặc biệt là không được ràng buộc đến hình thức đầu tư, khai thác, phát triển cảng hàng không trong tương lai.

Cục Hàng không cũng lưu ý, nhà tài trợ phải có trách nhiệm lựa chọn đơn vị tư vấn đủ năng lực theo quy định, đặc biệt là tư vấn quốc tế am hiểu quy hoạch cảng hàng không trên đảo.

Đồng thời, phải cam kết phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng, Cục Hàng không và các cơ quan liên quan trong quá trình lập quy hoạch để đảm bảo tiến độ hoàn thành.

Nam Bình