Vietnam Airlines được đặt cọc có hoàn trả để giữ lịch mua 50 máy bay thân hẹp
Thường trực Chính phủ đồng ý việc Vietnam Airlines vừa xây dựng Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp vừa đàm phán với nhà sản xuất tàu bay theo quy định. Bộ trưởng Tài chính sẽ làm việc với Vietnam Airlines để thống nhất việc bảo lãnh từ Chính phủ đối với các khoản vay từ các tổ chức tín dụng nước ngoài.
Văn phòng Chính phủ vừa có Thông báo số 236/TB-VPCP thông báo kết luận của Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (mã chứng khoán HVN).
Thông báo nêu rõ, ngày 14/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp Thường trực Chính phủ về Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA).
Cùng dự cuộc họp có các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ: Tài chính, Xây dựng, Tư pháp, Ngoại giao và Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam.

Sau khi nghe báo cáo của lãnh đạo Bộ Tài chính và ý kiến thống nhất của các Phó Thủ tướng, Thường trực Chính phủ đã kết luận đồng ý kiến nghị của Bộ Tài chính để thực hiện Dự án đầu tư tàu bay thân hẹp của Vietnam Airlines theo chủ trương đã được Phó Thủ tướng Hồ Đức Phớc đồng ý tại văn bản số 3695/VPCPCN ngày 28/4/2025 nhằm đáp ứng yêu cầu cấp bách trong hoạt động đối ngoại của quốc gia.
Cụ thể, Thường trực Chính phủ đồng ý Vietnam Airlines vừa xây dựng Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp vừa đàm phán với nhà sản xuất tàu bay theo quy định tại khoản 2 Điều 14 Nghị định số 110/2011/NĐ-CP. Cho phép Vietnam Airlines được đặt cọc (có hoàn trả) để giữ lịch tàu bay và các ưu đãi khác trước khi lập dự án hoặc ký kết hợp đồng mua tàu bay theo quy định tại khoản 8 Điều 16 Nghị định số 110/2011/NĐ-CP.
Bộ Tài chính và Vietnam Airlines chịu trách nhiệm toàn diện về đề xuất theo quy định của pháp luật; Vietnam Airlines chịu trách nhiệm nếu để thất thoát, lãng phí, tiêu cực, tham nhũng.
Giao Bộ trưởng Bộ Tài chính làm việc với Vietnam Airlines để thống nhất việc bảo lãnh từ Chính phủ đối với các khoản vay của Vietnam Airlines từ các tổ chức tín dụng nước ngoài, báo cáo lại Thường trực Chính phủ trước ngày 25/5/2025.

Trước đó, giữa tháng 5 vừa qua, Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025 của Vietnam Airlines vừa thông qua chủ trương Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Cụ thể, Vietnam Airlines sẽ mua mới 50 tàu bay thân hẹp dưới 200 ghế (>160 ghế) tương đương cấu hình của dòng tàu bay A320Neo/ Boeing737Max (bao gồm động cơ treo trên cánh, các thiết bị chọn thêm) và 10 động cơ dự phòng.
Dự án có tổng mức đầu tư 3,587 tỷ USD (tương đương 92.379,848 tỷ đồng) này sẽ có thời gian thực hiện là từ 2025 đến năm 2050, trong đó các tàu bay sẽ được các đơn vị cung cấp bàn giao cho Vietnam Airlines đưa vào khai thác trong giai đoạn từ 2030-2032.
Vietnam Airlines dự kiến sử dụng kết hợp nguồn vốn tự có và vốn huy động từ bên ngoài/ bán và thuê lại (Sale and Leaseback - SLB) tàu bay để tài trợ Dự án đầu tư 50 tàu bay thân hẹp.
Theo đó, hãng sẽ sử dụng nguồn vốn chủ sở hữu khoảng 1,6 tỷ USD (tương đương 43.000 tỷ đồng), chiếm tỷ trọng 46,4% tổng mức đầu tư Dự án để đối ứng mua tàu bay, mua động cơ dự phòng và thanh toán các khoản chi phí khác.
Nguồn vốn vay với tổng giá trị 1,9 tỷ USD (tương đương 49.400 tỷ đồng) sẽ được Vietnam Airlines thanh toán các khoản thanh toán trả trước cho nhà sản xuất và thanh toán tiền mua tàu bay còn lại tại thời điểm nhận tàu.
Bên cạnh đó, để giảm áp lực tài chính và đảm bảo cân đối nguồn vốn, Vietnam Airlines sẽ áp dụng cấu trúc SLB cho 25 tàu bay, dự kiến thu về 1,6 tỷ USD (tương đương khoảng 42.000 tỷ đồng).

Trao đổi với Tạp chí Hàng không, các chuyên gia cho biết, hiện nhu cầu nhu cầu về tàu bay trên thế giới đang tăng cao. Các đơn hàng tồn đọng của Airbus và Boeing hiện rất lớn. Trong trường hợp đặt cọc ngay từ đầu năm 2025 thì nhanh nhất phải sau 5 năm, nhà sản xuất mới có thể bàn giao tàu bay cho hãng hàng không.
Ông Đào Đức Vũ, Tổng giám đốc Công ty CP Hàng không Lữ hành Việt Nam - Vietravel Airlines, cũng thông tin, việc mua mới máy bay thời điểm hiện nay rất khó khăn.
Nguyên nhân là do nhà sản xuất máy bay Boeing đang phải đối mặt tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng khiến việc giao hàng đúng hẹn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, phía Airbus thì cho rằng, các hãng bay muốn mua máy bay mới phải xếp hàng từ nay đến năm… 2032 mới tới lượt.
Trong khi đó, nhu cầu di chuyển bằng đường hàng không ngày càng tăng cao, các hãng hàng không trong nước và thế giới đều có nhu cầu mở rộng đội bay trong bối cảnh nhiều máy bay vẫn đang phải “nằm chờ” vì vấn đề triệu lệnh hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney.
Đại diện Vietnam Airlines cho hay, hãng đang phải tạm dừng 12 máy bay A321neo dưới mặt đất do ảnh hưởng bởi triệu lệnh hồi động cơ của nhà sản xuất Pratt & Whitney và 2 máy bay A350 cũng bị ảnh hưởng bởi động cơ Rolls-Royce.
Không chỉ vậy, đến cuối năm nay, ngoài 17 chiếc máy bay A321 NEO, có 3-5 chiếc A350 cũng sẽ bị ảnh hưởng bởi lệnh triệu hồi động cơ của nhà sản xuất. Điều này khiến việc mở rộng mạng lưới của hãng bị hạn chế.

Vietnam Airlines là hãng bay do Nhà nước nắm giữ cổ phần chi phối với 86,19% cổ phần. Báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 của Vietnam Airlines cho thấy, doanh thu thuần đạt 30.550 tỷ đồng, tăng nhẹ so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại giảm 21,6%, từ 4.334 tỷ đồng xuống còn 3.400 tỷ đồng. Mặc dù biên lợi nhuận gộp cải thiện nhẹ, nhưng các chi phí tài chính và chi phí bán hàng, quản lý đã tăng đáng kể, tác động tiêu cực đến kết quả lợi nhuận.
Tính tới thời điểm tháng 5/2025, lỗ lũy kế của hãng vẫn còn rất lớn, lên đến 30.216 tỷ đồng, dù đã giảm nhẹ so với đầu năm. Tình trạng vốn chủ sở hữu âm, hiện là -5.854 tỷ đồng, tiếp tục đe dọa khả năng thanh toán dài hạn và khả năng tiếp cận các nguồn vốn cần thiết.
Trước đó, tại ngày 31/12/2024, Tổng tài sản của Vietnam Airlines đạt mức 58.064 tỷ đồng, tăng 347 tỷ so với hồi đầu năm nhưng Vietnam Airlines vẫn đang lỗ lũy kế 34.307 tỷ đồng (hồi đầu năm là lỗ 41.057 tỷ đồng); vốn chủ sở hữu âm hơn 10.000 tỷ đồng...