Tàu bay

'Tử chiến trên không': Vụ cướp máy bay năm 1978 tại Việt Nam được tái hiện bằng điện ảnh

Nam Bình 16/05/2025 08:04

Một vụ cướp máy bay gây chấn động năm 1978 vừa được các nhà làm phim Việt Nam tái hiện dưới góc nhìn điện ảnh trong bộ phim Tử chiến trên không, với sự diễn xuất của nam diễn viên Thái Hòa.

cuop.jpg

Điện ảnh Công an Nhân dân phối hợp cùng Galaxy Group vừa công bố những hình ảnh đầu tiên của bộ phim điện ảnh mới – lấy cảm hứng từ vụ cướp máy bay xảy ra năm 1978 tại sân bay Tân Sơn Nhất.

Bộ phim “Tử chiến trên không” do đạo diễn trẻ Lê Quang Thịnh thực hiện và diễn viên Thái Hòa đảm nhiệm vai chính được đánh giá bên cạnh là tác phẩm giải trí còn tái hiện lại một chương ít được biết đến trong lịch sử hàng không dân dụng Việt Nam.

Những vụ cướp hy hữu trong một giai đoạn cam go

Tài liệu của Cục Hàng không Việt Nam ghi lại, từ sau ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975), ngành hàng không dân dụng nỗ lực cải tổ, hoàn thiện để phục vụ nhu cầu của người dân.

Kết quả trong 4 năm từ 1976-1979 của ngành về vận chuyển hành khách tuyến bay trong nước được gần 1,2 triệu lượt khách, tuyến bay quốc tế được gần 40.000 lượt khách. Số lượng hành khách vận chuyển được năm sau cao hơn năm trước; chuyên chở hàng hóa, hành lý và bưu kiện được 8.624 tấn, tuyến nước ngoài được 700 tấn.

cuop.jpg
Hàng không dân dụng Việt Nam trong những năm từ 1976 - 1979 đã phục vụ gần 1,2 triệu lượt khách quốc nội và gần 40.000 lượt khách quốc tế. Ảnh tư liệu.

Tuy vậy, sau ngày giải phóng, tình hình chính trị, xã hội ở miền Nam còn nhiều phức tạp. Có lúc, các thế lực phản động lợi dụng kích động những phần tử bất mãn chống đối chế độ, trong đó có những vụ cướp máy bay, khống chế tổ bay để chạy ra nước ngoài, gây tâm lý hoang mang, lo sợ trong nhân dân và hành khách đi máy bay.

Có thể kể đến như vụ việc ngày 26/6/1978, bọn không tặc giả danh hành khách, âm mưu cướp chiếc DC-4 do tổ bay của phi công Phạm Trung Nam đang bay trên đường Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột.

Thời điểm đó, chiếc DC-4 của Hàng không Việt Nam do cơ trưởng Phạm Trung Nam điều khiển, chở 60 hành khách cất cánh từ sân bay Đà Nẵng, thực hiện lịch trình Đà Nẵng – Buôn Ma Thuột – Tân Sơn Nhất.

Khi máy bay đang trong hành trình bay qua khu vực miền Trung, một nhóm đối tượng đã dùng vũ khí uy hiếp tổ bay với âm mưu không tặc, yêu cầu chuyển hướng bay ra nước ngoài.

Tổ bay đã anh dũng chiến đấu, quyết liệt chống trả, không để chúng lọt vào buồng lái. Đồng thời, tổ bay đã kịp thời phân công vừa chống trả bọn không tặc, vừa xử lý đưa máy bay về sân bay Đà Nẵng hạ cánh, bảo đảm an toàn cho máy bay và hành khách. Bọn không tặc bị bắt, hai thành viên tổ lái bị thương nặng.

Hay như vụ việc ngày 7/2/1979, tổ bay của cơ trưởng Nguyễn Văn Tôn trên đường bay từ Đà Nẵng vào TP.HCM tiếp tục bị không tặc tấn công. Chúng có tổ chức, có lựu đạn, phân công nhau khống chế hành khách và tấn công buồng lái, định bắt tổ lái phải bay theo ý muốn, đưa chúng ra nước ngoài.

Trên chuyến bay này, chiến sĩ cảnh vệ trên không Nguyễn Đắc Thoại đã sớm phát hiện được âm mưu của chúng, kịp thời báo cho tổ bay xử lý, một mặt dũng cảm chiến đấu tiêu diệt bốn tên, bắn bị thương một tên. Số còn lại bị bắt sống. Trong lúc chiến đấu chống không tặc, tổ bay đã bình tĩnh điều khiển máy bay hạ cánh xuống sân bay Pleiku, đảm bảo an toàn cho hành khách và máy bay.

Khi điện ảnh chạm tới vùng ký ức ngành nghề

Thời điểm sau năm 1975, khi một số vụ việc cướp máy bay xảy ra, vấn đề chống không tặc của Hàng không Việt Nam được đặt ra cấp bách. Đây cũng là một công tác hoàn toàn mới mẻ đối với ngành hàng không dân dụng Việt Nam lúc bấy giờ.

“Thời gian đầu, vì chưa có kinh nghiệm nên ngành hàng không dân dụng đã đặt vấn đề phải hành động quyết liệt, lấy mục đích chính là diệt không tặc trên máy bay.

Do đó, ngoài việc củng cố các cửa để ngăn cách buồng lái với khoang hành khách, mắc hệ thống thông tin giữa tổ bay với các chiêu đãi viên, đề ra một số quy định nhằm đảm bảo an toàn, trật tự khi có tình huống phức tạp, bố trí cảnh vệ biết võ thuật giả làm hành khách đi máy bay, đồng thời trang bị súng cho tổ bay và chiêu đãi viên”, tài liệu của Cục Hàng không Việt Nam ghi lại.

Những sự kiện này tuy không được công bố rộng rãi vào thời điểm ấy nhưng được được xem là một dấu mốc "vượt cạn" của hàng không Việt Nam thời hậu chiến, đặt nền móng cho những quy chuẩn an ninh và ứng phó khẩn nguy sau này.

Trở lại với bộ phim Tử chiến trên không, đoạn teaser dài 30 giây hé lộ không khí nghẹt thở khi chuyến bay tưởng như bình thường bất ngờ trở thành tâm điểm của một âm mưu không tặc.

Ngay sau khi máy bay đạt độ cao ổn định, chuỗi sự kiện hồi hộp bắt đầu khi những dấu hiệu bất thường xuất hiện: ánh mắt cảnh giác, cử chỉ lạ lùng, vũ khí giấu kín… Từng nhân vật trên máy bay dường như đều mang theo một bí mật, góp phần xây dựng bầu không khí căng thẳng bao trùm…

Theo nhà sản xuất, Tử chiến trên không không chỉ là tác phẩm hành động - kịch tính, mà còn là lát cắt hiếm hoi về một trang sử ít người biết: thời điểm ngành hàng không Việt Nam phải đối mặt với hiểm họa không tặc tinh vi.

Với ngành hàng không – nơi an toàn là ưu tiên tuyệt đối – việc tái hiện một vụ cướp máy bay không phải là chủ đề dễ dàng. Tuy nhiên, nhìn nhận từ góc độ nghề nghiệp, đây là cơ hội để truyền thông ngành có thêm một kênh lan tỏa: hình ảnh người làm hàng không tận tụy, bản lĩnh trong mọi hoàn cảnh.

Bên cạnh yếu tố giải trí, bộ phim còn mang giá trị tư liệu cao khi được sản xuất bởi Điện ảnh Công an Nhân dân. Phim cũng khơi dậy tinh thần cảnh giác an ninh hàng không trong bối cảnh ngành hàng không ngày càng phát triển.

Từ ngày 1/3/2025, Bộ Công an chính thức tiếp nhận nhiệm vụ bảo đảm an ninh hàng không từ Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng). Trong khuôn khổ này, Trung tâm An ninh hàng không quốc gia đã được thành lập và ra mắt, đánh dấu bước chuyển giao chính thức trong quản lý, vận hành lực lượng an ninh hàng không

Nam Bình