Top 10 sân bay lớn nhất hành tinh năm 2025 từ công nghệ đến quy mô
Khi nhu cầu đi lại bằng đường hàng không ngày càng tăng, các sân bay không còn đơn thuần là điểm trung chuyển, mà đang dần trở thành những “siêu đô thị” về hạ tầng, kỹ thuật và dịch vụ hành khách.
.jpeg)
Các sân bay lớn nhất thế giới hiện nay không chỉ kết nối các thành phố, mà còn kết nối cả châu lục, nền kinh tế và nền văn hóa.
Dưới đây là danh sách 10 sân bay có diện tích lớn nhất thế giới tính đến năm 2025 theo Aviationa2z - những công trình thể hiện tham vọng toàn cầu của các cường quốc hàng không và du lịch.
1. Sân bay quốc tế King Fahd (DMM)
Dammam, Ả Rập Xê Út – 776 km²
Giữ kỷ lục là sân bay có diện tích lớn nhất thế giới, King Fahd gần như là một thành phố thu nhỏ. Dù chỉ phục vụ khoảng 10 triệu lượt hành khách mỗi năm, sân bay này có đầy đủ khu dân cư, nhà kính lớn phục vụ cảnh quan và một nhà thờ hồi giáo có sức chứa 2.000 người.

Ban đầu được xây dựng làm căn cứ không quân của Mỹ, sân bay được chuyển thành sân bay thương mại vào năm 1999 và hiện có tiềm năng trở thành trung tâm trung chuyển hàng không lớn của vùng Vịnh trong tương lai.
2. Sân bay quốc tế Denver (DEN)
Colorado, Mỹ – 135,7 km²
Là sân bay lớn nhất nước Mỹ và thứ 2 toàn cầu theo diện tích, Denver nổi bật với mái vòm trắng như dãy núi Rocky. Sân bay này thực sự là động lực kinh tế quan trọng của khu vực với hơn 200.000 việc làm và gần 70 triệu lượt khách mỗi năm.
.jpg)
3. Sân bay quốc tế Dallas/Fort Worth (DFW)
Texas, Mỹ – 69,6 km²
Nằm giữa hai thành phố Dallas và Fort Worth, DFW hoạt động như một thành phố độc lập với mã bưu điện, lực lượng cảnh sát và dịch vụ bưu chính riêng. Đây là trung tâm chính của hãng American Airlines, đóng vai trò then chốt trong việc kết nối Bắc Mỹ với Mỹ Latinh.
.jpg)
4. Sân bay quốc tế Orlando (MCO)
Florida, Mỹ – 53,8 km²
Là cửa ngõ chính dẫn tới Walt Disney World và các khu vui chơi lớn của Florida, sân bay này được thiết kế như một khu nghỉ dưỡng với khách sạn tích hợp và cảnh quan thiên nhiên. Mỗi năm, MCO đón hơn 50 triệu lượt khách.
.jpg)
5. Sân bay quốc tế Washington Dulles (IAD)
Virginia, Mỹ – 48,6 km²
Là điểm đến quốc tế chính của thủ đô Washington D.C., sân bay này nổi bật với thiết kế mái vòm đặc trưng và dịch vụ tàu điện AeroTrain hiện đại. IAD còn liên kết với trung tâm hàng không vũ trụ Smithsonian – tạo nên sự kết hợp độc đáo giữa du lịch và giáo dục.
.jpg)
6. Sân bay quốc tế Đại Hưng (PKX)
Bắc Kinh, Trung Quốc – 46,6 km²
Được thiết kế bởi kiến trúc sư quá cố Zaha Hadid, sân bay mới này có kiến trúc hình sao biển độc đáo, giúp hành khách không phải đi quá 8 phút từ trung tâm tới bất kỳ cửa ra máy bay nào. Tích hợp hệ thống đường sắt cao tốc và tự động hóa hiện đại, sân bay Đại Hưng được kỳ vọng sẽ trở thành sân bay bận rộn nhất thế giới vào năm 2040.

7. Sân bay quốc tế George Bush (IAH)
Houston, Mỹ – 44,5 km²
Là đầu mối hàng không lớn nhất miền Nam nước Mỹ, sân bay quốc tế George Bush (IAH) đón hơn 40 triệu lượt khách mỗi năm và giữ vai trò then chốt trong các tuyến bay kết nối Mỹ với khu vực Mỹ Latinh. Nhờ nằm gần trung tâm của ngành công nghiệp dầu khí và công nghệ không gian, IAH trở thành điểm đến quen thuộc của giới doanh nhân quốc tế.

8. Sân bay quốc tế Phố Đông (PVG)
Thượng Hải, Trung Quốc – 39,9 km²
Là cửa ngõ quốc tế chính của Thượng Hải, PVG kết nối Trung Quốc với hầu hết các châu lục. Đặc biệt, hệ thống tàu điện từ cao tốc tại đây là tuyến vận chuyển sân bay nhanh nhất thế giới.
.jpg)
9. Sân bay quốc tế Cairo (CAI) – Ai Cập – 36,3 km²
Là sân bay lớn nhất châu Phi về diện tích, CAI không chỉ là điểm trung chuyển, mà còn là một trung tâm văn hóa với thiết kế mang cảm hứng Ai Cập cổ đại và bảo tàng ngay trong khuôn viên. Đây là cửa ngõ đón khách du lịch tới khám phá nền văn minh sông Nile.

10. Sân bay Suvarnabhumi (BKK)
Bangkok, Thái Lan – 32,4 km²
Là sân bay lớn nhất Đông Nam Á, Suvarnabhumi kết hợp giữa tính năng hiện đại và yếu tố văn hóa bản địa cùng một khu vườn xanh mát. Được xây dựng trên vùng đất từng là đầm lầy “Cobra Swamp”, sân bay hiện phục vụ hơn 60 triệu lượt khách mỗi năm và là trung tâm du lịch then chốt của khu vực.

Các sân bay này không chỉ là điểm trung chuyển mà còn là biểu tượng của công nghệ, văn hóa và sức mạnh kinh tế. Khi ngành hàng không tiếp tục phát triển, các “siêu sân bay” này sẽ tiếp tục mở rộng, đóng vai trò quan trọng trong kết nối toàn cầu, thúc đẩy du lịch và đổi mới hạ tầng.