Quốc tế

Delta Airlines cao tay 'né' thuế, tiết kiệm hàng triệu USD

Thu Ngoan 05/05/2025 06:09

Chính sách thuế mới của Tổng thống Trump khiến nhiều mặt hàng nhập khẩu, kể cả máy bay, bị áp thuế cao. Điều này khiến các hãng bay như “ngồi trên đống lửa”, đặc biệt là Delta – khách hàng lớn của Airbus. Thế nhưng, Delta Airlines đã khéo léo “né” được khoản thuế này.

7.jpeg
Ảnh: Business-standard.

Trang Onemileatatime đưa tin, Giám đốc điều hành Delta Airlines, ông Ed Bastian, khẳng định hãng sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế nào khi nhận máy bay Airbus mới. Tuy nhiên, ông cũng không nói rằng hãng sẽ trì hoãn hoặc hủy nhận các máy bay đang được sản xuất ở nước ngoài.

Hiện chưa rõ thông tin Delta Airlines đã xoay xở bằng cách nào nhưng các chuyên gia suy đoán có thể hãng sử dụng các trung tâm lắp ráp tại Mỹ hoặc tận dụng kẽ hở trong quy định thuế.

Dù vậy, tuyên bố của ông Bastian phần nào trấn an thị trường, cho thấy hãng này vẫn có thể tiếp nhận đội bay mới mà không bị ảnh hưởng bởi chính sách thuế “cứng rắn” của chính quyền Trump.

5(1).jpeg
Giám đốc điều hành Delta Airlines, ông Ed Bastian, khẳng định hãng sẽ không phải trả bất kỳ khoản thuế nào khi nhận máy bay Airbus mới. Ảnh: Onemileatatime.

“Né” thuế - chiêu cũ nhưng vẫn hiệu quả

Theo quy định hiện hành của Mỹ, các máy bay Airbus mới nhập khẩu vào nước này đang phải chịu mức thuế lên tới 10%. Tuy nhiên, không phải mọi chiếc Airbus đều nằm trong diện chịu thuế.

Một số dòng máy bay của Airbus – đặc biệt là các dòng A220 và A320 – hiện đang được lắp ráp trực tiếp tại Mỹ. Do đó, những chiếc máy bay này không bị áp thuế như các máy bay sản xuất hoàn toàn ở châu Âu.

Dù vậy, có khả năng một số linh kiện nhập khẩu từ châu Âu để lắp ráp tại Mỹ vẫn bị đánh thuế, nhưng không ảnh hưởng đến toàn bộ giá trị chiếc máy bay.

Đây không phải lần đầu tiên hãng hàng không Delta Airlines phải “đối mặt” với mức thuế cao khi nhập máy bay Airbus. Vào tháng 10/2019, trong nhiệm kỳ đầu tiên, Tổng thống Donald Trump đã áp thuế lên hàng loạt hàng hóa châu Âu, trong đó có máy bay dân dụng.

1(1).jpeg

Chính quyền của ông Trump khi đó đã định nghĩa thế nào là một “máy bay mới”?

Theo quy định, máy bay Airbus được xem là “mới” nếu chưa từng thực hiện chuyến bay thương mại nào ngoài các chuyến bay thử hoặc chuyến bay bàn giao đến Mỹ.

Điều đó có nghĩa là, nếu một chiếc máy bay mới thực hiện một chuyến bay đến một quốc gia ngoài Liên minh châu Âu (EU) nhưng không phải Mỹ, thì chiếc máy bay này sẽ không còn bị xem là “mới” nữa, và có thể không bị áp thuế khi đưa vào Mỹ.

Năm 2019, Delta Airlines từng áp dụng khéo léo “kẽ hở” này để tránh thuế. Và giờ đây, khi chính quyền của ông Trump tái áp dụng các chính sách thương mại cứng rắn, Delta Airlines một lần nữa vận dụng “chiêu cũ”, chứng tỏ sự linh hoạt trong chiến lược vận hành và tiết kiệm chi phí hàng trăm triệu USD cho hãng.

Cao tay “lách luật”: Không vi phạm,

vẫn tiết kiệm hàng triệu USD

Theo Onemileatatime, Delta Airlines dự kiến sẽ tiếp nhận một chiếc Airbus A350-900 hoàn toàn mới, mang số hiệu N528DN, trong vài ngày tới.

Chiếc máy bay này được lắp ráp tại Toulouse, Pháp, nhưng Delta không có ý định trả thuế nhập khẩu. Vậy hãng hàng không này đang làm gì để tránh khoản thuế lên tới 10%?

2(1).jpeg
Chiến lược của Delta gồm hai bước là không đưa máy bay về Mỹ ngay từ đầu và chỉ khai thác trên các tuyến bay quốc tế. Ảnh: Onemileatatime.

Chiến lược của Delta gồm hai bước khéo léo:

Thứ nhất: Không đưa máy bay về Mỹ ngay từ đầu: Thay vì bay thẳng từ Pháp sang Mỹ, chiếc A350 sẽ bay đến sân bay Narita, Tokyo (Nhật Bản) trước. Bằng cách này, máy bay không còn được coi là "mới nhập khẩu" vào Mỹ theo định nghĩa của chính sách thuế hiện hành.

Thứ hai: Chỉ khai thác trên các tuyến bay quốc tế: Sau khi đến Tokyo, chiếc máy bay sẽ được đưa vào khai thác chỉ trên các đường bay quốc tế – ví dụ như từ châu Âu hoặc châu Á đến Mỹ – mà không thực sự “nhập cảnh” vào Mỹ theo nghĩa hải quan truyền thống.

Chiến lược này không vi phạm luật và giúp Delta Airlines tránh khoản chi phí thuế khổng lồ, có thể lên tới hàng chục triệu USD nếu áp dụng với nhiều máy bay.

Với dòng máy bay thân rộng như A350, việc khai thác chỉ trên các chặng bay quốc tế là hoàn toàn khả thi. Tuy nhiên, nếu Delta Airlines áp dụng chiêu thức này với các dòng thân hẹp như A321, việc lập kế hoạch sẽ phức tạp hơn nhiều.

Dù vậy, trong bối cảnh thuế nhập khẩu còn hiệu lực, Delta Airlines cho thấy hãng sẵn sàng “xoay chuyển tình thế” bằng mọi cách hợp pháp để bảo vệ túi tiền của mình.

Như vậy, dù Delta đang có một đơn đặt hàng khổng lồ với Airbus, tưởng chừng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề bởi cuộc chiến thuế quan do ông Trump phát động, nhưng thực tế hãng lại đang xoay sở rất khéo léo.

Giám đốc điều hành Ed Bastian từng khẳng định Delta Airlines sẽ không tiếp nhận bất kỳ máy bay Airbus mới nào nếu phải chịu thuế. Và đến nay, có vẻ như hãng tiếp tục sử dụng lại “chiêu bài” từ năm 2019: Đưa máy bay tới một điểm ngoài châu Âu và không bay thẳng sang Mỹ.

7.jpeg

Sau khi thực hiện chuyến bay đến một quốc gia thứ ba, máy bay sẽ được xem là đã qua sử dụng, và khi đó không cần phải “nhập khẩu” vào Mỹ theo định nghĩa của luật thuế hiện hành. Chỉ cần máy bay được khai thác trên các tuyến bay quốc tế, Delta hoàn toàn tránh được thuế, một cách hợp pháp và thông minh.

Dựa vào các kế hoạch hiện đã nộp lên các cơ quan hàng không, chiến lược này đang tiếp tục được triển khai – cho thấy Delta Airlines không chỉ linh hoạt về tài chính, mà còn cực kỳ nhạy bén trong môi trường chính sách đầy biến động.

Thu Ngoan