Nghề kiểm soát không lưu Mỹ: Từ hạ cánh đến luyện kỹ năng thép
Kiểm soát viên không lưu, những “người hùng thầm lặng”, chịu trách nhiệm điều phối hàng nghìn chuyến bay mỗi ngày, giữ khoảng cách an toàn giữa các máy bay, chỉ đạo cất và hạ cánh, điều hướng tránh thời tiết xấu, đảm bảo lưu thông thông suốt.

Trong bài viết này, chúng ta sẽ tiếp tục tìm hiểu về công việc của các nhân viên kiểm soát không lưu tại nước Mỹ, từ khi máy bay khởi hành cho đến khi hạ cánh an toàn.
.jpeg)
Khởi hành, Bay bằng và Hạ độ cao
Khi cất cánh, phi công kích hoạt thiết bị phát đáp trên máy bay. Thiết bị này nhận tín hiệu radar, sau đó phát lại tín hiệu radio mã hóa, cung cấp cho kiểm soát viên số hiệu chuyến bay, độ cao, tốc độ và điểm đến. Trên màn hình radar, máy bay hiện thành dấu chấm kèm thông tin chi tiết, giúp kiểm soát viên dễ dàng theo dõi hành trình.
Kiểm soát viên khởi hành làm việc tại cơ sở TRACON, nơi quản lý không phận của nhiều sân bay. Họ sử dụng radar để theo dõi máy bay và duy trì khoảng cách an toàn giữa các máy bay đang tăng độ cao. Kiểm soát viên khởi hành hướng dẫn phi công về hướng bay, tốc độ bay và tốc độ tăng độ cao để đi qua các hành lang tăng độ cao trong không phận TRACON.
Khi máy bay rời khỏi không phận TRACON, kiểm soát viên khởi hành sẽ chuyển giao máy bay cho Kiểm soát viên trung tâm (Kiểm soát viên ARTCC), cùng với thông tin tiến trình chuyến bay đã được cập nhật.
Sau khi máy bay rời khỏi không phận TRACON, sẽ đi vào không phận ARTCC và được giám sát bởi ít nhất hai kiểm soát viên không lưu. Một trợ lý radar sẽ nhận thông tin về kế hoạch bay từ 5 đến 30 phút trước khi máy bay đi vào khu vực của họ, đồng thời phối hợp với kiểm soát viên radar phụ trách chính tại khu vực đó.
Kiểm soát viên radar phụ trách mọi liên lạc trên không với mặt đất, duy trì khoảng cách an toàn của máy bay trong khu vực và phối hợp các hoạt động với các khu vực và/hoặc trung tâm khác.
Kiểm soát viên trung tâm sẽ giám sát không phận ở độ cao lớn (trên 24.000 ft/7320 m) và độ cao thấp (dưới 24.000 ft). Họ cung cấp cho phi công các thông tin cập nhật về thời tiết và không lưu. Họ cũng đưa ra chỉ dẫn về tốc độ và độ cao để duy trì khoảng cách an toàn giữa các máy bay trong khu vực. Khi máy bay rời khỏi khu vực kiểm soát, kiểm soát viên trung tâm sẽ chuyển giao máy bay cho người điều khiển ở khu vực tiếp theo.
.jpeg)
Tiếp cận và Hạ cánh
Khi máy bay còn cách sân bay đến khoảng 50 dặm (80km), tức là đã nằm trong vùng trời TRACON, một Kiểm soát viên tiếp cận sẽ hướng dẫn phi công điều chỉnh hướng bay, tốc độ và độ cao của máy bay để xếp hàng và chuẩn bị hạ cánh. Phi công sẽ căn chỉnh máy bay với đường băng. Khi máy bay cách đường băng 10 dặm (16 km), Kiểm soát viên tiếp cận sẽ chuyển giao quyền điều khiển máy bay cho Kiểm soát viên trong Đài kiểm soát tại sân bay.
Kiểm soát viên không lưu tại sân bay kiểm tra đường băng và bầu trời phía trên đường băng bằng ống nhòm và radar mặt đất. Khi xác định điều kiện hạ cánh an toàn, họ sẽ cấp phép cho phi công hạ cánh.
Sau khi hạ cánh, kiểm soát viên tại sân bay sẽ hướng dẫn máy bay đến đường lăn và chuyển giao máy bay cho Kiểm soát viên mặt đất.
Kiểm soát viên mặt đất theo dõi đường hạ cánh cất cánh, đường lăn và sử dụng thông tin radar mặt đất để đảm bảo máy bay không cắt ngang đường hạ cánh cất cánh đang hoạt động hoặc gây trở ngại cho các phương tiện trên mặt đất. Kiểm soát viên này sẽ chỉ đường cho máy bay đến cổng nhà ga thích hợp.
.jpeg)
Làm thế nào để trở thành
Kiểm soát viên không lưu tại Mỹ?
Để trở thành một nhân viên kiểm soát/kiểm soát viên không lưu mặt đất, bạn phải có khả năng ghi nhớ trong chớp mắt vị trí của máy bay trên đường băng và đường lăn. Các kiểm soát viên không lưu tại sân bay, kiểm soát viên TRACON và KSVKL đường dài (Kiểm soát viên ARTCC) phải có khả năng tư duy và tạo lập hình ảnh trong không gian ba chiều. Tất cả các KSVKL cũng phải có khả năng tổng hợp thông tin từ những tín hiệu họ nhận được, đưa ra quyết định nhanh chóng và nắm rõ không phận của mình cũng như của những KSVKL khác. Họ phải có khả năng đọc, diễn giải các ký hiệu cũng như dự đoán vị trí của máy bay từ thông tin về hướng bay và tốc độ. Khả năng tập trung cao độ cũng là yếu tố không thể thiếu.
Kiểm soát viên không lưu ở mọi cấp độ được tuyển dụng bởi Cục Hàng không liên bang (FAA). Để trở thành một kiểm soát viên không lưu, bạn cần phải nộp đơn thông qua hệ thống dịch vụ dân sự liên bang và vượt qua một bài kiểm tra viết nhằm đánh giá xem bạn có khả năng thực hiện nhiệm vụ của một nhân viên kiểm soát không lưu hay không. Bài kiểm tra này bao gồm kiến thức về tư duy trừu tượng và không gian 3 chiều. Ứng viên cần phải có ba năm kinh nghiệm làm việc, bằng đại học hoặc cả hai yếu tố này.
Nếu vượt qua bài kiểm tra này, bạn sẽ được tham gia chương trình đào tạo tại Học viện FAA tại Oklahoma City, bang Oklahoma trong vòng bảy tháng. Trong thời gian ở đó, bạn sẽ được học về hệ thống kiểm soát không lưu, các thiết bị, quy định, thủ tục và các loại máy bay. Để hoàn thành khóa học này, bạn cần phải vượt qua một bài thi cuối kỳ.

Sau khi tốt nghiệp khóa học, bạn sẽ được làm việc và tích lũy kinh nghiệm tại nhiều địa điểm khác nhau trên khắp nước Mỹ, từ các tháp điều khiển tại sân bay đến cho đến các Trung tâm kiểm soát đường dài (ARTCC). Bạn cần phải đạt được chứng chỉ để đảm nhận các vị trí khác nhau, như kiểm soát viên không lưu mặt đất hay kiểm soát viên radar. Bạn cũng cần phải vượt qua các kỳ thi sức khỏe hàng năm, các kỳ thi năng lực được tổ chức 2 lần mỗi năm và các cuộc kiểm tra ma túy định kỳ.
Kiểm soát không lưu là công việc có tính cạnh tranh cao tại Mỹ. Lực lượng kiểm soát viên không lưu tại nước này hầu hết có độ tuổi tương đối trẻ.
Kiểm soát viên không lưu
Những con số thú vị
- Làm việc bao nhiêu tiếng một ngày?
Tại Cục Hàng không Liên bang (FAA), hầu hết các kiểm soát viên không lưu làm việc theo ca 8 tiếng một ngày, bao gồm cả giờ nghỉ ăn trưa hoặc tối. Tuy nhiên, một số KSVKL cũng có thể làm việc đến 9 - 10 tiếng theo ca kíp. FAA không cho phép kiểm soát viên không lưu làm việc quá 10 tiếng mỗi ca.
- 31 tuổi – “Hạn chót” để trở thành kiểm soát viên không lưu
Cục Hàng không Liên bang (FAA) đặt ra độ tuổi giới hạn đối với kiểm soát viên không lưu mới vào nghề là 31 tuổi. Lý do cho quy định là vì thông qua các nghiên cứu thực tế, FAA kết luận rằng những người càng lớn tuổi càng ít có khả năng hoàn thành chương trình đào tạo ngặt nghèo để có thể trở thành nhân viên kiểm soát không lưu.
- Nghỉ hưu ở tuổi 56
Vì kiểm soát viên không lưu là công việc căng thẳng, đòi hỏi sự tập trung cao độ, nên theo quy định của Cục Hàng không Liên bang (FAA), các kiểm soát viện bắt buộc phải nghỉ hưu ở độ tuổi 56. Tuổi tác tăng cao có thể kéo theo những vấn đề về trí nhớ, mất thính lực, giảm khả năng phục hồi sau căng thẳng, không thể đưa ra quyết định nhanh chóng và dễ mất tập trung.