50 năm ngành hàng không nước Việt Nam thống nhất: Vươn rộng những cánh bay kết nối Việt Nam với thế giới
Đất nước độc lập, hòa bình, thống nhất đòi hỏi hàng không dân dụng, một ngành kinh tế kỹ thuật, cần được phát triển mạnh mẽ, hệ thống cảng hàng không, sân bay từ đó được đầu tư, nâng cấp với nhiều công trình lớn hoàn thành, đưa vào khai thác...

Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, sự phát triển của ngành hàng không sau giải phóng hoàn toàn miền nam là câu chuyện đầy ấn tượng, thể hiện sự nỗ lực không ngừng nghỉ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.
Những chuyến bay trong niềm vui thống nhất non sông
Tài liệu của Cục Hàng không Việt Nam ghi lại, đúng 9h15 ngày 13/5/1975, chuyến bay lịch sử cất cánh từ sân bay Gia Lâm, đưa các vị lãnh đạo cao cấp của Đảng, Nhà nước như Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng, Chủ tịch Quốc hội Trường Chinh, Thủ tướng Chính phủ Phạm Văn Ðồng cùng nhiều đồng chí trong Bộ Chính trị.. tất cả gần 40 người, vào Sài Gòn dự lễ mừng chiến thắng, mừng miền Nam hoàn toàn giải phóng.
Máy bay phục vụ đoàn là chiếc IL18 do Liên Xô chế tạo, mang số hiệu VN – 195, hạ cánh an toàn tại phi trường Tân Sơn Nhứt (sau này đổi tên thành Tân Sơn Nhất) lúc 11h45 cùng ngày trong niềm hân hoan xúc động.
Sau đại thắng mùa xuân năm 1975, với chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, đất nước Việt Nam thống nhất. Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV của Đảng đề ra Nghị quyết xây dựng kinh tế đất nước, xây dựng ngành kinh tế kỹ thuật hàng không tiến lên hiện đại, tiên tiến, nhằm tăng cường tiềm lực cho nền kinh tế của đất nước sau chiến tranh.

Đến ngày 11/2/1976, Thủ tướng Chính phủ đã ra Nghị định về việc thành lập Tổng cục Hàng không dân dụng (HKDD) Việt Nam, trên cơ sở Cục Hàng không dân dụng trước đó. Cũng từ đây, chính thức ra đời một Đảng bộ lớn của ngành HKDD Việt Nam, với nhiệm vụ lãnh đạo toàn ngành HKDD trong mọi hoạt động và trong toàn bộ quá trình xây dựng, phát triển ngành HKDD Việt Nam trở thành ngành kinh tế kỹ thuật hiện đại của đất nước.
Về xây dựng ngành HKDD, Nghị quyết Đảng ủy Tổng cục tại Hội nghị lần thứ nhất nêu rõ: “Phải nhanh chóng ổn định tổ chức, đưa mọi tổ chức vào nề nếp, chính quy, có chức trách rõ ràng, đồng thời qua thực tiễn rút kinh nghiệm mọi mặt để xây dựng tổ chức ngành ngày càng cân đối đồng bộ, hoàn chỉnh, phù hợp với điều kiện kinh tế đất nước và tính chất đặc điểm của Ngành Hàng không dân dụng Việt Nam”.
Đến những năm 80 của thế kỷ 20, cuộc đấu tranh giành lại quyền quản lý điều hành FIR Hồ Chí Minh như một nhiệm vụ cấp bách được đặt ra cho ngành HKDD Việt Nam. Thời điểm này, FIR Hồ Chí Minh (FIR Sài Gòn cũ) vẫn thuộc quyền quản lý tạm thời của một số quốc gia Đông Nam Á, theo quyết định của ICAO sau khi miền Nam Việt Nam được giải phóng năm 1975.
Việc giành lại quyền quản lý điều hành FIR Hồ Chí Minh có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với ngành HKDD Việt Nam cũng như việc khẳng định chủ quyền của đất nước đối với vùng trời thiêng liêng của tổ quốc.
Đến ngày 7/12/1994, đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO), Hội đồng ICAO đã chính thức giao quyền điều hành phần phía nam Vùng thông báo bay Hồ Chí Minh (FIR Hồ Chí Minh) cho Việt Nam.

Kể từ 0h1p giờ quốc tế (UTC) ngày 8/12/1994, Trung tâm Kiểm soát không lưu Hồ Chí Minh chính thức thực hiện trách nhiệm điều hành FIR Hồ Chí Minh, mở ra kỷ nguyên mới cho HKDD Việt Nam.
Vươn rộng những cánh bay kết nối Việt Nam với thế giới
Trải qua nửa thế kỷ với bao nỗ lực, ngành hàng không Việt Nam phát triển lớn mạnh với hệ thống cảng hàng không, sân bay được đầu tư, nâng cấp với nhiều công trình lớn hoàn thành, đưa vào khai thác...
Đến nay, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá, việc đầu tư, phát triển 22 cảng hàng không, sân bay theo hướng hiện đại, đồng bộ, ngoài đáp ứng được tốc độ tăng trưởng của ngành vận tải hàng không, đồng thời góp phần tích cực đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội các địa phương; thực hiện liên kết vùng, liên kết quốc tế; đưa Việt Nam tiệm cận dần mục tiêu trở thành quốc gia phát triển có thu nhập cao.
Với sự đột phá về hạ tầng hàng không, đến nay Việt Nam đã phát triển một thị trường vận tải hàng không đạt gần 76 triệu khách và 1,29 triệu tấn hàng hóa, dự kiến năm 2025, vận chuyển khách có thể đạt hơn 84 triệu khách; trong đó, khách nội địa 37 triệu, khách quốc tế 47,2 triệu.

Từ chỗ được đi máy bay là niềm mơ ước của hầu hết người dân Việt Nam, hiện nay, hàng không đã trở nên phổ cập. Từ chỗ chỉ có 1 chuyến bay/ngày với duy nhất 1 hãng phục vụ, Việt Nam đã có 5 hãng hàng không gồm Vietnam Airlines, Pacific Airlines, VietJet Air, Bamboo Airways và Vietavel Airlines khai thác thị trường với 66 đường bay nội địa.
Các hãng hàng không Việt Nam và 78 hãng hàng không nước ngoài khai thác khoảng 160 đường bay quốc tế thường lệ và thuê chuyến.
Mạng bay quốc tế cũng đã kết nối cảng hàng không quốc tế của Việt Nam tới 36 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới, từ Đông Nam Á, Đông Bắc Á, Trung Đông, tới các quốc gia châu Âu, châu Phi, Bắc Mỹ, Australia...
Các hãng hàng không nội địa cũng tập trung đầu tư, khai thác nhiều dòng tàu bay mới, hiện đại nhất thế giới, mở rộng đường bay đến nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ. Năm 2024, đường bay TP.HCM - Hà Nội tiếp tục được OAG, tổ chức hàng đầu về thống kê du lịch và hàng không, xếp hạng thứ 4 trong top 10 đường bay bận rộn nhất thế giới với 10,6 triệu ghế được cung ứng.
.jpg)
Cùng với tiếng động cơ gầm rú trên bầu trời những ngày tháng 4, tiếng máy khoan, máy xúc và thiết bị hàng không cũng liên tục ngày đêm ở các công trường xây dựng cơ sở hạ tầng cho ngành hàng không Việt Nam như nhà ga T3, Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Dự án xây dựng Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Dự án mở rộng Nhà ga hành khách T2 Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài…
Đây chính là động lực để ngành hàng không Việt Nam vững tin sẽ tiếp tục “sải cánh vươn xa”, đóng góp đắc lực, quan trọng vào sự phát triển của đất nước trong nhiều năm tới.
Theo kế hoạch, đến năm 2030, Vietnam Airlines phấn đấu đạt quy mô đội bay 137 chiếc, trong đó có 37 tàu thân rộng. Còn Vietjet cũng dự kiến đến năm 2030 mở rộng đội tàu bay lên khoảng 300 chiếc; hãng đã ký các hợp đồng, bản ghi nhớ đầu tư, mua máy bay với hai nhà sản xuất lớn là Airbus và Boeing.