Điểm đến

Khám phá sân bay nguy hiểm nhất thế giới giữa dãy Himalaya

Thu Ngoan 01/05/2025 06:51

Nếu có ý định chinh phục đỉnh Everest, rất có thể chuyến hành trình của bạn sẽ bắt đầu bằng chuyến bay tới sân bay Lukla (Nepal). Lukla được mệnh danh là sân bay nguy hiểm nhất thế giới, đến mức chỉ cần xem các video máy bay hạ cánh tại đây cũng đủ khiến nhiều người chóng mặt.

Với khoảng 50 chuyến bay cất, hạ cánh thành công mỗi ngày, Lukla vẫn được coi là một kỳ tích về kỹ thuật bay, nhất là tại địa hình hiểm trở như vậy. Ảnh: Explore.
Ảnh: Explore.

Theo bài viết của nhà báo Robert Isenberg trên trang Explore, nếu bạn có ý định chinh phục đỉnh Everest thì trước khi có thể cắm chiếc rìu leo núi vào lớp băng dày, trước cả khi buộc dây an toàn hay đi giày đinh, bạn sẽ phải vượt qua thử thách đầu tiên: hạ cánh xuống một đường cất, hạ cánh chỉ dài 527 m.

Ở cuối đường cất, hạ cánh ngắn ngủn này là một khe núi sâu hun hút, tiếp theo là những sườn núi dựng đứng cao tới gần 5.500 m. Bản thân sân bay Lukla đã nằm ở độ cao khoảng 2.900 m so với mực nước biển, tức cao gần bằng một nửa ngọn núi cao nhất ở phía Đông sông Mississippi (Mỹ).

1.jpeg
Ở cuối đường cất, hạ cánh ngắn ngủn này là một khe núi sâu hun hút, tiếp theo là những sườn núi dựng đứng cao tới gần 5.500 m. Ảnh: Explore.

Nghe tới đường cất hạ cánh ngắn, vực sâu thăm thẳm và vách đá bao quanh, nhiều người sẽ đặt câu hỏi: “Bay trong điều kiện như vậy, liệu có nguy hiểm đến tính mạng không?”. Câu trả lời ngắn gọn: Có.

Thế nhưng đó chưa phải toàn bộ câu chuyện. Lukla còn thường xuyên phải đóng cửa do gió mạnh bất thường. Sương mù và mưa có thể làm giảm tầm nhìn, trong khi tuyết rơi dày vào mùa đông dễ dàng phủ kín đường băng vốn đã chật hẹp.

Trên thế giới có ít nhất 17 sân bay nổi tiếng nguy hiểm, nhưng Lukla không chỉ dừng lại ở mức "gây sợ hãi". Tính đến nay, đã có hơn 50 người thiệt mạng trong các vụ tai nạn cất, hạ cánh tại đây, bao gồm vụ tai nạn nghiêm trọng năm 2012 khiến 19 người tử vong.

Lukla: Sân bay "không tưởng" trên đỉnh trời

Thật khó tin, Lukla cũng đồng thời là một trong những sân bay nhộn nhịp nhất Nepal, với khoảng 50 chuyến bay cất, hạ cánh mỗi ngày vào mùa cao điểm. Còn có tên gọi chính thức là Sân bay Tenzing Hillary, Lukla chỉ cách thủ đô Kathmandu khoảng 40 phút bay.

2.jpeg
sân bay Lukla là thành quả từ ý tưởng táo bạo của Sir Edmund Hillary - nhà leo núi người New Zealand đầu tiên được ghi nhận đặt chân lên đỉnh Everest. Ảnh: Explore.

Ý tưởng vận hành sân bay này rất đơn giản: du khách quốc tế hạ cánh tại sân bay Tribhuvan ở Kathmandu (nằm ở độ cao khoảng 1.400 m so với mực nước biển), bắt đầu quá trình làm quen với độ cao, trước khi "nhảy vọt" lên thị trấn núi Lukla cao gần gấp đôi.

Nhờ có sân bay Lukla, những người leo núi giờ đây có thể "bay thẳng" tới chân núi Everest, thay vì phải mất hai tuần băng rừng, vượt núi như trước.

Ít ai biết, sân bay Lukla là thành quả từ ý tưởng táo bạo của Sir Edmund Hillary — người dẫn đầu đội xây dựng sân bay vào năm 1963 và giám sát việc hoàn thành vào năm 1974. Cái tên Hillary nghe có vẻ quen thuộc? Không lạ, bởi ông chính là nhà leo núi người New Zealand đầu tiên được ghi nhận đặt chân lên đỉnh Everest. Có lẽ cũng vì vậy mà ông muốn mở ra "con đường trên trời" cho những hậu duệ đam mê chinh phục đỉnh cao thế giới.

Dù máy bay giúp tiết kiệm thời gian, Lukla vẫn không hề là một chặng bay dễ dàng. Không khí loãng ở độ cao gần 3.000 m khiến máy bay phải bay nhanh hơn để giữ ổn định. Đồng thời, do lực cản không khí giảm mạnh, việc hãm tốc khi hạ cánh cũng trở nên khó khăn hơn. Đây là công thức "đầy rủi ro" khi hạ cánh trên một dải đường ngắn hơn rất nhiều so với tiêu chuẩn thông thường.

Nếu phi công ở Mỹ có thể cảm thấy áp lực khi bay tới những sân bay như Catalina Island hay Telluride Regional, thì trải nghiệm bay vào Lukla quả thực như bước vào một thế giới siêu thực, thách thức cả những tay lái lão luyện nhất.

Nepal và những thách thức không nhỏ

với ngành hàng không

Thực tế, dãy Himalaya không phải là môi trường lý tưởng cho máy bay hoạt động. Dãy núi này kéo dài hàng nghìn km, xuyên qua nhiều múi giờ và biên giới quốc gia, với độ cao trung bình lên tới 6.000 m — tương đương đỉnh núi cao nhất Bắc Mỹ. Trong khi đó, độ cao hành trình thông thường của máy bay chở khách thương mại chỉ khoảng 10.000 m, nghĩa là chỉ hơn đỉnh Everest một chút.

3.jpeg
Với khoảng 50 chuyến bay cất, hạ cánh thành công mỗi ngày, Lukla vẫn được coi là một kỳ tích về kỹ thuật bay, nhất là tại địa hình hiểm trở như vậy. Ảnh: Explore.

Đáng chú ý, hầu hết các chuyến bay tới Lukla đều sử dụng loại máy bay cỡ nhỏ như Twin Otter, được trang bị cánh quạt và chỉ chở khoảng 19 hành khách, chứ không phải những chiếc "khổng lồ" Boeing hay Airbus.

Theo thông tin từ Explore, từ năm 2000 đến nay, ít nhất 360 người đã thiệt mạng trong các vụ tai nạn hàng không ở Nepal, bao gồm cả tai nạn máy bay và trực thăng.

Thế nhưng nhiều người cho rằng việc leo núi Everest vốn đã là một thử thách nguy hiểm, nên những rủi ro tại sân bay Lukla cũng chỉ là "một phần của cuộc chơi". Và
với khoảng 50 chuyến bay cất, hạ cánh thành công mỗi ngày, Lukla vẫn được coi là một kỳ tích về kỹ thuật bay, nhất là tại địa hình hiểm trở như vậy.

4.jpg
Hầu hết các chuyến bay tới Lukla đều sử dụng loại máy bay cỡ nhỏ như Twin Otter, được trang bị cánh quạt và chỉ chở khoảng 19 hành khách. Ảnh: Nepalhikingteam.

Theo ý kiến cá nhân của nhà báo Robert Isenberg, ít ai trong chúng ta có cơ hội hay dũng khí trực tiếp trải nghiệm cảm giác "đánh cược với tử thần" tại đây. Nếu có dịp ghé thăm Nepal, có lẽ bạn nên cân nhắc lựa chọn những chuyến phiêu lưu khác ở dãy Himalaya thay vì chen chúc trên hành trình leo lên đỉnh Everest nổi tiếng.

Thu Ngoan