Khi nào máy bay cần xả nhiên liệu trước khi hạ cánh?
Việc một máy bay đang trong hành trình bay mà phải xả bỏ nhiên liệu trên không trung khiến không ít người thắc mắc. Tuy nhiên, hành động này hoàn toàn vì lý do an toàn, nhằm đảm bảo máy bay hạ cánh trong điều kiện tối ưu.

Trong ngành hàng không, an toàn luôn được đặt lên hàng đầu, và mỗi quyết định của phi công đều nhằm mục tiêu bảo vệ tính mạng hành khách cũng như phi hành đoàn. Một trong những tình huống ít được hành khách biết đến nhưng đóng vai trò cực kỳ quan trọng là việc xả nhiên liệu khẩn cấp.

Theo Simpleflying, dù nghe có vẻ nguy hiểm hoặc lãng phí nhưng đây thực chất là giải pháp kỹ thuật được tính toán kỹ lưỡng, chỉ được thực hiện khi thật sự cần thiết để bảo đảm máy bay đạt trọng lượng an toàn trước khi hạ cánh.
Xả nhiên liệu: Giải pháp bất đắc dĩ nhưng cần thiết
Máy bay thương mại hiện đại được thiết kế với giới hạn trọng lượng hạ cánh rõ ràng, thường thấp hơn trọng lượng cất cánh đáng kể. Nếu máy bay hạ cánh quá nặng, nguy cơ gây nứt vỡ kết cấu thân, càng đáp hay thậm chí vỡ lốp là rất cao.
Thông thường, lượng nhiên liệu mang theo chuyến bay được tính toán đủ để tiêu thụ gần hết trước khi đến điểm hạ cánh. Nhưng trong trường hợp khẩn cấp — như sự cố kỹ thuật, hành khách cần hỗ trợ y tế gấp, hoặc thời tiết xấu bất ngờ — máy bay buộc phải quay đầu hạ cánh khi vẫn còn đầy nhiên liệu. Khi đó, việc xả nhiên liệu là giải pháp cần thiết.
Phi công có ba lựa chọn trong tình huống máy bay quá nặng: Bay vòng để tiêu hao nhiên liệu, xả nhiên liệu trực tiếp và chấp nhận hạ cánh nặng.
Trong đa số trường hợp, nếu còn đủ thời gian và điều kiện thời tiết cho phép, máy bay sẽ bay vòng trên không để đốt bớt nhiên liệu tự nhiên. Việc này tuy tốn thời gian nhưng thân thiện hơn với môi trường.

Tuy nhiên, nếu tình huống cấp bách, máy bay sẽ kích hoạt hệ thống xả nhiên liệu. Chỉ cần vài phút, hàng nghìn lít nhiên liệu sẽ được đẩy ra qua các vòi xả ở đầu cánh, giảm trọng lượng máy bay xuống mức an toàn.
Đáng chú ý, hệ thống này được lập trình để ngăn việc xả toàn bộ nhiên liệu, đảm bảo máy bay vẫn còn đủ nhiên liệu dự phòng trong mọi tình huống bất ngờ.
Các nguyên tắc khi xả nhiên liệu
Xả nhiên liệu phải tuân thủ quy định nghiêm ngặt. Các hãng hàng không luôn phải tuân thủ những quy định nghiêm ngặt về khu vực, điều kiện thời tiết và độ cao khi thực hiện thao tác này.
Ngoài ra, phi công chỉ được phép xả nhiên liệu sau khi đã thông báo và nhận được sự cho phép từ cơ quan kiểm soát không lưu, nhằm đảm bảo an toàn cho cả khu vực mặt đất lẫn các phương tiện khác đang hoạt động trong không phận.

Ví dụ như theo quy định của Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), máy bay chỉ được xả nhiên liệu khi:
- Ở độ cao ít nhất 2.000 feet (khoảng 600m) so với chướng ngại vật cao nhất,
- Cách các máy bay khác ít nhất 5 dặm (khoảng 8km),
- Tránh xa khu vực đông dân cư, thành phố hoặc vùng nước.
Nhiên liệu khi xả ra sẽ phân tán thành lớp sương mỏng, nhanh chóng bay hơi trước khi rơi xuống mặt đất. Nhờ vậy, tác động môi trường từ hoạt động này thường ở mức rất thấp. Chính vì thế, hoạt động xả nhiên liệu hiếm khi vấp phải phản đối từ các tổ chức bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, không phải máy bay nào cũng có hệ thống xả nhiên liệu. Một số dòng máy bay cỡ lớn như Boeing 747, Airbus A380 hay A350 được trang bị sẵn hệ thống xả nhiên liệu. Thế nhưng, nhiều dòng máy bay nhỏ hơn, đặc biệt là máy bay hai động cơ như Boeing 757, lại không có hệ thống này.
Trong trường hợp đó, phi công chỉ còn hai lựa chọn là bay vòng để đốt bớt nhiên liệu hoặc chấp nhận hạ cánh nặng (hard landing).
Đối với những dòng máy bay như Boeing 757, nhờ thiết kế chịu tải tốt, việc hạ cánh nặng không gây ảnh hưởng nghiêm trọng, và máy bay có thể tiếp tục hoạt động sau khi được kiểm tra kỹ thuật.

Tuy nhiên, đối với một số máy bay nhỏ hơn hoặc đời cũ, hạ cánh nặng tiềm ẩn rủi ro lớn. Vụ tai nạn thảm khốc của Aeroflot năm 2019 là minh chứng đau lòng: chiếc Sukhoi Superjet 100 buộc phải hạ cánh khẩn cấp tại sân bay Sheremetyevo (Moscow) khi còn đầy nhiên liệu. Vụ va chạm dẫn đến cháy lớn, khiến 41 trong số 78 người trên khoang thiệt mạng.
Mặc dù việc xả nhiên liệu giữa trời nghe có vẻ lãng phí, nhưng đây là giải pháp cần thiết và hợp lý nhằm bảo đảm an toàn tuyệt đối cho hành khách và phi hành đoàn. Hệ thống xả được thiết kế tinh vi, đảm bảo nhiên liệu được phát tán an toàn và tác động tối thiểu đến môi trường.
Trên thực tế, các tình huống cần xả nhiên liệu rất hiếm xảy ra, chỉ khi máy bay buộc phải hạ cánh khẩn cấp. Phần lớn các chuyến bay thương mại đều kết thúc hành trình mà không cần dùng đến phương án này.