Chính sách

Tham vấn chính sách xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế)

Khánh Nguyên 26/04/2025 13:27

Qua gần 19 năm thực hiện, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam đã góp phần thiết lập hành lang pháp lý vững chắc, giúp cho ngành hàng không phát triển mạnh mẽ. Tuy vậy, đã đến lúc cần thay đổi, bổ sung để phù hợp với điều kiện thực tế của ngành hàng không dân dụng Việt Nam hiện nay.

Bộ Xây dựng vừa tổ chức Hội nghị tham vấn chính sách Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Cục trưởng Uông Việt Dũng và các Phó Cục trưởng Cục HKVN tham dự Hội nghị.

Cần thiết phải xây dựng Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (thay thế)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Lê Anh Tuấn cho biết, sau gần 19 năm thực hiện, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam (HKDD Việt Nam) đã góp phần thiết lập hành lang pháp lý vững chắc để ngành hàng không phát triển mạnh mẽ.

Tuy nhiên, bối cảnh thế giới hiện nay có nhiều biến động, kinh tế Việt Nam cũng thay đổi theo hướng lớn mạnh hơn nên hạ tầng hàng không ngày càng quá tải, đặt ra những thách thức lớn đối với ngành hàng không.

Ngoài ra, rất nhiều luật đã được điều chỉnh, bổ sung hoặc đã được ban hành mới; các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên có quy định liên quan đến lĩnh vực hàng không dân dụng cần thực hiện…

DT LHKDD
Toàn cảnh hội nghị tham vấn chính sách Luật Hàng không dân dụng Việt Nam. Ảnh: BXD.

Do đó, việc xây dựng Luật HKDD Việt Nam (thay thế) là cần thiết và cấp bách, nhằm thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước; khơi thông các điểm nghẽn, tạo ra động lực mới cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hội nhập quốc tế, đảm bảo quốc phòng - an ninh, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế, thực thi đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên ICAO.

Theo bà Trần Thị Minh Hiền, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, việc xây dựng Luật Hàng không dân dụng (thay thế) xuất phát từ yêu cầu thực tiễn, sự thay đổi mạnh mẽ của hệ thống pháp luật trong nước, cùng các yêu cầu hội nhập quốc tế.

Đây là nhiệm vụ cần thiết và cấp bách để thể chế hóa chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như thực thi đầy đủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên của Tổ chức Hàng không dân dụng quốc tế (ICAO).

Theo bà Hiền, để triển khai thực hiện các nhiệm vụ trên theo kế hoạch, Bộ Xây dựng đã khẩn trương rà soát, tiếp thu, hoàn thiện Hồ sơ chính sách Luật Hàng không dân dụng (thay thế) trên cơ sở kế thừa các nội dung của Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Hàng không dân dụng (thay thế) đã được Bộ Tư pháp thẩm định và lấy ý kiến thành viên Chính phủ, đồng thời bổ sung, chỉnh lý theo yêu cầu mới và tình hình thực tiễn, bảo đảm đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ và trình tự, thủ tục xây dựng văn bản quy phạm pháp luật.

Năm nhóm chính sách lớn trong dự thảo Luật HKDD Việt Nam (thay thế)

Theo Cục trưởng Cục HKVN Uông Việt Dũng, những nội dung mới, sửa đổi, bổ sung của chính sách xây dựng Luật HKDD Việt Nam (thay thế) lần này bao gồm hoàn thiện khung pháp lý về công tác quản lý nhà nước chuyên ngành về hàng không dân dụng; An toàn hàng không; An ninh hàng không; Cảng hàng không sân bay và hoàn thiện khung pháp lý về vận chuyển hàng không.

Trong đó, Dự thảo Hồ sơ Luật HKDDVN (thay thế) đề xuất hoàn thiện khung pháp lý về Nhà chức trách hàng không nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý; phù hợp với điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế và khuyến cáo của ICAO; xác định rõ vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của Nhà chức trách hàng không.

Giá vé máy bay dịp lễ 30/4 - 1/5 tới đây ở mức tương đương với giá vé dịp Tết Nguyên đán 2025 vừa qua. Ảnh minh họa.
Sau 19 năm thực hiện, Luật Hàng không dân dụng Việt Nam cần được chỉnh sửa, bổ sung để phù hợp với thực tế phát triển của ngành hàng không Việt Nam. Ảnh minh họa.

Đồng thời, bổ sung các nhiệm vụ mới theo yêu cầu của quốc tế như tổ chức đội ngũ giám sát viên; quy định về miễn trừ, ngoại lệ trong một số trường hợp đặc thù; Nhà chức trách được đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt chức năng quản lý, giám sát về an toàn hàng không.

Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đề xuất bổ sung các quy định về quản lý an toàn hàng không nhằm đáp ứng các yêu cầu của ICAO về hệ thống quản lý an toàn hàng không quốc gia. Tập trung vào việc hoàn thiện các quy định cụ thể liên quan đến quản lý an toàn hệ thống với 08 yếu tố trọng yếu về hệ thống giám sát an toàn hàng không quốc gia.

Đối với chính sách hoàn thiện khung pháp lý về an ninh hàng không, Dự thảo đã cập nhật quy định liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của các chủ thể trong công tác bảo đảm an ninh hàng không, phù hợp với việc chuyển giao chức năng quản lý nhà nước về an ninh hàng không sang Bộ Công an từ ngày 01/3/2025.

Tại Dự thảo đã làm rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực này; đồng thời điều chỉnh chức năng, nhiệm vụ của các bên liên quan nhằm bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác bảo đảm an ninh hàng không trong tình hình mới.

Về chính sách hoàn thiện khung pháp lý về cảng hàng không, sân bay, đề xuất sửa đổi, bổ sung nhiều nội dung mới nhằm hoàn thiện các quy định về quy hoạch, đầu tư và khai thác cảng hàng không, sân bay, tạo điều kiện cho phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng hàng không và thu hút nguồn lực đầu tư.

Đới với chính sách hoàn thiện khung pháp lý về vận chuyển hàng không, bổ sung các quy định về nghĩa vụ của người vận chuyển nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của hành khách và tăng cường trách nhiệm của doanh nghiệp vận tải hàng không.

Bên cạnh đó, Dự thảo nghiên cứu hoàn thiện các quy định về quản lý đội tàu bay, hướng tới phát triển ngành hàng không an toàn, bền vững, phù hợp với năng lực hạ tầng, khả năng giám sát của cơ quan chức năng và nhu cầu thị trường.

Hội nghị cũng được nghe đại diện các cơ quan, đơn vị tham gia phản biện, đóng góp ý kiến, tham luận về nhượng quyền cấp phép cung cấp dịch vụ chuyên ngành, quyền của doanh nghiệp cảng trong việc quản lý, đầu tư, khai thác cảng hàng không, sân bay, về phát triển công nghiệp, ứng dụng khoa học công nghệ, bảo vệ môi trường, chính sách quản lý hoạt động bay...

Sau hội nghị, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục hoàn thiện dự thảo hồ sơ chính sách, trình Chính phủ trong tháng 5/2025, bảo đảm chất lượng, tiến độ và yêu cầu của chương trình xây dựng pháp luật.

Khánh Nguyên