Siêu vận tải cơ Y-20 của Trung Quốc vừa hạ cánh Tân Sơn Nhất
Siêu vận tải cơ Y-20 vừa đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), mang theo lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc chuẩn bị tham gia diễu binh nhân dịp kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975 – 30/4/2025.
.jpeg)
Trưa nay, chiếc siêu vận tải cơ Y-20 chở theo hơn 100 cán bộ, chiến sĩ thuộc lực lượng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc đã đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM.
Chiếc máy bay sau đó rời đi lúc 14h cùng ngày. Cùng thời điểm, người dân khu vực quanh sân bay Tân Sơn Nhất nghe tiếng động cơ và sự xuất hiện của chiếc máy bay khác lạ so với những chiếc máy bay dân dụng họ thường thấy trên bầu trời.
Chiếc Y-20 sau khi hạ cánh cũng đã nhanh chóng rời đi. Hơn 100 cán bộ, chiến sĩ Trung Quốc sau đó được cơ động về tỉnh Bình Dương để luyện tập, chuẩn bị tham gia hợp luyện với lực lượng vũ trang Việt Nam, Quân đội nhân dân Lào, Quân đội Hoàng gia Campuchia.
Y-20 còn được gọi với biệt danh "chubby girl" (cô gái mũm mĩm) vì thân máy bay lớn, tương đương với Il-76 của Liên Xô và C-17 của Mỹ.

Đây là máy bay vận tải hạng nặng đầu tiên do Trung Quốc tự phát triển và sản xuất. Nó có thể mang theo tới 66 tấn hàng hóa và có tầm bay tối đa 7.800 km.
Theo SCMP, máy bay này được trang bị động cơ WS-20 do Trung Quốc sản xuất, có khả năng hoạt động ở độ cao lớn và thời tiết khắc nghiệt.
Y-20 được đưa vào hoạt động trong quân đội Trung Quốc vào năm 2016 và đã được sử dụng trong nhiều nhiệm vụ, bao gồm vận chuyển quân đội và trang thiết bị, cứu trợ thiên tai và thả neo vệ tinh.
.jpeg)
Cũng theo SCMP, Tập đoàn Hàng không Xi'an (XAIC), nhà sản xuất Y-20, đã bắt đầu mở rộng năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu tiềm năng.
Theo đó, thay vì lắp ráp máy bay tại các trạm cố định, các bộ phận của Y-20 được di chuyển trên dây chuyền nhịp xung, nơi từng công đoạn được hoàn thành theo trình tự, tương tự cách sản xuất ô tô. Dây chuyền này được sử dụng để chế tạo một số máy bay tiên tiến nhất thế giới, bao gồm F-35 của Lockheed Martin và Boeing 787.
Theo báo cáo của CCTV, hơn 90% linh kiện của Y-20 được sản xuất bằng hệ thống kỹ thuật số. Báo cáo còn cho thấy các cảnh quay từ nhà máy XAIC với những cánh tay robot, các thao tác điều khiển từ xa và công việc lắp ráp có độ chính xác cao được hỗ trợ bằng laser.
XAIC dự kiến sẽ sản xuất 20 chiếc Y-20 mỗi năm từ năm 2025.
Trung Quốc đang tìm kiếm các khách hàng tiềm năng ở châu Á, châu Phi và Trung Đông đối với sản phẩm máy bay này. Các quốc gia này có nhu cầu về máy bay vận tải hạng nặng để phục vụ cho các nhiệm vụ quân sự và dân sự.
Trung Quốc, Lào, Campuchia sẽ tham gia trong lễ diễu binh, diễu hành dịp 30/4 tại TP.HCM
Tại họp báo thường kỳ chiều 24/4, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng đã thông tin về các đoàn đại biểu quốc tế nhận lời tham dự Lễ kỷ niệm 30/4 tại Việt Nam. Cụ thể, Việt Nam vui mừng chào đón sự tham gia của lực lượng quân đội 3 nước Lào, Campuchia và Trung Quốc trong lễ diễu binh, diễu hành.
Bà Phạm Thu Hằng cho biết, Lễ kỷ niệm 50 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước là sự kiện đặc biệt quan trọng, không chỉ với nhân dân Việt Nam mà còn mang ý nghĩa đối với bạn bè quốc tế đã đồng hành, ủng hộ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc.
Trung Quốc, Lào và Campuchia là ba quốc gia láng giềng có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời với Việt Nam.
“Việc các lực lượng quân đội của ba nước này tham gia diễu binh, diễu hành thể hiện tình đoàn kết, hữu nghị và hợp tác ngày càng gắn bó giữa Việt Nam với các nước bạn”, bà Phạm Thu Hằng nhấn mạnh.
Hiện nay, Việt Nam đã nhận được xác nhận tham dự từ nhiều đoàn đại biểu cấp cao, chính đảng, tổ chức quốc tế, phong trào hòa bình, phong trào phản chiến và bạn bè quốc tế, trong đó có các đại diện từ Hoa Kỳ.