Bầu trời có sóng wifi như thế nào?
Trước đây, việc bay trên bầu trời cao đồng nghĩa với việc "mất liên lạc" hoàn toàn với thế giới dưới mặt đất. Giờ đây, nhờ công nghệ wifi trên máy bay, chúng ta có thể kết nối Internet ngay cả khi đang lướt qua những tầng mây. Cùng khám phá cách thức hoạt động và công nghệ đứng sau sự kỳ diệu này.
.jpeg)
Ngày nay, việc kết nối Internet đã trở thành một nhu cầu thiết yếu, không chỉ dưới mặt đất mà còn cả trên không trung. Khi hành khách bước lên máy bay, họ kỳ vọng vẫn có thể gửi email, lướt mạng xã hội hay xem video trực tuyến mà không gián đoạn. Để đáp ứng nhu cầu đó, ngành hàng không đã không ngừng phát triển các giải pháp kết nối Internet trên không. Vậy làm thế nào mà bạn có thể truy cập Internet khi đang ở độ cao hàng chục nghìn mét?
.jpeg)
Đưa Internet lên bầu trời
Wifi trên máy bay hiện nay hoạt động chủ yếu theo hai cách: kết nối từ mặt đất (Air-to-Ground - ATG) và kết nối qua vệ tinh.
Với công nghệ ATG, máy bay sử dụng một ăng-ten dưới bụng để kết nối trực tiếp với hệ thống tháp phát sóng mặt đất, tương tự cách điện thoại bắt sóng di động.

Khi máy bay di chuyển, hệ thống liên tục "bắt tay" với các tháp sóng bên dưới để duy trì kết nối. Tốc độ truy cập internet thông qua ATG thường đạt khoảng 10–15 Mbps, đủ để duyệt web, gửi email và sử dụng mạng xã hội cơ bản.
Phương thức này thường nhanh và ổn định hơn khi bay qua đất liền, nhưng phạm vi phủ sóng phụ thuộc vào vị trí các trạm phát.
Với các chuyến bay quốc tế hoặc bay qua đại dương, máy bay phải sử dụng kết nối vệ tinh. Trong mô hình này, một ăng-ten gắn trên nóc máy bay, được bảo vệ trong một vòm radome, sẽ liên lạc với vệ tinh quỹ đạo địa tĩnh (GEO) hoặc vệ tinh tầng thấp (LEO).
Tốc độ Internet cao hơn nhiều, dao động từ 20 đến hơn 100 Mbps, thậm chí có thể lên tới 350 Mbps với các hệ thống mới như Starlink Aviation của SpaceX.
Dù mỗi hệ thống có những đặc thù riêng, cả hai đều phục vụ chung một mục tiêu: giúp hành khách kết nối Internet, dù đang bay qua Đại Tây Dương hay lướt trên dãy Rocky Mountains.
Xử lý wifi trong khoang hành khách
Sau khi kết nối internet được thiết lập, tín hiệu sẽ được phân phối tới hành khách thông qua mạng lưới các bộ phát wifi (Wifi Access Points) bố trí dọc theo cabin.
Một máy bay cỡ trung bình thường lắp đặt 4–6 bộ phát để đảm bảo phủ sóng toàn bộ khoang. Các hệ thống này được thiết kế để tránh gây nhiễu tới các thiết bị điện tử hàng không.
.jpeg)
Tuy nhiên, cũng như các mạng wifi công cộng khác, tốc độ và chất lượng truy cập trên máy bay phụ thuộc vào số lượng hành khách đang sử dụng đồng thời. Vào giờ cao điểm như bữa trưa hoặc trước giờ hạ cánh, đường truyền có thể chậm đáng kể.
Không rẻ và chưa hoàn hảo
Mặc dù mang lại sự tiện lợi, wifi trên máy bay vẫn chưa thực sự phổ cập toàn bộ và chi phí sử dụng không hề rẻ. Theo Myaircraftcost với các chuyến bay nội địa, trung bình, hành khách thường phải trả từ 8 đến 15 USD cho gói cơ bản.
Trên các chuyến bay quốc tế, mức giá có thể dao động từ 20 đến 40 USD, tùy theo nhu cầu duyệt web hay xem video trực tuyến. Một số hãng bay cung cấp gói wifi trọn gói theo tháng hoặc năm cho khách hàng bay thường xuyên.
.jpeg)
Bên cạnh đó, công nghệ wifi trên máy bay vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Theo CNN, băng thông vẫn còn hạn chế so với mạng mặt đất, đặc biệt trong những chuyến bay có đông hành khách cùng truy cập. Ngoài ra, việc bảo trì hệ thống, đảm bảo tính ổn định xuyên suốt hành trình cũng là một bài toán không dễ dàng.
Wifi trên không sẽ như wifi dưới đất?
Giới chuyên gia dự đoán trong vài năm tới, nhờ sự tham gia của các công nghệ vệ tinh thế hệ mới như Starlink, Kuiper của Amazon hay OneWeb, wifi trên máy bay sẽ đạt tốc độ tương đương mạng cáp quang dưới mặt đất.
Khi đó, việc gọi video, chơi game trực tuyến hay thậm chí tham gia họp Zoom ngay giữa bầu trời sẽ trở nên dễ dàng. Một tương lai mà ranh giới giữa "mặt đất" và "bầu trời" ngày càng gần gũi.
Nhiều chuyên gia dự đoán rằng đến năm 2030, Wi-Fi trên máy bay sẽ trở thành dịch vụ mặc định miễn phí, giống như cách hành khách ngày nay mặc nhiên được phục vụ nước uống hay khăn lạnh.
Có một điều lưu ý là các hệ thống wifi trên máy bay được thiết kế tách biệt hoàn toàn với hệ thống điều khiển và liên lạc hàng không, đảm bảo việc hành khách sử dụng wifi không gây ảnh hưởng đến an toàn chuyến bay. Và hành khách vẫn cần tuân thủ hướng dẫn của phi hành đoàn, đặc biệt trong giai đoạn cất và hạ cánh.

Các hãng tăng tốc đầu tư vào wifi
Nhận thấy nhu cầu kết nối trên không ngày càng lớn, các hãng hàng không không ngừng đầu tư vào hệ thống wifi.
United Airlines đã triển khai dịch vụ wifi miễn phí nhờ sử dụng vệ tinh Starlink trên hơn 1.000 máy bay, hướng tới mục tiêu biến "bầu trời" thành "văn phòng thứ hai" của hành khách.

Qatar Airways cũng không nằm ngoài cuộc đua, trang bị wifi tốc độ cao Starlink Aviation trên đội bay Boeing 777-300ER.
Tại Việt Nam, từ năm 2019, Vietnam Airlines đã triển khai dịch vụ wifi trong một số chuyến bay trên dòng máy bay A350 và Boeing 787-10, với tốc độ truy cập có thể đạt tới 60 Mbps.
Và mới đây nhất, ngày 18/4 vừa qua, Vietnam Airlines và Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) chính thức ký kết, trao hợp đồng hợp tác triển khai dịch vụ Internet trên tàu bay cho đội bay Airbus A350.

Dự án sẽ được thực hiện từ tháng 7/2025, đánh dấu bước tiến mới trong hành trình chuyển đổi số và nâng cao trải nghiệm hành khách của Hãng hàng không Quốc gia.
Trong giai đoạn đầu, dịch vụ sẽ được lắp đặt trên 10 tàu Airbus A350, dòng máy bay hiện đại đang khai thác các đường bay dài tới Mỹ, châu Âu và một số đường bay nội địa.
Dự kiến từ năm 2026, Vietnam Airlines sẽ mở rộng triển khai internet trên toàn bộ đội bay thân rộng, mang đến trải nghiệm kết nối liền mạch cho hàng triệu hành khách mỗi năm.