Tin tức

32 năm giữ vững chủ quyền vùng trời Việt Nam

Thùy Dung 21/04/2025 15:58

Trải qua 32 năm phát triển, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam (VATM) đã khẳng định vai trò trụ cột trong điều hành vùng trời quốc gia. Từ mốc tiếp nhận toàn bộ Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh, đến hiện đại hóa hạ tầng, nâng cao chất lượng nhân lực và hội nhập quốc tế, VATM từng bước nâng tầm năng lực kiểm soát không lưu của Việt Nam trong khu vực và thế giới.

Ngày 20/4/1993, Trung tâm Quản lý bay dân dụng Việt Nam (tiền thân của VATM) chính thức ra đời, mở đầu cho quá trình hình thành một hệ thống quản lý bay chuyên nghiệp, từng bước đáp ứng yêu cầu điều hành không lưu trong bối cảnh hàng không dân dụng đang phát triển nhanh chóng.

z6511188926229_3491fc8b8bc66c88c1083328368c2c12.jpg
Các đại biểu tham gia Hội nghị Không vận khu vực châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 3 tại Bangkok (Thái Lan) năm 1993. Ảnh tư liệu VATM.

Một cột mốc đặc biệt vào năm 1994, khi Việt Nam được Tổ chức Hàng không Dân dụng Quốc tế (ICAO) chuyển giao phần phía Nam của Vùng thông báo bay (FIR) Hồ Chí Minh. Sự kiện này khẳng định chủ quyền vùng trời, minh chứng cho năng lực điều hành bay của Việt Nam trước cộng đồng hàng không quốc tế.

Trong hơn ba thập kỷ, hạ tầng kỹ thuật phục vụ điều hành bay tại Việt Nam đã được đầu tư mạnh mẽ.

Năm 2006, VATM đưa vào vận hành Trung tâm Kiểm soát đường dài và tiếp cận Hồ Chí Minh - công trình hiện đại bậc nhất Đông Nam Á thời điểm đó, mở ra giai đoạn mới trong việc làm chủ công nghệ điều hành bay. Đến năm 2008, Tổng công ty Bảo đảm hoạt động bay Việt Nam được thành lập theo quyết định của Bộ Giao thông Vận tải (nay là Bộ Xây dựng). Đặc biệt, năm 2010, Tổng công ty Quản lý bay Việt Nam chính thức hoạt động theo mô hình công ty mẹ - công ty con, đánh dấu bước chuyển mình lớn về thể chế và năng lực quản trị, phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập quốc tế.

Bên cạnh đó, hàng loạt công trình trọng điểm được đưa vào khai thác như Trung tâm Kiểm soát không lưu Hà Nội (2015), các đài kiểm soát tại Nội Bài, Tân Sơn Nhất, Đà Nẵng, Cam Ranh... Các phương thức điều hành bay hiện đại, các hệ thống giám sát tiên tiến như RNAV, PBN, ADS-B được áp dụng đồng bộ, giúp tối ưu hóa vùng trời, tăng năng lực điều hành và tiết kiệm nhiên liệu.

z6511270609453_bfe7dee53c0ff9639c866cda4240c40e.jpg
Lắp đặt trạm Radar Trac2000 tại Cảng Hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất. Ảnh: Thùy Dung.

Liên tục nhiều năm liền, VATM giữ vững vị trí tiên phong về năng suất - chất lượng - hiệu quả trong ngành giao thông vận tải. Sản lượng điều hành bay tăng mạnh qua từng năm, doanh thu và lợi nhuận không ngừng gia tăng, góp phần lớn cho ngân sách nhà nước và thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia.

Đài Kiểm soát không lưu (ATCT) Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành đã hoàn thành phần bê tông cốt thép đến cos 107,880 m, vượt tiến độ kế hoạch hai tháng. Ảnh: Thùy Dung.
Đài Kiểm soát không lưu (ATCT) Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành. Ảnh: Thùy Dung.

Ngày 29/9/2022, Tổng công ty khởi công Dự án thành phần 2 - các công trình phục vụ quản lý bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành với tổng mức đầu tư gần 3.500 tỷ đồng. Đây là công trình có quy mô lớn nhất trong lĩnh vực quản lý bay hiện nay, gồm Đài kiểm soát không lưu cao 123 m và nhiều hạng mục kỹ thuật hiện đại - biểu tượng cho tầm vóc mới của VATM trong kỷ nguyên mới.

Trong đó, năm 2024 là năm được đánh giá với nhiều kết quả vượt bậc của VATM với doanh thu và sản lượng điều hành bay tăng trưởng ấn tượng. Tổng doanh thu đạt 4.282 tỷ đồng, vượt 9,88% kế hoạch và tăng hơn 16% so với năm trước; lợi nhuận trước thuế đạt 1.502 tỷ đồng, bằng 136,67% kế hoạch và tăng tới 41% so với cùng kỳ; nộp ngân sách Nhà nước 2.849 tỷ đồng, tăng gần 40%.

Đáng chú ý, trong Chương trình Thanh sát an toàn hàng không toàn cầu (USOAP) của ICAO điểm số toàn ngành 77,1%, lĩnh vực bảo đảm hoạt động bay (ANS) của Việt Nam đạt 91,8%, cao nhất khu vực. Kết quả này thể hiện rõ năng lực chuyên môn của VATM và góp phần nâng vị thế Việt Nam trong nhóm quốc gia có kết quả USOAP tốt tại châu Á - Thái Bình Dương.

Song song với đó, chất lượng nguồn nhân lực là yếu tố được VATM chú trọng đầu tư. Các chương trình đào tạo trong nước kết hợp với việc cử kiểm soát viên và kỹ sư kỹ thuật ra nước ngoài học tập đã góp phần nâng cao trình độ chuyên môn, khả năng xử lý tình huống và năng lực điều hành bay theo tiêu chuẩn quốc tế. Đội ngũ này đảm nhiệm vai trò điều hành bay thường nhật và là lực lượng chủ chốt trong thiết kế phương thức bay, huấn luyện phi công và phối hợp quốc tế.

opensky_ksvkl.jpg
Kíp trực kiểm soát viên không lưu điều hành bay tại Cảng Hàng không Quốc tế Nội Bài. Ảnh: Thùy Dung.

VATM cho biết năm 2025 là bước chuyển quan trọng trong hành trình phát triển bền vững của Tổng công ty. Dự kiến trong năm nay, sản lượng điều hành bay sẽ đạt 940.128 lần chuyến, tăng 8,72% so với năm trước. Tổng doanh thu ước đạt 4.478 tỷ đồng, tăng 5,7%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.136 tỷ đồng và nộp ngân sách nhà nước 2.955 tỷ đồng.

Tổng công ty cũng xác định rõ các định hướng trong năm 2025 với trọng tâm là tăng cường hiệu quả hoạt động điều hành bay thông qua việc đưa vào khai thác vùng trời mới tại Long Thành, đẩy mạnh chất lượng dịch vụ, nghiên cứu và ứng dụng các sản phẩm số như dNOTAM, eMAP, eCHARTING, đồng thời nâng cao khả năng giám sát tín hiệu vệ tinh và hoàn thiện mạng đường bay PBN hiện đại.

Cùng với đó, công tác phát triển hạ tầng kỹ thuật và số hóa tiếp tục được ưu tiên, từ bảo trì thiết bị, đầu tư an ninh mạng, đến phối hợp quốc tế nhằm nâng cấp công nghệ khai thác tiên tiến. Về quản trị, VATM chú trọng áp dụng các chỉ số đánh giá hiệu quả (KPI) toàn hệ thống, đẩy mạnh đào tạo chuyên sâu, phân cấp quản lý hiệu quả và phát triển văn hóa doanh nghiệp hiện đại, thích ứng với thời đại số.

Trong hành trình tới, VATM xác định tầm nhìn đến năm 2030, 2045 là trở thành một tổ chức quản lý bay hiện đại, thông minh, thân thiện môi trường, có năng lực điều hành an toàn trên 1,8 triệu chuyến bay mỗi năm, làm chủ công nghệ điều hành bay tiên tiến, đáp ứng mọi tiêu chuẩn quốc tế.

Thùy Dung